Nếu quả cam gắn điều ước của bạn bám vào nhánh cây thần ở Hong Kong mà không rơi xuống đất, mong muốn đó sẽ trở thành hiện thực.
Phong tục cầu nguyện may mắn, thịnh vượng và thành công vào năm mới đã trở thành một nét đặc biệt trong văn hóa các nước phương Đông. Trong những ngày đầu năm mới (Tết Âm lịch), người dân Hong Kong thường đến thăm cây ước nguyện Lam Tsuen, gần ngôi đình của làng nhỏ Fong Ma Po, Tân Giới, để cầu mong những điều tốt đẹp, theo Culture Trip.
Theo truyền thuyết, cây đa Lam Tsuen có khả năng thần kỳ, biến ước muốn thành hiện thực. Mọi người viết điều ước năm mới lên giấy và gắn vào một quả cam, sau đó, ném lên cao để nó bám vào cành cây. Nếu quả cam đậu trên cành mà không bị rơi, điều ước sẽ trở thành hiện thực. Quả cam bám trên cành càng cao, khả năng đạt được ước nguyện càng lớn. Người dân Hong Kong tin rằng, quả cam rơi xuống đất là do bạn quá tham lam.
Ngôi làng Fong Ma Po ở quận Tai Po có lịch sử hơn 700 tuổi. Những người định cư đầu tiên trên vùng đất này là người đánh cá giản dị. Được xây dựng vào năm 1736 dưới thời Vua Càn Long, ngôi đền ở làng có tên Tin Hau, được đặt theo vị Thần biển của Trung Quốc.
Trong lịch sử, cây ước nguyện ở Lam Tsuen là hai cây cổ thụ. Một cây long não đứng ở đầu làng, một cây khác được trồng ở gần đền Tin Hau. Người dân địa phương sau khi cầu nguyện ở Tin Hau, sẽ đốt nhang ở một miếu nhỏ hơn thờ hai vị thần Wang Ye và Pak Kung, ngay cạnh cây ước nguyện.
Ban đầu, đền thờ và cây cổ thụ chỉ là nơi cho những người đánh cá địa phương tới treo lời mong mỏi. Họ ghi tên, tuổi và những lời ước nguyện để bắt được nhiều cá. Qua thời gian, cây cổ thụ mang trong mình nhiều bí ẩn. Có nhiều câu chuyện về lời ước nguyện thành hiện thực nhờ cây này vẫn được người dân địa phương kể lại.
Hàng nghìn quả cam nhỏ cùng lời ước được treo trên cây ước nguyện. Ảnh: Temple U Abroad. |
Theo một truyền thuyết, có một người phụ nữ ở Tanka bất ngờ bị ốm nặng. Trong giấc mơ, một vị thần đến bên giường và bảo bà tới Lam Tsuen để ném mảnh tiền vàng lên cây, như hiến dâng một món quà cho các vị thánh. Sau khi nghe lời chỉ bảo, người phụ nữ bất ngờ khỏi bệnh. Câu chuyện lạ lan truyền khắp nơi, thu hút nhiều người tới Lam Tsuen.
Câu chuyện khác kể lại một người đàn ông đến đền Tin Hau cầu mong cho cậu quý tử đang căng thẳng với việc học và thi cử. Sau đó, thành tích học tập của cậu bé bất ngờ được cải thiện. Từ đó, Lam Tsuen trở thành một truyền thuyết, nơi người ta đến để cầu công danh, sức khỏe.
Cổng làng Lam Tsuen. Ảnh: Wiki. |
Năm 1998, cây long não đứng trước cổng làng bất ngờ bị bén lửa và thiêu trụi. Nó được thay bằng một cây đa. Năm 2005, một nhánh cây gãy khiến hai người bị thương nặng, buộc chính quyền phải can thiệp. Sau khi kiểm tra, họ nhận định cây đang trở nên già cỗi vì sức nặng của những lời ước. Để bảo vệ các nhánh cây, những du khách và dân địa phương bị hạn chế ném lời cầu ước. Thay vào đó, họ dựng một cây giả để duy trì truyền thống này. Những quả cam nhựa được thay thế để tránh bị thương.
Hiện tại, chính quyền địa phương đã đầu tư hàng triệu đô để xây dựng cơ sở vật chất cho du khách, bao gồm bục biển diễn, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe. Năm 2011, một kênh nước hình chữ nhật được đặt thành Giếng Ước nguyện, cho người ước nguyện thả đèn hoa sen, trôi về con sông nhỏ phía dưới. Để tới đây, bạn có thể bắt MRT xuống chợ Tai Po, ra cửa ra số 3 để tới điểm xe bus. Sau đó, bạn bắt xe bus số 64K hoặc 64P tới bến xe Fong Ma Po. Ngoài ra, khách tham quan có thể bắt MRT rồi vẫy taxi tới làng. Trong 4 ngày đầu tiên của năm mới, sẽ có xe bus đặc biệt 63R đưa du khách tới thẳng Lam Tsuen. |
Độc đáo lễ hội đánh cá cầu may dưới chân núi Hồng Lĩnh
Lễ hội đánh cá Đồng Hoa ngay dưới chân núi Hồng Lĩnh ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) được tổ chức mỗi ... |
Đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc tấp nập người đi lễ cầu may
Trong hai ngày đầu năm mới, hàng nghìn du khách đổ về đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc (Hà Nội) lễ bái cầu may. Nhiều ... |