Có ý kiến cho rằng, bác sĩ nhận “hoa hồng” là tội lỗi, cần phải xử lý. Nhưng liệu ngoài việc chi “hoa hồng” cho bác sĩ, còn chi cho ai khác nữa không.
Nhập thuốc giả: Cục quản lý dược tiếp sức?
Mặc dù cựu tổng giám đốc Công ty VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị toà tuyên phạt 12 năm tù cho tội “Buôn lậu” thuốc ... |
Vụ VN Pharma: Kiến nghị làm rõ trách nhiệm hình sự cán bộ Cục Quản lý dược
Liên quan vụ VN Pharmna, mặc dù cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự của các cán bộ Cục quản lý ... |
Vụ nhập thuốc trị ung thư giả: Đề nghị điều tra Cục Quản lý Dược
Sáng 25/8, TAND TP.HCM tuyên phạt nguyên Tổng giám đốc VN Pharma 12 năm tù giam về tội buôn lậu thuốc kém chất lượng, đồng ... |
Sau 5 ngày xét xử và nghị án, ngày 25/8, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma gây bức xúc dư luận những ngày qua.
Các bị cáo đã nhận hình phạt thích đáng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều gây nhức nhối xã hội chính là giá thuốc bị nâng lên để chi hàng tỉ đồng "hoa hồng" cho bác sĩ. Trong khi còn nhiều bệnh nhân nghèo không có tiền mua thuốc thì việc chi “hoa hồng” đã trở thành căn bệnh nan y, đang đặt ra cho các nhà quản lý cần phải có cách thức để kiểm soát vấn đề này.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng - cựu Chủ tịch Công ty dược VN Pharmar (Ảnh: VnExpress) |
Theo hồ sơ vụ án, Ngô Anh Quốc - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma (viết tắt là VN Pharma) đã chỉ đạo nhân viên chi “hoa hồng” cho các bác sĩ tại bệnh viện, để bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc do Công ty VN Pharma nhập khẩu.
Quá trình điều tra, Ngô Anh Quốc đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền “hoa hồng” với số tiền lên đến 7,5 tỉ đồng.
Các bị cáo đều khai mục đích việc nâng khống giá thuốc trên hợp đồng nhập khẩu thuốc để lấy tiền chi phí cho việc bán thuốc vào các bệnh viện.
Theo Dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh- Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, trước khi các lãnh đạo của Công ty VN Pharma bị bắt, một số loại thuốc của công ty này đã vào các bệnh viện qua đường đấu thầu.
Các loại thuốc này đều đã được cơ quan quản lý kiểm định chất lượng. Vấn đề chi 7,5 tỷ đồng tiền “hoa hồng” cho bác sĩ của các bệnh viện để kê đơn thuốc, Dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định: “Trong quy định của bệnh viện, bác sĩ, dược sĩ không được nhận “hoa hồng” của công ty dược, công ty sản xuất thuốc nào, chứ không chỉ riêng Công ty VN Pharma”.
Thực tế, trước đây, việc các hãng dược phẩm lớn chi “hoa hồng” như Công ty VN Pharma nói trên, quà biếu hậu hĩnh cho các bác sĩ kê đơn thuốc cũng đã được nhắc đến, gây bức xúc trong dư luận.
Chiến thuật của các hãng dược là làm sao để các bác sĩ kê đơn những loại thuốc đắt tiền của mình, thay vì những loại thuốc khác cùng loại cũng tốt không kém nhưng rẻ hơn.
Gần đây nhất là cuối tháng 2/2017, dư luận cũng bức xúc vụ việc một bác sĩ ở Bệnh viện quận 5, TP.HCM viết thư tay khi không nhận được đủ “hoa hồng” trên số lượng sản phẩm mà ông này kê toa cho bệnh nhân.
Toa đó không phải là thuốc chữa bệnh, mà là một loại thực phẩm chức năng nhưng được kê thường xuyên cho bệnh nhân.
Mặc dù Bệnh viện quận 5 đã thực hiện kê toa thuốc trên phần mềm điện tử để giám sát, quản lý việc kê toa của bác sĩ, nhưng bác sĩ này không thực hiện mà kê toa trực tiếp vào sổ khám bệnh của bệnh nhân nên bệnh viện không phát hiện ra.
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1– TP.HCM, chuyện chi “hoa hồng” ảnh hưởng đến việc kê toa của bác sĩ là một thực trạng tồn tại ở một số bệnh viện, đối với một số bác sĩ.
Việc này cũng ảnh hưởng đến uy tín của những bác sĩ chân chính, là nỗi đau của những bệnh nhân nghèo. Đặc biệt là có những loại thuốc kém chất lượng.
Hiện nay, đấu thầu thuốc đã hạn chế được một phần của hiện tượng này. Tuy nhiên, đối với các loại bệnh phải điều trị nhiều bằng thuốc, hoặc một số bệnh đặc trưng, bệnh phải điều trị thuốc đắt tiền thì kể cả kê đơn bằng máy tính vẫn có thể bị lạm dụng. Vì vậy, công tác kê toa phải được kiểm soát thường xuyên để nhận biết dấu hiệu sai phạm này.
Trở lại vụ việc của Công ty VN Pharma, HĐXX đã kiến nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao làm rõ hành vi chi "hoa hồng" cho các bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỷ đồng và các cán bộ Cục quản lý Dược, Bộ Y tế nếu có hành vi sai phạm thì xử lý theo quy định.
Dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, làm giả thuốc điều trị cho người bệnh là một tội ác. Và hưởng hoa hồng để kê đơn thuốc đó, kể cả cho nhập thuốc đó là đã tiếp tay cho việc này, cần phải được điều tra làm rõ.
“Các bác sĩ nhận “hoa hồng”, đó là tội lỗi, cần phải xử lý. Nhưng còn liệu ngoài việc chi “hoa hồng” cho bác sĩ, còn chi cho ai khác nữa không, để có thể có được visa, có số đăng ký thuốc nhanh như vậy”, đại biểu Quốc hội đặt nghi vấn.
Từ vụ việc Công ty VN Pharma chi “hoa hồng” hàng tỷ đồng để được kê đơn đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về lương tâm y bác sĩ, những người công tác trong ngành y.
Trách nhiệm quản lý là một phần, nhưng nếu bác sĩ không rèn luyện y đức, không đặt tình thương và quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết thì hình ảnh “thầy thuốc như mẹ hiền” là niềm hy vọng về sự sống của người bệnh, cũng sẽ trở thành kẻ tiếp tay cho thần chết./.
(http://vov.vn/vu-an/tu-vu-an-vn-pharma-bac-si-nhan-hoa-hong-la-toi-loi-663635.vov)