Mới đây, các nhà khoa học ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc tuyên bố vaccine thử nghiệm trên chuột đã sinh ra kháng thể, hứa hẹn thành công trong việc tạo ra vaccine phòng Covid-19 trong tương lai.
Vaccine thử nghiệm đầu tiên đã sinh kháng thể
Chiều 22-2, tại cuộc họp báo về tình hình dịch Covid-19 do Sở Khoa học và Công nghệ Chiết Giang, Trung Quốc tổ chức, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết nhóm vaccine đầu tiên ở tỉnh Chiết Giang khi tiêm cho chuột đã tạo ra kháng thể, đáp ứng miễn dịch tốt.
Thông thường trong vaccine sẽ chứa một lượng kháng nguyên gây bệnh nhất định, khi được tiêm vào động vật, nếu có phản ứng miễn dịch tốt sẽ tạo ra kháng thể chống lại kháng nguyên gây bệnh đó để bảo vệ cơ thể. Kết quả tích cực từ nhóm vaccine đầu tiên này đã tăng sự tin tin tưởng về khả năng chiến thắng bệnh dịch.
Trước đó hôm 11-2, một nhóm chuyên gia y khoa và công nghệ sinh học ở Thượng Hải công bố, chỉ sau 2 tuần bắt tay vào nghiên cứu, họ đã sản xuất các mẫu vaccine Covid-19 mới và thử nghiệm trên động vật. Thử nghiệm trên động vật là bắt buộc đối với bất kỳ loại vaccine nào trước khi đưa vào sử dụng đại trà. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Thượng Hải Tongji và Công ty TNHH Công nghệ sinh học vi sinh Thượng Hải (Siwei Biotechnology) đã sử dụng 100 con chuột khỏe mạnh để thử nghiệm một số mẫu vaccine virus corona mới nhất.
Ông Liu Zhongmin, Giám đốc bệnh viện Đông Thượng Hải thuộc Đại học Y khoa Tongji, nói với CGTN rằng, thử nghiệm trên chuột chỉ là sàng lọc sơ bộ cho vaccine thí điểm. Sau khi tìm kiếm các kháng thể chống lại hiệu quả virus này, vaccine thí điểm sẽ tiếp tục được thử nghiệm độc tính, sẽ cần những động vật lớn hơn như khỉ. Điều đó giúp đánh giá sự an toàn của vaccine trước khi đăng ký thử nghiệm lâm sàng.
Để đảm bảo tính khách quan của việc thử nghiệm vaccine trên động vật, cùng một mẫu vaccine đăng ký sẽ được tiến hành đồng thời tại cơ sở nghiên cứu và Trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh ở Bắc Kinh. Nếu các thử nghiệm trên động vật diễn ra tốt đẹp, các nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc hy vọng có thể sớm thực nghiệm lâm sàng.
Sớm nhất sẽ có vaccine thử nghiệm trên người vào tháng 4
Hiện tại, hàng chục công ty và tổ chức trong nước và toàn cầu đã đầu tư tiền bạc và nguồn nhân lực để tạo ra vaccine phòng ngừa virus corona mới. Mặc dù ai cũng muốn có một phương pháp chữa trị hiệu quả nhằm sớm chấm dứt đại dịch Covid-19, các nhà khoa học cho biết, vaccine được phê duyệt phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt, ít nhất là qua thử nghiệm động vật và 3 giai đoạn thử nghiệm trên người trước khi đưa vào sử dụng đại trà.
Chinadaily dẫn lời ông Xu Nanping, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc trong một cuộc họp báo hôm 21-2 rằng, các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu đồng thời nhiều loại vaccine và công nghệ vaccine ở Trung Quốc ngang bằng với phần còn lại của thế giới. Ông Xu
Nanping dự báo rằng, vaccine sớm nhất sẽ áp dụng cho các thử nghiệm lâm sàng vào cuối tháng 4. “Cộng đồng khoa học Trung Quốc đã đặt mạng sống, sự an toàn và sức khỏe của công chúng là ưu tiên số 1. Chúng tôi đã làm việc không mệt mỏi để tiếp tục tạo ra kết quả khoa học hiệu quả nhằm cống hiến cho đất nước và trợ giúp người dân.
