- Lại nóng chuyện “vá áo” hay thay mới cầu Long Biên
- Không nên cấm người dân đi bộ, chụp ảnh trên cầu Long Biên
- Sẽ rào chắn các lối lên xuống bãi giữa sông Hồng từ cầu Long Biên
Nếu như không có sự cố sụt tấm đan mặt cầu xảy ra liên tiếp trong vòng một tháng trước, thì đến nay cây cầu Long Biên có lẽ vẫn chưa được đặt lên bàn cân của các cơ quan chức năng. Để sửa chữa cây cầu có tuổi đời hơn 100 năm với những “vết thương” được vá víu là điều không hề đơn giản.
Nhiều ý kiến đã được đưa ra, giữ cầu Long Biên để bảo tồn như một biểu tượng thời gian, hay dỡ bỏ để xây một cây cầu mới to hơn, an toàn hơn, khiến câu chuyện cầu Long Biên của Hà Nội trở nên “nóng” hơn bao giờ hết...
Tấm áo cũ vá mãi không lành...
Cầu Long Biên được xây dựng vào năm 1899, hoàn thành năm 1902, từng được coi là công trình nổi tiếng thế giới khi được xây dựng, đưa vào khai thác với lối thiết kế hiện đại vào đầu thế kỷ 19, phục vụ đi lại cho cả phương tiện cơ giới và người đi bộ. Đây là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, đồng thời là một trong 3 tuyến huyết mạch của ngành đường sắt gồm tuyến Hà Nội-Đồng Đăng, Hà Nội-Hải Phòng và Hà Nội-Lào Cai. Được xếp vào loại cầu yếu, hằng ngày cầu Long Biên vẫn phải “gánh” trên mình hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại, trong đó có tàu hỏa, xe máy, xe đạp...
Ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) - đơn vị quản lý, duy tu cầu Long Biên cho biết, trải qua 120 năm, hiện cầu chỉ còn 13 nhịp dầm Pháp cũ, nhiều nhịp bị cắt ngắn so với nguyên bản. Sau khi cầu bị đánh bom vào năm 1972, 6 nhịp cũ được thay bằng 17 dầm quân dụng và sử dụng đến bây giờ. Đánh giá cầu có các nhịp kết cấu thép bắt đầu han gỉ, bị ăn mòn và hai bên đầu cầu đã được cắm biển cấm phương tiện quá tải, ông Vượng ví cầu Long Biên như một “tấm áo cũ”, vá chỗ này hỏng chỗ kia. Hằng năm, đơn vị được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đặt hàng nguồn kinh phí duy tu bảo trì như năm 2021 là 8,3 tỷ đồng, năm 2022 kinh phí được giao là 9,7 tỷ đồng. Với lượng kinh phí như vậy, việc thực hiện duy tu bảo trì được thực hiện thông qua việc vá víu ổ gà, thay tấm đan... song chỉ đạt 30-45% nhu cầu thực tế.
Sau khi xảy ra những sự cố trên cầu Long Biên thời gian gần đây, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam rà soát, khẩn trương sửa chữa ngay những hư hỏng. Bộ GTVT giao Tổng Công ty Đường sắt trong năm nay kiểm định tổng thể cây cầu, đề xuất những hạng mục cần sửa chữa, quy mô, nguồn vốn và lộ trình sửa chữa cầu Long Biên. Từ đó, bộ tiếp tục báo cáo các cấp thẩm quyền để bố trí vốn triển khai, thực hiện.
Ngày 23-6, đơn vị quản lý đã lập rào chắn mềm ở 2 bên đường dẫn lên cầu Long Biên để ngăn các phương tiện ô tô, xe quá tải, chở hàng cồng kềnh đi vào. Ngoài dải phân cách mềm 2 bên đường dẫn lên cầu, cơ quan chức năng đồng thời lắp đặt hệ thống camera an ninh tại 3 điểm để dễ bề quan sát việc vi phạm của người dân cũng như sự cố bất chợt xảy ra trên cầu. Thế nhưng, từ đó đến nay, dù Sở GTVT Hà Nội đã cắm biển cấm ô tô và xe 3 bánh, người dân vẫn cố tình đi lên, thậm chí kể cả xe ô tô. "Để bảo vệ sự an toàn cho người dân khi lưu thông trên cầu, ngoài việc dựng các dải phân cách mềm bằng nhựa nhằm phân luồng, không cho xe ô tô hay xe ba gác, xe tự chế đi lên cầu. Bên cạnh đó, đơn vị cũng hàn các thanh thép chống, ngăn không cho xe máy đi lên phần đường dành cho người đi bộ. Hiện Công ty Hà Hải đang bố trí 3 người cho 1 ca trực, kiên quyết yêu cầu người dân chấp hành quy định", ông Nguyễn Quốc Vượng thông tin.
