Năm nay chúng ta kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là tròn 50 năm Bác về với “Thế giới người hiền”. Bao nhiêu năm ấy đã có biết bao công trình nghiên cứu, biết bao tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật viết về tấm gương đạo đức của Người. Thời gian càng lùi xa càng có dịp suy ngẫm và hiểu sâu sắc hơn từng ý, từng lời. Có điều Bác căn dặn, có điều mong muốn, có câu trả lời, có điều như Bác nói với chính mình. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nói chuyện với ai, ở đâu lời Bác luôn luôn thống nhất. Cao hơn thế là thống nhất lời nói với việc làm.
Bác Hồ với công nhân ngành đường sắt |
Tháng 5 này nhớ Bác, chúng tôi bâng khuâng nhớ về câu chuyện cách đây hơn 73 năm.Những ngày giáp Tết Bính Tuất, 1946, khi đất nước bộn bề công việctoàn quốc kháng chiến, một số nhà báo nước ngoài hỏi Hồ Chí Minh về suy nghĩ của Người khi đảm trách chức vụ Chủ tịch Chính phủ, Người bình thản trả lời: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý một chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác cho thì tôi phải gắng sức làm, cũng giống như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra mặt trận, bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi”.
Tháng 5-2019 này, công việc đất nước cũng bộn bề trong sự phát triển mạnh mẽ của thời thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Có thể nói chưa có bao giờ vị thế đất nước ta lớn mạnh như hiện nay. Sau hơn 30 năm đổi mới cơ đồ non sông ta ngày càng rạng rỡ. Đất nước chuẩn bị hành trang bước vào kỷ nguyên công nghệ số. Phát triển kinh tế với tốc độ nhanh chóng nhưng không phát triển bằng mọi giá mà phải giữ môi trường – môi trường chính trị, văn hóa, môi trường hòa bình, môi trường an ninh và trực tiếp nhất là môi trường tự nhiên. Nói một câu ngắn gọn như thế nhưng đòi hỏi sự gắng công gắng sức rất lớn để chớp thời cơ, vượt qua thách thức, vượt qua sự bảo thủ, trì trệ, cùng những sức ỳ, thói xấu di chứng từ bao nhiêu năm trước cộng thêm những tác động mặt trái của cơ chế thị trường.
Tháng 5 này, một Hội nghị quan trọng của Trung ương đang được chuẩn bị, bàn định về những nét tổng thể về tình hình phát triển kinh tế-xã hội đất nước qua nửa nhiệm kỳ Đại Hội XII của Đảng và phương hướng chặng đường tiếp theo, cùng những phác thảo lớn trong 5 năm tới (2021-2026). Bàn về việc Nước, bàn về việc Đảng, việc Dân, đó là đại sự. Trong đó riêng việc của Đảng đã là rất nhiều công việc lớn, hệ trọng và gấp gáp.Vì Đảng phải chuẩn bị sớm về nhân sự, tìm ra những đồng chí cán bộ có tài, có đức, có bản lĩnh, có tư tưởng đổi mới, sáng tạo để gánh vác việc chung, “không dính líu gì tới vòng danh lợi”.
Từ nhiệm kỳ Đại hội XI tới nhiệm kỳ Đại hội XII toàn Đảng dốc sức đổi mới, chỉnh đốn, cùng với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh. Kết quả đạt được tuy rất lớn nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, đúng như Trung ương đã nhận xét: Đảng vẫn chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, niềm tin của Dân với Đảng giảm sút. Công tác chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay được chú trọng ở mức cao nhất. Nếu được chọn một từ nào đó được nói tới nhiều nhất, với niềm tin, niềm phấn chấn lớn nhất thì có thể đó là từ “đốt lò”. Thậm chí có nhà ngôn ngữ còn nói đó là “thành ngữ mới” trong thập niên thứ hai thế kỷ 21. Mai sau khi nói tới “đốt lò” con cháu chúng ta có thể hình dung về những năm tháng ấy, “củi khô, củi ẩm, củi tươi” cùng cháy dần, cháy mãi. Những ai đó tham nhũng, ăn trộm, ăn cắp, thậm chí ăn cắp của công, bòn rút tiền thuế của dân được ví như những thanh củi bị thiêu cháy dưới sức nóng của “cái lò” kỷ luật, kỷ cương của Đảng, dư luậnxã hội, pháp luật có sức nóng dữ dội.
Làm được những công việc lớn ấy, xây dựng, sàng lọc, tổ chức con người, loại bỏ những kẻ tha hóa ra khỏi bộ máy lãnh đạo, quản lý để phát triển kinh tế- xã hội tốt hơn là những công việc cao như núi, dài như sông, việc này đang làm việc kia đã tới. Nhưng Đảng ta đã làm được nhiều việc. Và thực tiễn đã chứng minh rằng, không phải cứ tập trung chống tham nhũng,nay điều tra, mai khởi tố, rồi khám xét, bắt bớ kẻ có tội từng giữ những cương vị lãnh đạo chủ chốt thì người ta sẽ chùn tay, kinh tế sẽ chậm dần đều, sẽ chững lại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017, 2018, và bốn tháng đầu năm nay đã bác bỏ quan điểm đó.