Trong khi đó, ông Zeng Yixin, Phó giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết, các nhà khoa học Trung Quốc hiện đang thử nghiệm 5 loại vaccine: vaccine bất hoạt, vaccine tái tổ hợp, vaccine vector sống, vaccine dựa trên axit nucleic và vaccine dựa trên virus sống nhưng đã suy yếu. Một số vaccine đã bước vào giai đoạn thử nghiệm trên động vật.
“Nếu phát triển vaccine được so sánh với việc xây một ngôi nhà, hiện giờ chúng tôi đã đặt nền móng và tòa nhà bắt đầu nổi lên từ mặt đất. Ngay từ giờ, chúng tôi đang xây dựng mỗi tầng càng nhanh càng tốt”, ông Zeng Yixin nói. “Nếu cần thiết, các nhà khoa học có thể nộp đơn xin phê duyệt khẩn cấp đưa vaccine vẫn đang được thử nghiệm vào sử dụng khẩn cấp cho công chúng”, ông nói thêm.
Ông Chen Shifei, Phó giám đốc Cơ quan quản lý sản phẩm y tế quốc gia, cho hay họ đã thành lập một nhóm chuyên gia đặc biệt để đánh giá và phê duyệt thuốc và vaccine Covid-19. “Chúng tôi rất coi trọng kiểm soát chất lượng và bảo vệ quyền của bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng”, ông nói.
Trong khi chờ đợi vaccine mới ra mắt, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra hướng dẫn điều trị, trong đó truyền huyết tương từ các bệnh nhân hồi phục để điều trị bệnh nhân nguy kịch được chứng minh là an toàn, hiệu quả và có thể được nhân rộng trong tương lai.
Tính đến ngày 21-2, vẫn còn hơn 11.600 bệnh nhân ở Trung Quốc trong tình trạng nguy kịch. Do đó, nước này sẽ triển khai các bước để khuyến khích các bệnh nhân hồi phục hiến huyết tương của họ để giúp những người gặp khó khăn. Cùng ngày, hơn 100 bệnh nhân khỏi bệnh đã hiến huyết tương, có thể giúp hơn 200 bệnh nhân nguy kịch khác. Một lực lượng gồm 20 nhóm thu thập huyết tương đã được phái đến 11 tỉnh và cơ quan y tế địa phương cũng được huy động để hỗ trợ các nhóm này.
“Nếu phát triển vaccine được so sánh với việc xây một ngôi nhà, hiện giờ chúng tôi đã đặt nền móng và tòa nhà bắt đầu nổi lên từ mặt đất. Ngay từ giờ, chúng tôi đang xây dựng mỗi tầng càng nhanh càng tốt. Nếu cần thiết, các nhà khoa học có thể nộp đơn xin phê duyệt khẩn cấp đưa vaccine vẫn đang được thử nghiệm vào sử dụng khẩn cấp cho công chúng”
Ông Zeng Yixin (Phó giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc)
Yến Chi
Trung Quốc dùng máy bay không người lái giám sát dịch bệnh COVID-19
Với công nghệ tạo ảnh nhiệt hồng ngoại, máy bay không người lái có thể tự động giám sát dòng người di chuyển và phát ... |
Đại sứ Israel tại Trung Quốc bị cách ly theo dõi COVID-19
Đại sứ Israel tại Trung Quốc bị cách ly theo dõi COVID-19 do đi chung chuyến bay với nhóm người Hàn Quốc sau đó bị phát ... |
Ông Tập Cận Bình: Covid-19 là dịch bệnh "khó khăn nhất từ trước tới nay" với Trung Quốc
Hôm 23/2, Chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận dịch Covid-19 (nCoV) là tình trạng khẩn cấp y tế lớn nhất kể từ khi nước ... |