Hơn một lần tôi phê phán việc dùng từ “cứu người” để mô tả hành động chữa được ca bệnh khó.
Hơn một lần tôi phê phán việc dùng từ “cứu người” để mô tả hành động chữa được ca bệnh khó.
Tôi đã vài lần đề nghị nhân viên của mình không dùng chữ "cứu bệnh nhân" khi nói và khi viết trong công việc. Có những trường hợp quả thực chúng tôi đã vô cùng khó khăn để đưa người bệnh vượt qua lưỡi hái tử thần, nhưng khi kể về việc ấy, dùng từ "cấp cứu thành công" sẽ hợp lý và nhẹ nhõm hơn nhiều.
Bởi khi được phân công điều trị, việc chữa khỏi bệnh là nhiệm vụ đương nhiên của các y, bác sĩ, điều dưỡng. Nếu bạn tự hào vì "cứu" được ai đó, có lẽ bạn chưa biết rằng, nếu không phải bạn, có khi nhân viên y tế khác còn tìm ra phác đồ điều trị nhanh hơn. Từ "cứu" chỉ nên sử dụng khi ai đó không được giao nhiệm vụ mà mang người khác từ cõi chết trở về.
Nhưng trong sâu thẳm, dù không nói ra, ai khoác lên mình chiếc áo blouse trắng cũng luôn có niềm tự hào riêng về những ca bệnh khó, hy hữu đã được mình và cộng sự chữa khỏi. Tự hào ấy nhiều khi khiến các bác sĩ, đặc biệt là các thầy thuốc thâm niên, trở nên kiêu căng tự mãn.
Dường như không một bác sĩ nào nghĩ mình kém. Vì như có một quy luật bắc cầu trong ngành Y, đó là nếu ông A không chữa được mà đến ông B lại khỏi thì mặc nhiên ông B giỏi hơn ông A. Khi bệnh nhân được chữa khỏi, trong đầu vị bác sĩ đương nhiên sẽ nghĩ "mình giỏi hơn" những chuyên gia nổi tiếng đã khám trước đó. Đặc điểm này được dân gian đúc kết thành câu vè "thầy già con hát trẻ". Đã là thầy thuốc phải có tuổi, đã là ả đào phải thật trẻ trung.
Quả thật, nhiều ca bệnh tưởng như vô cùng phức tạp khiến các bác sĩ trẻ mãi loay hoay với mớ kiến thức nóng hổi. Nhưng chỉ nhờ một câu "phán" của tiền bối, mọi thứ ngay lập tức "sáng như ban ngày".
Tôi nhớ mãi vị bác sĩ già mà đơn thuốc nào cũng kê một loại kháng sinh, khiến tên của ông được bọn nội trú chúng tôi gắn luôn với loại kháng sinh ấy. Vậy nhưng có một ngày ông đã cứu được người hàng xóm mà một bệnh viện nổi tiếng Hà thành trả về vì hôn mê sâu chỉ nhờ vào việc khai thác kỹ tiền sử và phát hiện ra "khoảng tỉnh" - thuật ngữ khá quen thuộc trong y giới. Đó là bệnh nhân ngất đi, rồi có lúc tỉnh lại, rồi mới đi vào hôn mê. Đó chính là đặc trưng của chấn thương sọ não mà đa phần do khối máu tụ to dần lên chèn vào não bộ. Chỉ cần lấy cục máu đông đó ra bằng phẫu thuật, bệnh nhân sẽ tỉnh lại và có thể trở về cuộc sống bình thường.
Không thể phủ nhận kinh nghiệm có vai trò vô cùng quan trọng trong khám chữa bệnh. Đã đứng trước hàng nghìn ca bệnh, nhưng với tôi, ca nào cũng như đứng trước vô vàn cánh cửa mà người thầy thuốc phải lần tìm ra chìa khóa để mở ra hướng chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ kinh nghiệm thường có thể mở cánh cửa gần nhất để tìm ra chân lý, tiết kiệm vô số thời gian, tiền bạc, sức khỏe cho bệnh nhân và xã hội.
Nhưng nếu dừng lại ở chủ nghĩa kinh nghiệm, không cập nhật kiến thức mới, anh sẽ mau chóng tụt hậu trong thời đại y học thực chứng phát triển như vũ bão hôm nay. Một ví dụ minh họa rõ ràng là chương trình khám bệnh từ xa Telehealth bệnh viện chúng tôi đã phát triển gần một năm qua và đã thu về kết quả nhất định.
Việt Nam đã triển khai khám bệnh từ xa từ lâu như một hình thức hội chẩn trực tuyến giữa các chuyên gia và bệnh viện tuyến dưới. Bệnh nhân được hưởng lợi và các học trò sẽ thu được kiến thức nhất định từ người hướng dẫn nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi hình thức này được nâng cấp lên thành Telehealth đa trung tâm và công khai, số người hưởng lợi sẽ tăng lên. Hiểu đơn giản, ca khám bệnh thay vì chỉ gồm một số bác sỹ trong phòng kín trước kia nay có sự tham gia tương tác của nhiều bác sỹ ở nhiều cơ sở y tế, thậm chí có thể được trình chiếu công khai trực tuyến. Nhờ đó, các thầy thuốc dù được coi là nhiều kinh nghiệm cũng được học từ chính các bác sĩ trẻ. Chủ nghĩa kinh nghiệm trong y học cũng được hạn chế vì mỗi câu nói của "thầy" đều cần dẫn chứng khoa học cụ thể. Một con số không chính xác sẽ được phát hiện rất nhanh vì các đồng nghiệp trẻ rất thạo dùng Google.
Nghề Y hôm nay được đặt trong bối cảnh mới. Y học thế giới đã sang trang khi đối mặt với thách thức lớn nhất mang tính tồn vong của loài người. Tôi rất mong tư duy của chúng ta cũng như khẩu hiệu của ngành, ngoài thông điệp thương yêu người bệnh, còn nhấn mạnh tính chuyên nghiệp.
Bởi, sự chuyên nghiệp thực sự là hướng đi tất yếu mà Y học hiện đại luôn không ngừng bước tới. Nền Y học kinh nghiệm mà nhiều người trong chúng ta tự hào đã đến lúc cần bổ sung giá trị mới, để hoà nhập và vươn lên trong thế giới mở.
Trên con đường thay đổi, rào cản lớn nhất đang ở trong chính bản thân mỗi y, bác sĩ. Và rằng ta có đủ dũng khí gỡ bỏ được những định kiến nghề nghiệp mình đã mang nhiều năm hay không.
Tính khoa học và chuyên nghiệp không chỉ đòi hỏi kỹ năng, kiến thức mà cả đạo đức của người thầy thuốc.
Nguyễn Lân Hiếu
5 điều "cấm kỵ" khi cứu người đột quỵ |
Nhà phao cứu người Quảng Bình thoát khỏi lũ dữ thế nào? |
Trực thăng chưa thể cứu người, chỉ tiếp tế lương thực cho 8 thuyền viên gặp nạn |