- Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu có 2 triệu, Xuyên Việt Oil nâng khống lên 219 tỷ
- Vụ án Xuyên Việt Oil: Nữ giám đốc chịu chi và khoản biển thủ kếch xù
Trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil, cơ quan tố tụng xác định, trong 6 năm hoạt động, Công ty Xuyên Việt Oil do bị can Mai Thị Hồng Hạnh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc đã lập 81 báo cáo giả về số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu để nộp Bộ Tài chính và Bộ Công thương.
Theo quy định, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, là tài sản công để tại các doanh nghiệp thương nhân kinh doanh xăng dầu. Định kỳ ngày 1 hàng tháng và khi kết thúc năm tài chính, ngân hàng nơi mở tài khoản BOG cùng doanh nghiệp phải báo cáo tình hình trích lập, sử dụng khoản tiền này lên liên bộ Tài chính và Công thương.
Trong vụ án tại Công ty Xuyên Việt Oil, Viện KSND tối cáo xác định, bị can Hạnh đã chiếm dụng quỹ BOG để sử dụng cho mục đích cá nhân và mang đi hối lộ nhiều người có chức vụ, quyền hạn.
Theo đó, bị can Hạnh là người điều hành hoạt động của Công ty Xuyên Việt Oil - doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu với 15 chi nhánh, 6 cửa hàng, 9 công ty liên quan phân bố chủ yếu tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công thương cấp phép trở thành thương nhân kinh doanh xăng dầu từ năm 2016 nên được giao nhiệm vụ thu hộ, quản lý tiền quỹ BOG. Tuy nhiên, khoản tiền này thay vì để tại tài khoản của Công ty Xuyên Việt Oil thì lại được chuyển cho bị can Hạnh sử dụng như tài sản cá nhân.
Bị can Hạnh còn báo cáo sai số dư quỹ BOG của Công ty Xuyên Việt Oil. Cáo trạng xác định, trong hơn 6 năm, từ 2016 đến 2023, bị can Hạnh đã chỉ đạo cấp dưới lập 81 báo cáo tình hình trích lập, sử dụng, quỹ BOG nhưng số dư trong báo cáo không đúng với số dư có trong tài khoản.
Cụ thể là tháng 5/2023, Công ty Xuyên Việt Oil báo cáo liên bộ Tài chính và Công thương việc có số dư quỹ BOG là 219 tỷ đồng, nhưng thực tế số dư này chỉ có hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, tài khoản tại BIDV và SHB có cùng mức hơn 1 tỷ, các tài khoản khác có số dư 128 đồng. Như vậy, số tiền thực tế được bị can Hạnh tự khai tăng hơn 100 lần.
Sau đó, bị can Hạnh đã sử dụng hơn 219 tỷ đồng mà Công ty Xuyên Việt Oil phải sử dụng cho mục đích bình ổn giá xăng dầu. Khoản tiền này, bị can Hạnh mang đi mua nhà đất, cho vay, hối lộ nhiều người có chức vụ, quyền hạn ở Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thuế… tất cả là 22 lần với tổng số tiền hơn 31,5 tỷ đồng. Số tiền này chưa kể Hạnh tặng người liên quan hàng loạt món quà xa xỉ như: Siêu xe, đồng hồ đắt tiền, gậy golf.
Cũng chính từ việc đưa hối lộ, bị can Hạnh đã khiến một số người thuộc Bộ Tài chính và Bộ Công thương làm ngơ, không áp dụng các biện pháp thu hồi quỹ BOG tại Công ty Xuyên Việt Oil.
Ngoài hành vi trên, bị can Hạnh còn bị cáo buộc đã gây thất thoát hơn 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Đây là khoản thuế gián thu, được tính vào giá xăng dầu nên thực tế vẫn do người mua xăng dầu nộp. Các thương nhân kinh doanh có trách nhiệm nộp lại khoản thuế này vào ngân sách theo định kỳ.
Viện KSND tối cáo xác định, từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, Công ty Xuyên Việt Oil thu hộ Nhà nước hơn 1.244 tỷ đồng tiền thuế, nhưng bị can Hạnh cố ý không nộp khoản này cho ngân sách Nhà nước mà chuyển vào tài khoản của mình để sử dụng cá nhân.
Hiện nay, trong 36 tài khoản ngân hàng của bị can Hạnh và Công ty Xuyên Việt Oil, chỉ còn số tiền hơn 4 tỷ đồng cùng 244 USD. Do vậy, khoản tiền 1.244 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường không thể thu hồi ngay và đây là thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Với hành vi phạm tội như trên, bị can Hạnh bị truy tố về hai tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Đưa hối lộ”.