Hôm 4/2, Trung Quốc tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn, là quốc gia thứ hai phát triển công nghệ này sau Mỹ.
Nước này cho biết cuộc thử nghiệm mang tính chất phòng thủ và không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Dù không có chi tiết kỹ thuật nào được tiết lộ, cuộc thử nghiệm diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chấp thuận gia hạn thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga và cam kết sẽ khiến Bắc Kinh cùng tham gia giảm thiểu rủi ro hạt nhân và kiểm soát vũ khí.
Hôm 4/2, Trung Quốc tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn, là quốc gia thứ hai phát triển công nghệ này sau Mỹ. (Ảnh: Handout) |
Trong khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết vụ thử nghiệm không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc của SCMP nói vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung này có thể nhằm cảnh báo Ấn Độ.
Ấn Độ đang có kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo tầm xa nhất, có khả năng hạt nhân mạnh nhất của mình, Agni-V, trong năm nay, The New Indian Express đưa tin vào tháng 1, trích dẫn các nguồn tin quốc phòng. Báo cáo cho biết các cuộc xung đột dọc theo biên giới Trung Quốc-Ấn Độ đã đẩy nhanh quá trình. Tầm bắn của Agni-V được ước tính là hơn 5.000 km.
“Đây là công nghệ mà Trung Quốc phát triển trong một thời gian dài. Vụ thử nghiệm hôm 4/2 có thể nhằm cảnh báo Ấn Độ, nước từng áp dụng chiến lược gây áp lực hạt nhân khi đối phó với Trung Quốc”, nguồn tin quân sự giấu tên cho biết.
“Nhưng thành thật mà nói, công nghệ chống tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc vẫn không thể đánh chặn tên lửa hạt nhân của Mỹ và Nga, vì vẫn còn khoảng cách giữa quân đội Trung Quốc và hai gã khổng lồ hạt nhân này”.
Trung Quốc công bố nỗ lực đánh chặn thành công lần đầu vào năm 2010. Các cuộc thử nghiệm tương tự đã được thực hiện vào các năm 2013, 2014 và 2018.
Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất mà Trung Quốc thử nghiệm, nhằm đánh bật các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đang lao tới bên ngoài bầu khí quyển của Trái đất, giảm thiệt hại đối với các mục tiêu trên mặt đất. Nó nhằm mục đích đánh chặn vũ khí khi chúng đang bay theo quán tính, với quỹ đạo ổn định và có thể đoán trước được.
Nhưng độ cao và khoảng cách liên quan đòi hỏi tích hợp nhiều nền tảng trinh sát và cảnh báo sớm - trong không gian, trên biển và trên mặt đất - để phát hiện và theo dõi các mục tiêu đang đến cũng như điều khiển và dẫn đường cho tên lửa đánh chặn.
Sau khi được phát triển hoàn chỉnh, công nghệ này có thể thay đổi cán cân răn đe hạt nhân.
Mỹ triển khai hệ thống lần đầu tiên vào năm 2004 và lần thử nghiệm thành công gần đây nhất là vào năm 2019.
Mỹ trong những năm gần đây coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và chỉ trích Trung Quốc về sự phát triển nhanh chóng và không rõ ràng về năng lực hạt nhân. Charles Richard, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, đã đi xa đến mức gọi một cuộc chiến tranh hạt nhân với Bắc Kinh là một "khả năng thực sự".
Xác minh tin Trung Quốc đặt tên lửa phòng không gần Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết sẽ xác minh thông tin Trung Quốc hoàn thiện một trận địa tên lửa phòng không cách ... |
Trung Quốc có thể đang đóng tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới
Ảnh vệ tinh cho thấy phần nghi là đuôi tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới của Trung Quốc đang được chế tạo tại nhà ... |