Có nên tiếp tục đặt “trên vai” cầu Long Biên một áp lực lớn về giao thông?
Nhìn sự xuống cấp của cây cầu cũng với sự phát triển của Thủ đô, đã có ý kiến cho rằng, nên xây một cây cầu mới để người dân lưu thông thuận lợi, an toàn hơn. Còn cây cầu Long Biên có thể giữ lại như một biểu tượng của người dân Hà Nội. Thế nhưng, không nhiều người đồng tình với ý kiến này.
Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Viêt Nam cho hay, hơn 70 năm ông đã nhìn cây cầu và chứng kiến cây cầu qua nhiều thời khắc lịch sử. Nhiều năm chúng ta bảo vệ cây cầu như mạch máu Thủ đô, là di sản hết sức quý giá. Mỗi ngày vẫn nhìn thấy những người thợ sửa chữa, những đoàn tàu chạy an toàn. Nhưng, rõ ràng, cầu Long Biên đang xuống cấp và ở thời kỳ lưỡng lự, chưa biết ứng xử lâu dài thế nào. Do đó, chúng ta cố gắng gìn giữ nó như một cây cầu đúng nghĩa là đảm bảo giao thông hai bên bờ sông. Nên tính toán phân luồng hợp lý để người dân hai bên đầu cầu đi lại phù hợp.
Tương tự, ông Trần Đăng Hải, Trưởng Phòng Kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội bày tỏ, cầu Long Biên hiện hữu luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi giai đoạn, thời kỳ. Hiện nay, mặc dù cầu đã quá tải, xuống cấp nhưng vẫn phục vụ giao thông qua lại cho người dân vùng lõi hai bên cầu. “Ngay cả khi đã hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi-Yên Viên hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước đến Thủ đô. Do đó, cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu”, ông Hải nói và khẳng định thêm: hiện cơ quan chức năng đang nghiên cứu xem xét, chưa bàn đến việc dừng hay không chức năng của cầu Long Biên.
Vậy, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho cây cầu, khi mà chưa nắm được thời gian thi công cầu mới? Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Khắc Điệp - Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 1 sẽ trùng với tuyến quốc gia, đi qua và giảm tải cho cầu Long Biên. Trong khi chờ cây cầu mới này, Bộ đã giao cho Tổng Công ty Đường sắt kiểm định cầu Long Biên để bố trí vốn sửa chữa tổng thể. Trong năm 2022, sẽ cho tiến hành cầu đường bộ; các hạng mục khác sẽ tiến hành rà soát, đưa vào quy mô lâu dài. Để đảm bảo cho cầu Long Biên hoạt động được, nên có công trình mới thay thế, như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên để giảm tải cho cầu Long Biên. Nên sớm đầu tư cầu mới, để bảo tồn cho cầu Long Biên. Nhằm đảm bảo về giao thông lâu dài, nên có dự án sửa chữa, nâng cấp.
Bàn đến việc tìm giải pháp cho cây cầu quá cũ, không nên để chậm trễ quá, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ thêm, chức năng hiện nay vẫn là huyết mạch đường sắt. Không có vị trí nào đứng nhìn Hà Nội đẹp như đứng trên cầu. Vì vậy, nên nhìn đó là mục tiêu chính, chứ không nên cấm người dân. Nhà nước nên có cái nhìn tổng thể, vừa là cầu di sản cần bảo tồn, vừa là cầu đáp ứng nhu cầu giao thông cho người dân hai bên. Phá đi thì dễ, dựng lại mới khó, giá trị sẽ mất đi. Về giải pháp cấm đi bộ trên cầu, theo ông Dương Trung Quốc, nên phân giờ đi trên cầu Long Biên, giờ dành cho ngươi đi bộ, giờ dành cho người đi xe đạp, xe máy. Đừng ngăn chặn ý nghĩa tốt đẹp như đi bộ tập thể dục, chụp ảnh cưới... của người dân. Cùng với đó, để giải quyết vấn đề cầu Long Biên xuống cấp, riêng Bộ GTVT rất khó để quyết định tương lai của cây cầu, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành khác và người dân.
Thành lập Tổ chuyên gia nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên
UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định thành lập Tổ chuyên gia triển khai dự án hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên do Chính phủ Pháp tài trợ. Tổ chuyên gia này sẽ do Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải làm Tổ trưởng, với sự tham gia của đại diện các sở, ngành liên quan cùng lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội...
Tổ chuyên gia có trách nhiệm phối hợp với Đại sứ quán Pháp nghiên cứu, đề xuất và triển khai các hoạt động nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan; xây dựng nội dung dự án hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên làm cơ sở để Sở GTVT Hà Nội báo cáo thành phố Hà Nội thực hiện các thủ tục tiếp nhận, triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định về quản lý nguồn vốn ODA và các quy định pháp luật liên quan.
https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/tuong-lai-nao-cho-cau-long-bien--i658569/