- Phê duyệt đầu tư 18 dự án giao thông trước ngày 30/9
- “Hạ” dự án “treo”
- Sẽ khởi công 11 dự án giao thông lớn từ nay đến cuối năm 2022
Để khắc phục sự cố sạt lở tại Trường THPT Võ Chí Công (xã biên giới A Xan, huyện Tây Giang, Quảng Nam), dự án do Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư được chuyển sang Ban Quản lý (BQL) các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay đã gần 8 tháng trôi qua, chuẩn bị bước vào năm học mới 2022- 2023, nhưng hạng mục kè khắc phục, chống sạt lở của dự án vẫn chưa thể hoàn thành…
Ngày 30/8, trao đổi với chúng tôi, ông Bhling Mia-Bí thư Huyện ủy Tây Giang nói: “Không hiểu dự án được triển khai như thế nào, chính quyền huyện hoàn toàn không nắm được bất cứ một thông tin nào về dự án, không biết bao giờ dự án này mới hoàn thành”.
Theo ông Bhling Mia, lãnh đạo huyện Tây Giang rất lo lắng vì hiện nay đã bước vào năm học mới 2022-2023 mà dự án chưa hoàn thành thì 266 học sinh của Trường THPT Võ Chí Công vẫn phải đến trường tạm tại trung tâm huyện Tây Giang, cách trường hơn 40km để học. Trong khi đường sá vùng biên giới xuyên qua núi rừng trùng điệp, hiểm trở, thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa lũ. Thêm vào đó, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập ở trường tạm cũng rất khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học của thầy cô giáo và các em học sinh. Chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, ngành chức năng cần kiểm tra, xem xét cụ thể việc triển khai dự án hoàn thiện, khắc phục sạt lở ở dự án Trường THPT Võ Chí Công, không thể để một ngôi trường dành cho các em học sinh vùng biên giới với dự án xây dựng ban đầu chỉ 24 tỷ đồng, đến nay đã “đội vốn” lên hơn 100 tỉ đồng nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Được biết, đợt mưa lũ cuối năm 2020, Trường THPT Võ Chí Công vừa hoàn thành đưa vào dạy và học cho năm học 2019-2020 thì xảy ra hiện tượng sạt lở phần ta luy hướng tây, phía đằng sau trường. Để đảm bảo an toàn cho học sinh và các thầy cô giáo, trong năm học 2020-2021, UBND huyện Tây Giang đã khẩn trương cho di dời hơn 270 em học sinh cùng các trang thiết bị về trung tâm huyện Tây Giang, cách trường hơn 40km.
Dự án công trình Trường THPT Võ Chí Công được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt với số vốn đầu tư ban đầu 24 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, do Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng từ đầu năm 2017. Khi công trình đang trong giai đoạn san ủi mặt bằng, trong quá trình triển khai thi công đã phát sinh nhiều vấn đề như nguy cơ sạt lở, trượt đất ở thành taluy dương do địa chất yếu và mạch nước ngầm lớn.
Ngày 7/9/2018, ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có chuyến khảo sát tiến độ thi công Trường THPT Võ Chí Công, đã thống nhất chủ trương bổ sung thiết kế cho xây bờ kè để chống sạt lở. Ngày 19/9/2018, đoàn công tác của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam do ông Nguyễn Công Thành, Phó Giám đốc Sở dẫn đầu, cùng đoàn công tác huyện Tây Giang và đại diện đơn vị thiết kế là Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng Quảng Nam, đơn vị thi công (Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tiến) đã tiến hành khảo sát lần cuối để triển khai các phương án chống trượt lở đất ảnh hưởng đến công trình.