Nhưng vì sao chúng ta làm được và vì sao còn nhiều vụ việc kéo dài, đụng tới đâu vướng tới đó? Có những vụ việc mỗi cơ quan pháp luật đánh giá theo một hướng khác nhau. Có những phiên tòa phải hoãn xử nhiều lần cho chưa đủ chứng cứ,hoặc phát sinh những chứng cứ mới. Bên cạnh những lý do khách quan, do vụ việc kéo dài, phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức,nhiều người,là lý do ở người thực thi chức trách, pháp luật. Chỉ cần “du di” một tý, xao động một tí, chỉ cần gợn lên trong lòng một chút “danh lợi” là tay cầm cán cân công lý đã run rồi. Đó là do còn có “thứ giặc ở trong lòng” như Bác Hồ đã chỉ ra từ rất sớm. Mà thứ giặc nguy hiểm nhất là chủ nghĩa cá nhân. Công việc bê trễ, xử lý không khách quan, trung thực, để cái xấu át cái tốt,người ngay sợ kẻ gian là do người trên không gương mẫu, còn “ham” danh, ham chức, ham tiền. Khi ấy nhớ đến lời Bác: Người cách mạng chỉ có một điều ham: Ham học, ham làm, ham tiến bộ để làm được nhiều việc tốt cho dân, cho nước, thì trong lòng sẽ thanh thản, mọi việc sẽ được giải quyết đến nơi đến chốn, được lòng dân, được cho việc lớn của đất nước.
Bộn bề công việc đất nước vào lúc này chúng ta còn thấy nổi lên nhiều điều: Biển Đông ẩn chứa những con sóng lớn, vẫn đang đòi hỏi phải có tầm nhìn chiến lược, bình tĩnh và tỉnh táo để giữ vững chủ quyền. Nỗi lo về những luật, những chủ trương, chính sách trên trời hoặc ra đời trong phòng lạnh. Nỗi lo văn hóa vẫn thường trực hàng ngày hàng giờ. Không lo sao được trước những vụ gian lận điểm thi “kinh hoàng” ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang… để những “thủ khoa” rởm chiếm chỗ sinh viên giỏi giang thật sự. Nguy hại hơn là người dân mất niềm tin vào giáo dục. Không lo sao được khi chùa chiền cũng biến thành nơi buôn thần bán thánh. Rồi tệ nạn xã hội bùng phát, buôn bán ma túy ngày càng liều lĩnh, trắng trợn, những vụ cơ quan chức năng bắt tới 600 - 800 kg rồi 1, 1 tấn ma túy thật sự là những con số kinh hoàng! Nếu số “hàng” này trót lọt thì hậu quả sẽ ra sao. Mỗi cân ma túy đó sẽ sinh ra bao vụ giết người dã man vì ngáo đá, ảo giác, vì cần tiền để “chơi” tiếp, sẽ xảy ra bao vụ tai nạn giao thông thương tâm? Những chiến công vang dội cho ta nhiều bài học quý. Nhưng những cái chưa thành công, hoặc thất bại lại cho nhiều bài học hơn.
Trong gian nan, thử thách sẽ sáng lên trí tuệ, tình thương và lẽ phải. Trong đó trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp là vô cùng quan trọng. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: chỉ cần gần 200 Ủy viên Trung Đảng thật sự nêu gương trước cấp dưới, trước nhân dân là tình hình đã chuyển biến rất nhiều. Không dính líu gì tới vòng danh lợi thì sẽ chấm dứt tất cả những thói xấu như hống hách, cửa quyền, lợi ích nhóm, đề bạt bổ nhiệm con cháu, đệ tử, đề bạt thần tốc. Không dính líu tới vòng danh lợi thì sẽ chống được tư duy nhiệm kỳ, làm “chuyến tàu vét” trước khi hạ cánh. Rồi sẽ không còn tình trạng đem cái “ghế” ra mà câu nhử những cán bộ có tài nhưng không chịu mua “ghế”. Điều này Bác Hồ cũng đã dặn dò rất kỹ, rằng kiến quốc cần có nhân tài. Phải làm sao đặt người có đức-tài vào chỗ làm việc. Còn với riêng Bác“như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra mặt trận”.
Người lính ấy vào những phút cuối của cuộc đời 79 mùa Xuân đã trao gửi cho dân tộc, nhân dân ta bản Di chúc lịch sử - bức thư để lại cho đồng bào, đồng chí. Người cũng gửi lại túi tiền tiết kiệm từ lương tháng, từ tiền nhuận bút viết báo của vị Chủ tịch nước. Cả cuộc đời vì nước, vì dân,lúc ra đi Người để lại chỉ có mấy đồng bạc.
Bác đang nói điều gì với chúng ta hôm nay? Những tư tưởng lớn,những suy nghĩ vượt tầm thời gian bao giờ cũng bắt đầu từ một thiên tài,một nhân cách lớn. Trong niềm vui mừng sinh nhật Bác và trong lúc “bộn bề” công việc này bỗng nhớ câu thơ Tố Hữu: “Mỗi khi lòng ta xao xuyến rung rinh/Môi ta thầm kêu Bác Hồ Chí Minh”./.
Dòng người đội nắng về Làng Sen kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ Kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018), trong những ngày tháng Năm này, mặc dù trời nắng nóng ... |
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám Lịch sử 72 năm qua đã khẳng định rằng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ ... |
Bác Hồ, tướng Giáp trong mắt một họa sĩ Canada Họa sĩ Gelinas đã vẽ nhiều bức tranh về Hồ Chí Minh, về phong cảnh và vẻ đẹp của con người Việt Nam để tặng ... |
Những câu chuyện xúc động của người chiến sĩ bảo vệ Bác Hồ Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhắc lại những năm tháng vinh dự và tự hào được là người chiến sĩ cận vệ, làm nhiệm ... |