- Bộ Ngoại giao Mỹ duyệt bán 66 tiêm kích F-16 cho Đài Loan
- Hai tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp bắn rơi UAV xâm phạm không phận
Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer, cho biết Ukraine sẽ không nhận được chiến đấu cơ F-16 cho đến khi cuộc phản công của nước này kết thúc.
Theo Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer, việc cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu F-16 mà Kiev yêu cầu "sẽ không được giải quyết trong thời gian ngắn".
"Cuộc thảo luận về cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine rất quan trọng, nhưng vấn đề này sẽ không thể giải quyết trong ngắn hạn để phục vụ chiến dịch phản công hiện nay", ông Rob Bauer nói.
Máy bay tiêm kích F-16. (Ảnh: Không quân Mỹ)
Ông Rob Bauer nói rằng, quá trình huấn luyện phi công và kỹ thuật viên cũng như bảo đảm khả năng duy trì vận hành máy bay chiến đấu F-16 chỉ có thể diễn ra sau khi Ukraine kết thúc chiến dịch phản công.
Mới đây, Yury Ignat, phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Ukraine, cho biết hiện vẫn chưa có khóa huấn luyện nào cho các phi công Ukraine lái máy bay F-16. Ông nói rằng Kiev không muốn gây áp lực lên Mỹ và đồng minh vì nước này phải dựa vào sự hỗ trợ của phương Tây.
Cuối tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố phương Tây dự kiến sẽ sớm bắt đầu quá trình đào tạo phi công Ukraine trên F-16. Theo ông Austin, Đan Mạch và Hà Lan sẽ dẫn đầu liên minh phối hợp đào tạo phi công Ukraine.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov lưu ý các lực lượng Ukraine sẽ chỉ có thể bắt đầu sử dụng F-16 trong chiến đấu vào mùa thu hoặc mùa đông tới, vì việc đào tạo phi công và kỹ sư cần có thời gian.
Patriot và F-16 là những vũ khí mới nhất mà Ukraine yêu cầu từ phương Tây để tăng cường khả năng chiến đấu của các lực lượng nước này, đặc biệt là trong bối cảnh Kiev tiến hành chiến dịch phản công.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi các quốc gia phương Tây cung cấp cho nước này máy bay chiến đấu, trong đó có cả F-16 mà một số thành viên NATO sở hữu.
Chính phủ Ukraine đã nhận được xe tăng Leopard của Đức và xe tăng Challenger của Anh, bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất, nhiều loại pháo tự hành của NATO, cũng như tên lửa chống tăng từ phương Tây. Ba Lan đã trở thành trung tâm cung cấp vũ khí cho Ukraine từ các quốc gia khác và là nơi huấn luyện binh sĩ Ukraine.
Nga cảnh báo viện trợ quân sự cho Kiev khiến các nước phương Tây trên thực tế trực tiếp tham gia vào xung đột, đồng thời tuyên bố hệ thống vũ khí nước ngoài sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp trên chiến trường.