- Quan chức nhận hối lộ từ Xuyên Việt Oil nộp bao nhiêu tiền khắc phục hậu quả?
- Thu giữ và “đóng băng” lượng tài sản đặc biệt lớn trong vụ Xuyên Việt Oil
- Chủ tịch Xuyên Việt Oil “qua mặt” hai bộ để chiếm đoạt hơn 1.244 tỷ đồng
Trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan, bị can Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) bị Viện KSND tối cao truy tố về hai tội danh “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thát thoát, lãng phí”. Từ vụ án này cho thấy, có nhiều sơ hở trong quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) xăng dầu cần sớm khắc phục.
Theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa là xăng, dầu.
Thời điểm tính thuế là thời điểm doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bán ra. Người chịu thuế là người tiêu dùng mua xăng dầu. Số tiền thuế này đã được tính vào giá bán, khi khách mua hàng trả tiền mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ thì đã bao gồm cả tiền thuế này, người bán thu tiền và sẽ nộp thay vào ngân sách Nhà nước.
Tiền thuế bảo vệ môi trường không phải là tiền từ vốn, tài sản, lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Doanh nghiệp chỉ là người thu hộ tiền thuế và có trách nhiệm quản lý, nộp thay khoản tiền này vào ngân sách Nhà nước (chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày nộp tờ khai).
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, Công ty Xuyên Việt Oil đã không thực hiện nộp tiền thuế bảo vệ môi trường theo đúng thời hạn quy định. Hiện, Công ty Xuyên Việt Oil còn phải nộp 1.244 tỷ đồng, chưa tính lãi phạt chậm nộp.
Trong vụ án này, bị can Mai Thị Hồng Hạnh đã không thực hiện việc nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước theo đúng quy định, mà lại chuyển tiền này sang các tài khoản cá nhân để sử dụng cho mục đích riêng. Tổng số tiền đã chuyển từ tài khoản Công ty Xuyên Việt Oil sang tài khoản cá nhân của bị can Hạnh là hơn 12.625 tỷ đồng. Trong đó, thời kỳ không nộp tiền thuế từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, bị can Hạnh đã rút ra 1.937 tỷ đồng từ các tài khoản của Xuyên Việt Oil do Hạnh sở hữu.
Kết quả điều tra xác định, trong 17 tài khoản của bị can Hạnh và 19 tài khoản của Công ty Xuyên Việt Oil chỉ còn hơn 4 tỷ đồng và 244 USD. Và hiện tại, bị can Hạnh không còn khả năng tài chính để chuyển nộp số tiền thuế đã thu hộ vào ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, lợi dụng việc được giao trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ BOG, bị can Hạnh đã sử dụng tiền quỹ trái pháp luật, gây thất thoát 219 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền Quỹ BOG và tiền thuế bảo vệ môi trường bị can Hạnh gây thất thoát cho Nhà nước là hơn 1.463 tỷ đồng.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đánh giá, đây là vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ liên quan đến lĩnh vực an ninh năng lượng, an ninh tài chính, ngân hàng xảy ra từ trung ương đến địa phương, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát tài sản Nhà nước đặc biệt lớn, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và được dư luận xã hội quan tâm.
Cơ quan An ninh điều tra nhận thấy, có một số nguyên nhân đến từ công tác kiểm tra, giám sát Quỹ BOG, thu tiền thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, Quỹ BOG không được quản lý tập trung mà được để tại doanh nghiệp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và giao doanh nghiệp tự quản lý, chủ động trích lập, sử dụng và báo cáo số dư Quỹ BOG về cơ quan quản lý Nhà nước.
Pháp luật hiện hành cũng không quy định cụ thể phương pháp, cách thức quản lý, kiểm tra thực tế số dư Quỹ BOG mà doanh nghiệp đã trích lập trong từng kỳ báo cáo và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý liên quan.
Do đó, chủ sở hữu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã lợi dụng việc được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng Quỹ BOG để tại doanh nghiệp để chiếm dụng, sử dụng trái phép tiền từ Quỹ BOG, dẫn đến gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Cơ quan tố tụng đánh giá, thuế bảo vệ môi trường là nguồn thu lớn của ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước không trực tiếp thu tiền thuế này từ người tiêu dùng mà giao cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thu hộ.
Số tiền thu hộ không được hạch toán, nộp vào tài khoản định danh riêng biệt, dẫn đến chủ sở hữu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lợi dụng để chiếm dụng, sử dụng trái phép số tiền thuế dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước.
Cơ quan An ninh điều tra cũng đề cập đến việc cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (nay là Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu). Theo đó, quy định hiện hành chưa quy định chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp phép sau khi đã ban hành giấy phép. Pháp luật hiện hành quy định trách nhiệm “tiền kiểm” và “hậu kiểm” thuộc hai đơn vị khác nhau, dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền cấp phép móc nối, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hoặc bỏ qua việc hợp thức hoá hồ sơ, điều kiện cấp phép, doanh nghiệp không duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu sau khi được cấp phép.
Bị can Đặng Công Khôi, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).
Từ các nguyên nhân trên và để phòng ngừa sai phạm, cơ quan tố tụng đã kiến nghị hàng loạt vấn đề lớn. Trước mắt là cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG của các cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời yêu cầu thương nhân đầu mối xăng dầu phải công khai số dư Quỹ BOG và tài liệu, chứng từ chứng minh theo định kỳ hàng tháng để đảm bảo chặt chẽ, minh bạch.
Tiếp đến là sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, cần quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan quản lý Nhà nước và cần thiết giao một cơ quan duy nhất có quyền hạn, trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát Quỹ BOG hoặc chuyển Quỹ BOG về cơ quan Nhà nước quản lý trực tiếp. Trường hợp phát hiện có vi phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét, xử lý hình sự.
Đối với công tác quản lý, thu tiền thuế bảo vệ môi trường thì cần quy định thời gian cụ thể mà doanh nghiệp phải nộp số tiền thuế đã thu hộ vào ngân sách Nhà nước, và trách nhiệm hình sự của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp không thực hiện việc chuyển nộp số tiền đã thu hộ này vào ngân sách Nhà nước theo thời gian quy định.
Cơ quan thuế cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền chấn chỉnh trong quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và kịp thời có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý. Trường hợp để xảy ra sai phạm về thời gian chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách Nhà nước, thì người đứng đầu cơ quan thuế và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đối với việc cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, pháp luật cần có chế tài nghiêm khắc đối với đơn vị, người có thẩm quyền cấp phép sau khi cấp phép.
Trường hợp doanh nghiệp không duy trì điều kiện cấp phép thì phải kiến nghị thu hồi giấy phép và có hình thức phạt bổ sung nghiêm khắc đối với doanh nhiệp, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Đối với các vấn đề, lĩnh vực khác có liên quan, các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về lĩnh vực, ngành chuyên môn phụ trách và quy định chế tài xử lý nghiêm khắc có tính chất răn đe, giáo dục nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi sai phạm, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.