“Niềm tin không tự dưng sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác...”. “Định luật kiểu V.League” đó đúng với giải chuyên nghiệp của chúng ta, khi niềm tin không có chỗ bởi những nghi ngờ tàn phá bao năm nay…
Thủ môn Thanh Thắng là thủ phạm nhưng cũng có thể chỉ là nạn nhân. Ảnh: H.A |
Bởi mất niềm tin
“Bản thân các thủ môn hàng đầu thế giới như Bathez, Neuer, De Gea… cũng mắc những sai lầm hết sức ngớ ngẩn chứ không chỉ ở Việt Nam. Nhưng ở môi trường bóng đá có niềm tin, sai lầm chỉ là sai lầm.
Còn ở bóng đá Việt Nam, khi mất niềm tin thì sai lầm thì nhìn đâu cũng thấy vấn đề”. Sau thất bại 3-4 trước Than Quảng Ninh, trong đó có sai lầm không thể tin nổi dẫn đến bàn gỡ 1-1 của thủ môn Thanh Thắng, Chủ tịch Doãn Văn Phương đã nhìn nhận, chia sẻ như thế.
Góc nhìn rất đúng và văn minh, hoặc có thể do ở vị trí của người đứng đầu FLC Thanh Hóa, ông Phương buộc phải nói thế, trong tình huống và tỉnh cảnh nhạy cảm của đội bóng. Thực tế, ông Chủ tịch đội bóng xứ Thanh có tin sai lầm chỉ là sai lầm hay không chỉ có ông cùng người trong cuộc hiểu, ví dụ như thông tin mời cơ quan điều tra vào hỗ trợ, kể cả đó chỉ là động thái để xử lý một số vấn đề, mục đích khác.
Thực tế, niềm tin ở FLC Thanh Hóa khi tham gia cuộc đua vô địch V.League 2017 này là không có, chính xác là không nhiều. Thế nên ngay đến một ông thầy ngoại như Petrovic liên tục lên tiếng phản ứng, hết ám chỉ, quy chụp rồi nói huỵch toẹt về nghi ngờ tiêu cực. Không có niềm tin vào trọng tài, BTC, đối thủ cũng như sự công bằng của cuộc chơi nên ông mới cho rằng “chúng tôi phải thua. Và phải thua từ ngay trước trận đấu”.
Bởi không tin nên mất điểm trên sân nhà trước Hà Nội phút cuối vì sai lầm rõ ràng của hậu vệ nhưng ông thày này mỉa mai rằng: “Hà Nội là đội bóng lớn” còn thua Than Quảng Ninh vì đối thủ chơi tốt hơn trong khi hết thủ môn đến trung vệ của FLC Thanh Hóa sai lầm “chết người” thì trọng tài vẫn bị lôi ra như là lý do, bất kể thực tế chính đội chủ nhà mới có nhiều hơn lý do để phản ứng với các quyết định của trọng tài Võ Minh Trí. Và do mất lòng tin, HLV Petrovic mới “lú lẫn” khi phát ngôn “tuyên bố luôn nhà vô địch trước mùa giải, chúng tôi và các đội khác chỉ tranh nhau vị trí thứ nhì, thứ ba…”.
Vòng 22, HLV Petrovic bị phạt vì phát ngôn do “có lời nói, phát ngôn không chuẩn mực”. Chỉ một tuần trước đó, quyền Chủ tịch CLB TPHCM là Công Vinh cũng bị nhắc nhở bằng công văn, cũng do những phát ngôn liên quan đến công tác trọng tài thiếu tính chất xây dựng.
Cựu thủ quân ĐTQG này vừa giải nghệ sau bao năm lăn lộn với bóng đá Việt, chuyển sang làm công tác quản lý và ở vị thế mới, đây là lần thứ hai Vinh bị nhắc nhở trong mùa giải này, khi kêu trọng tài rồi đưa ra “đề nghị khiếm nhã” cần thay cả Trưởng ban Trọng tài và thuê trọng tài ngoại, CLB TPHCM sẵn sàng tài trợ cho VPF, BTC chi phí.
Một người như Công Vinh còn thế thì đủ hiểu, niềm tin ở bóng đá nội đang ở trạng thái như thế nào. Thế nên cũng chẳng trách, nói như ngôn ngữ của “cộng đồng mạng” thì V.League có tên khác là “Vờ League” và một ông thầy ngoại như Petrovic “toạc móng heo” về nghi ngờ “mafia và có một thế lực chống lại chúng tôi”.
Nên bóng đá giết chính mình
Thủ thành Thanh Thắng mắc sai lầm khó tin và như những trường hợp tương tự, số đông đặt luôn câu hỏi nghi ngờ “có tiêu cực không?”. Có thể là ác và bất công với đặc thù nghề cũng như với một con người, thế nhưng cũng không thể trách. Bởi cái sai vô lý quá khó lý giải sao cho thuyết phục, nhất là ở thời điểm quá nhạy cảm là phút 44 - thời điểm “lưới rung” đồng nghĩa với lý thuyết “đánh tài ăn đủ hiệp 1”… nên việc đặt vấn đề là không thể tránh khỏi.