Ông Đinh Minh Trí - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tiến cho biết, trong quá trình thi công do cấu trúc địa chất yếu, có mạch nước ngầm chạy qua nên dẫn đến nguy cơ rất lớn việc sạt lở đất từ taluy dương. Trên taluy dương đã xuất hiện vết nứt dài hơn 20m, sâu 1m, rộng khoảng 40cm. Muốn khắc phục sự cố này, bắt buộc đơn vị thi công phải múc thêm khoảng 30m đất để giật cấp và tiến hành kè bê tông, xây hệ thống thoát nước…
Qua khảo sát thực tế, các bên đã thảo luận và đi đến thống nhất phương án chung là triển khai xây kè bê tông và giật cấp thành taluy dương, xây dựng mương thoát nước. Thế nhưng, đến năm học 2019-2020 thì hạng mục xây kè bê tông và hệ thống thoát nước vẫn chưa được xây dựng. Trong mùa mưa lũ đầu năm học 2020-2021 đã xảy ra hiện tượng sạt lở như trên. Để đảm bảo an toàn cho thầy cô giáo và các em học sinh, UBND huyện Tây Giang đã quyết định di dời toàn bộ học sinh về Trường THPT Tây Giang tại trung tâm huyện để tiếp tục việc dạy và học trong năm học này…
Ông Bhling Mia trao đổi thêm, dự án xây dựng Trường THPT Võ Chí Công ở A Xan là do Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam là chủ đầu tư, cho đến khi đưa vào sử dụng, kinh phí dự án đã “đội” lên đến hơn 60 tỷ đồng. Toàn bộ quá trình triển khai dự án, địa phương không nắm rõ và cũng không quản lý một vấn đề gì của dự án. Chính quyền huyện Tây Giang chỉ giải quyết công tác mặt bằng bàn giao cho BQL dự án.
“Tại dự án này, cùng phần xây dựng công trình gồm các phòng học tập, phòng làm việc, nơi nghỉ ngơi của thầy cô giáo và học sinh, qua khảo sát đánh giá đã xác định cần có thêm hạng mục xây dựng kè bê tông và hệ thống thoát nước. Đáng lẽ khi đưa vào bàn giao sử dụng, công trình phải hoàn tất 100% các hạng mục, vậy nhưng không hiểu sao, sau gần 2 năm công trình đưa vào sử dụng, hạng mục kè bê tông và hệ thống thoát nước vẫn chưa được tiến hành hoàn thiện”, ông Bhling Mia nói.
Cuối năm 2021, khi huyện Tây Giang có nhiều kiến nghị về vấn đề khắc phục sự cố sạt lở ở Trường THPT Võ Chí Công, dự án được chuyển cho BQL các dự án của tỉnh Quảng Nam quản lý, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo mời các chuyên gia để nghiên cứu về địa chất nền móng của dự án Trường THPT Võ Chí Công. Ngày 3/12/2021, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh khảo sát, lựa chọn một địa điểm khác an toàn, phù hợp hơn để xây dựng mới lại Trường THPT Võ Chí Công, dự án trường cũ đầu tư hơn 60 tỷ đồng sẽ được xem xét chuyển mục đích sử dụng nhằm tránh lãng phí. Tuy nhiên, ngày 19/1/2022, trong chuyến công tác tại Tây Giang của ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khi kiểm tra thực tế tại dự án Trường THPT Võ Chí Công, sau khi nghe báo cáo của địa phương và các ngành chức năng liên quan, đã chỉ đạo UBND tỉnh và ngành chức năng tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục tại dự án này như, khu vực hiệu bộ, ký túc xá, kè chống sạt lở…
Đồng thời, thống nhất vốn điều chỉnh tại dự án, đưa vào Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Nam, với kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Về giải pháp lâu dài, địa phương Tây Giang và ngành chức năng xem xét về quỹ đất, UBND tỉnh Quảng Nam xem xét nguồn kinh phí để xây dựng khu vực ký túc xá cho học sinh, thầy cô giáo ra ngoài khuôn viên trường hiện nay, nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Thực tế, đến nay đã gần 8 tháng trôi qua, chuẩn bị bước vào năm học mới 2022-2023 nhưng hạng mục kè khắc phục, chống sạt lở của dự án Trường THPT Võ Chí Công vẫn chưa xong…