Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua lần đầu tiên dùng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, yêu cầu hãng xe General Motors làm máy trợ thở cho bệnh nhân Covid-19.
Ông chỉ trích hãng xe lớn nhất Mỹ "đang lãng phí thời gian" đàm phán, dù trước đó họ đã thông báo sẽ bắt đầu sản xuất máy trợ thở trong vài tuần tới. Trump cũng bày tỏ sự giận dữ với quyết định đóng cửa nhà máy lắp ráp của GM tại bang Ohio và các quyết định trước đây của hãng về việc mở nhà máy bên ngoài Mỹ. Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro cho biết chính phủ Mỹ tuần này gặp khó khi đàm phán với GM.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters |
Đạo luật Sản xuất Quốc phòng cho phép Tổng thống Mỹ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất bất kỳ vật liệu hoặc sản phẩm cần thiết nào cho an ninh quốc gia và các mục đích khác. Thống đốc New York Andrew Cuomo và nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ khác đã thúc giục Trump sử dụng đạo luật này, nhưng ông vẫn lưỡng lự cho đến hôm qua. Số người nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã vượt 100.000 ca, với hơn 1.500 ca tử vong.
GM sau đó trả lời Trump rằng họ đã làm việc với các nhà cung cấp và hãng sản xuất máy trợ thở Ventec Life Systems "cả ngày trong suốt một tuần qua để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp này". Họ khẳng định cam kết với Ventec "chưa bao giờ dao động".
Từ giữa tháng, GM và Ford đã thảo luận với Nhà Trắng về việc hỗ trợ sản xuất các thiết bị y tế như máy trợ thở để chống lại Covid-19. Trong tuần này, hai hãng đều cho biết đang làm việc với các công ty cung cấp thiết bị y tế.
GM và đối tác Ventec hôm qua xác nhận sẽ triển khai 1.000 công nhân tại làm máy trợ thở tại Indiana và sẽ xuất xưởng sản phẩm trong tháng tới. Họ đặt mục tiêu tạo ra hơn 10.000 máy mỗi tháng và sẽ nâng dần công suất.
Ford cũng khẳng định đang đẩy nhanh hết sức để có thể sản xuất máy trợ thở và đang "tích cực thảo luận" với chính phủ. Họ sẽ phối hợp với GE Healthcare để nâng sản lượng máy.
Tổng thống Mỹ kỳ vọng sẽ có thêm 100.000 máy trợ thở trong 100 ngày tới. Ông cũng cho biết các quốc gia như Anh, Đức, Tây Ban Nha và Italy cần máy trợ thở. Nếu dư, Mỹ có thể xuất khẩu.
Hà Thu (theo Reuters)