Bởi những bài học nhãn tiền vẫn còn nguyên. Bao vụ việc tiêu cực ầm ĩ rồi chiến dịch làm sạch với phòng chống, thế nhưng mùa giải 2014 khi mà vụ tiêu cực ở AFC Cup của Vissai Ninh Bình còn đang nóng hổi với 9 cầu thủ bị bắt thì đến lượt 6 cầu thủ Đồng Nai bị ra ánh sáng với một vụ tiêu cực khác.
Đừng quên trận đấu mà nửa đội bóng đá V.League bị bắt sau khi vừa hết trận đấu tại vòng 21 trên sân Cẩm Phả đó, tình huống, tình thế và thời điểm cũng là cuối mùa đúng lúc “tranh tối tranh sáng”.
“Một lần thất tín, vạn lần bất tin”, huống hồ bóng đá nội đã quá nhiều lần làm tổn thương NHM cũng như chính những con người đang sống trong thế giới bóng đá. Thế nên những sai lầm như Thanh Thắng mới thành nỗi khổ. Cái khổ đó, cơ bản cũng đâu khác cái khó mà những đội đang đua vô địch phải đối diện, từ chính FLC Thanh Hóa đến những Hà Nội, Quảng Nam, Than Quảng Ninh…
Quảng Nam bay cao và bất ngờ có cơ hội đăng quang bởi họ chơi tốt, may mắn trong đó có khác biệt là thành tích sân khách mùa này của họ tốt hơn cả sân nhà. Thế nhưng vòng 23 Toyota V.League với trận cầu có tính chất quyết định trên sân của SHB Đà Nẵng, nếu họ thắng như đã từng thắng trên sân Thanh Hóa, liệu mấy ai tin đó là chuyện thắng thua của chuyên môn, bóng đá? Về phong độ và động lực, Quảng Nam thắng là bình thường nhưng có lẽ, 99,9% ý kiến sẽ nghiêng về suy nghĩ “dồn điểm”.
Hay như CLB Hà Nội, 7 năm tính từ 2010, họ không vô địch thì cũng về nhì. Lối chơi, con người và tất cả mọi yếu tố, không đội nào so đọ với họ được. Vậy nhưng nếu chức vô địch mùa này được quyết định ở vòng đấu cuối cùng và đội bóng Thủ đô thắng trên sân của Than Quảng Ninh, điều họ vẫn làm được ở những trận đấu lớn với các sân bóng đông kín nhiều sức ép như: Vinh, Cẩm Phả, Lạch Tray... thì sẽ có bao nhiêu người công nhận thay vì ác cảm với định kiến vô địch là do dàn xếp, nhường điểm?
Đội đầu bảng Hà Nội gặp hai đối thủ trực tiếp là Quảng Nam, Than Quảng Ninh còn Quảng Nam lần lượt đụng SHB Đà Nẵng, Than Quảng Ninh và chính Hà Nội, đáng lẽ đó phải là sự kịch tính, hấp dẫn của cuộc đua vô địch, thế nhưng giờ lại là sự cảnh giác, nghi ngờ và những suy đoán. Và đúng là quá khó lẫn khổ với những đội bóng này, khi việc thắng thua của bóng đá bị đánh giá qua lăng kính của sự nghi ngờ về tính minh bạch, công bằng.
Bạn có thể chia sẻ, cảm thông với những giọt nước mắt tại tòa hay lời thú nhận rồi xin lỗi của một doanh nhân là biểu tượng cho thành đạt, niềm tự hào hoặc có thể “thêm dầu vào lửa”, mạt sát, cay nghiệt và “ném đá” khi cảm giác niềm tin bị phản bội. Nhưng hãy đừng quên chọn cách ứng xử cho mình, theo cách đúng đắn và văn minh nhất.
Như câu hỏi dành cho Khaisilk mà cũng là cho bóng đá: Sau những cái sai, điều cần chờ đợi là hành động chứ không phải nói, giải thích cái gì, để một thương hiệu lớn bao năm gây dựng vượt qua khủng hoảng ở giai đoạn cực kỳ khó khăn như là sự sửa chữa, khẳng định…
Và quan trọng hơn, từ đó tất cả đều học được gì đó cho riêng mình…
Khaisilk bán lụa Tàu: Bóc tiếp những cái tên \'chưa bị lộ\'
Khaisilk thừa nhận bán lụa Trung Quốc gắn mác “made in Việt Nam” trong một thời gian dài. Thực tế việc hàng Trung Quốc “đội ... |
"Mấy năm nay, Khaisilk nhập lụa Nha Xá không đáng kể"
"Lượng tơ lụa Khaisilk mua ở Nha Xá vài năm nay không đáng kể" là chia sẻ từ các hộ dệt tơ lụa truyền thống ... |
https://laodong.vn/the-thao/tu-vn-pharma-khaisilk-den-chuyen-cua-vo-league-572700.ldo