TS Trần Đình Thiên: Chính sách \"lùa mọi người vào quan trường\"...

VN có tỷ lệ 30,5 công chức/1000 dân, quá cao so với các nước trong khu vực như Indonesia (17,64), Philippines (13,02), Singapore (25,69).

Ngân sách yếu phải nuôi bộ máy khổng lồ, họp lu bù là "bệnh nan y"

Ngày 15/11, tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam: “Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy”, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định:

Một vấn đề bất cập khác được ông Thiên chỉ rõ, đó là hiện dân số 93 triệu người phải “nuôi”: 2,8 triệu cán bộ công chức (CBCC), viên chức + hưu trí + người hưởng lương, trợ cấp từ NSNN = 7,5 triệu người. Toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách lên tới 11 triệu người (11,5% dân số).

Hiện có gần 3 triệu công chức, viên chức đang làm việc và hưởng lương ngân sách trong bộ máy nhà nước, tương đương tỷ lệ 30,5 công chức/1000 dân. Con số này quá cao so với các nước trong khu vực như Indonesia (17,64), Philippines (13,02), Singapore (25,69).

Công chức nhiều, họp cũng nhiều, đưa ví dụ cụ thể, ông Thiên chỉ rõ: Sở KHĐT TPHCM với 4 người trong ban Giám đốc, lãnh đạo Sở trong 7 tháng đầu năm 2017, phải dự hơn... 2.000 cuộc họp.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM từ đầu năm đến tháng 8/2017: Giám đốc, 3 Phó Giám đốc và lãnh đạo phòng ban, cán bộ chủ chốt của Sở phải dự hơn 1.500 cuộc họp.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên

Một phường ở Q.1, TPHCM: UBND phường có 3 lãnh đạo, bình quân mỗi lãnh đạo họp 2 cuộc/ngày, có ngày cả 3 lãnh đạo cùng đi họp ở quận. Nhận giấy mời họp của cấp trên thì không thể không đi, nhưng đi hết thì ở phường không còn lãnh đạo trực, giải quyết công việc. Nếu cử chuyên viên đi họp thay thì quận phê bình.

Vì sao họp nhiều? Họp nhiều thì không thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Cũng vì tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc dẫn đến tiến độ chậm, làm phát sinh thêm họp hành. Họp nhiều gắn với cơ chế ra quyết định và chịu trách nhiệm không gắn với trách nhiệm cá nhân.

Vì sao lắm cấp phó? Chuẩn là gì? Mỗi bộ ở VN có 5-7 thứ trưởng mà lúc nào cũng “đầu tắt mặt tối”. Ở các nước phát triển, Bộ chỉ có một, thậm chí không có Thứ trưởng mà công việc vẫn chạy trơn tru. Vấn đề là ở thể chế vận hành.

Ông Thiên còn trích phân tích của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói rõ: "Một, nước ngoài khác Việt Nam, các bộ của họ không can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh mà chỉ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách. Cơ chế “bộ chủ quản” ở VN còn nặng, cán bộ thích “chủ quản” hơn là xây dựng thể chế.

Hai, thủ trưởng mỗi cấp có quyền, có trách nhiệm rõ ràng, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định. Còn ở Việt Nam, ai cũng kêu không có thực quyền, thiếu thể chế giao quyền và chịu trách nhiệm rõ ràng, do đó phổ biến tình trạng cấp dưới “hất lên trên”. Thủ trưởng không kham nổi nên phải có nhiều cấp phó “đỡ hộ”.

Ba, phân công trong lãnh đạo bộ ở VN thường chia cắt, lập các “vương quốc” gồm một số Tổng cục, Cục, Vụ, do một phó đứng đầu, không phân công theo lĩnh vực quản lý nhà nước. Thiếu “phối hợp ngang” giữa các vụ, cục và giữa các bộ, làm cho bộ máy càng cồng kềnh và kém hiệu quả.

Bốn, cách “làm việc tập thể”, quyền hạn và trách nhiệm người đứng đầu không rõ ràng nên nhiều ban bệ rắc rối, họp hành triền miên. Mà đã họp là theo “cấp”, cán bộ đi họp phải đúng “đẳng cấp”.

Năm, chính sách chế độ hưởng thụ đối với cán bộ “lùa” mọi người vào quan trường, không có cơ chế, chính sách khuyến khích đi vào đường chuyên gia nên “quan lộ” thì chật cứng, “chuyên lộ” thì đìu hiu, đẻ ra cơ chế “hàm” để bổ khuyết".

Nền kinh tế "giàu xổi" động lực yếu

Một vấn đề khác được ông Thiên chỉ ra, đó là chế độ tỷ giá đánh giá cao VNĐ khuyến khích nhập khẩu, khuyến khích lắp ráp, gia công và đầu cơ, không khuyến khích sản xuất nội địa và xuất khẩu.

Dòng vốn lớn đổ vào nền kinh tế làm nhiều người có nhiều tiền trong khi thực chất các hoạt động kinh tế tạo ra giá trị không nhiều.

Việc một số ít người giàu nhanh tạo ra tâm lý muốn giàu xổi, thích đầu cơ, triệt tiêu những nỗ lực tạo ra giá trị thực sự cho xã hội.

Tuy nhiên, thể trạng của khu vực kinh tế trong nước vẫn yếu, hầu hết các doanh nghiệp chưa hồi phục lại được mức trước khủng hoảng.

"Tỷ lệ doanh nghiệp có đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên tổng số doanh nghiệp hoạt động giảm mạnh: từ 60-70% năm 2010 giảm xuống còn trên 30% năm 2015-2016.

Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp có xu hướng giảm đối với tất cả các thành phần: năm 2010 tỷ lệ này của doanh nghiệp FDI, DNNN và doanh nghiệp ngoài nhà nước tương ứng là 16%, 7% và 5% thì năm 2015 giảm xuống còn 12%, 3% và 4%.

Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới trong công nghiệp chế biến, chế tạo ít: 10 tháng đầu năm 2017, chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi trong lĩnh vực BĐS, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 62,5%.

Trong 4 động cơ tăng trưởng của VN (kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và FDI), chỉ có khu vực FDI “ăn nên làm ra” nhờ tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam, ít bị trói buộc bởi các thể chế, chính sách của Việt Nam và hạn chế được những tác động tiêu cực.

Nếu bỏ khu vực FDI sang một bên và chỉ phân tích ba khu vực còn lại thì bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ ít tươi sáng hơn nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do ta, không phải do tác động từ bên ngoài", ông Thiên chỉ rõ.

Đăk Lăk làm video kêu gọi công chức \'nở nụ cười\' khi tiếp dân

Ngoài phản ánh thái độ khó chịu của công chức, video đăng trên cổng thông tin điện tử Đăk Lăk còn kêu gọi cán bộ "nở ...

Không thể về hưu rồi là xong chuyện

Góp ý về phạm vi điều chỉnh của Luật Tố cáo, đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa nói: “Tôi nghĩ trong phạm vi áp dụng của ...

10 năm làm công chức, buôn chổi đót có được 500 tỷ?

10 năm làm công chức, kể cả buôn chổi đót hay lái xe xe ôm tính ra hết có được 500 tỷ đồng không? ĐB ...

(http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/ts-tran-dinh-thien-chinh-sach-lua-moi-nguoi-vao-quan-truong-3347179/)

/ Theo Sơn Ca/Báo Đất việt