Trump nói đã giúp Hong Kong không "bị xóa sổ trong 14 phút" bằng đề nghị Chủ tịch Tập Cận Bình không điều quân vào đặc khu.
"Nếu không nhờ tôi, Hong Kong đã bị xóa sổ trong 14 phút. Một triệu quân của Chủ tịch Tập Cận Bình không tiến vào Hong Kong bởi tôi nói rằng làm ơn đừng làm thế, điều đó sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến thỏa thuận thương mại", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 22/11. Đây là lần đầu Trump tuyên bố can thiệp vào tình hình ở Hong Kong.
Lưỡng viện Mỹ hồi giữa tuần thông qua dự luật ủng hộ nhân quyền ở Hong Kong. Theo dự luật, Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm chứng nhận Hong Kong duy trì quyền tự quyết để đặc khu hưởng ưu đãi thương mại với Mỹ. Dự luật còn cho phép cấm vận các quan chức bị coi là vi phạm nhân quyền tại Hong Kong.
Quốc hội Mỹ cũng nhất trí thông qua dự luật cấm xuất khẩu vũ khí kiểm soát đám đông phi sát thương cho cảnh sát Hong Kong như bình xịt hơi cay, đạn cao su và súng điện.
Cảnh sát chống bạo động bắt người biểu tình tại Đại học Bách khoa Hong Kong ngày 19/11. Ảnh: AP. |
Tổng thống Mỹ từ chối cho biết khả năng ông ký thông qua các dự luật về Hong Kong đã được lưỡng viện nhất trí. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc quốc hội Mỹ thông qua các dự luật và hối thúc Trump phủ quyết chúng.
"Chúng ta phải sát cánh với Hong Kong song tôi vẫn đang đứng cùng Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều quan trọng là phải đàm phán về thỏa thuận thương mại", Trump nói.
Hồi tháng 8, Trump viết trên Twitter rằng không nghi ngờ khả năng giải quyết vấn đề Hong Kong một cách "nhanh chóng và nhân đạo" của ông Tập, đồng thời đề nghị lãnh đạo Trung Quốc trực tiếp gặp người biểu tình.
Căng thẳng tại Hong Kong gần đây leo thang khi người biểu tình chiếm đóng các trường đại học, trong đó có trường Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) từ 17/11. Cảnh sát vây bên ngoài trường trong hơn 4 ngày, sử dụng đạn cao su, hơi cay và vòi rồng để ngăn người biểu tình thoát ra ngoài mà không tự trình diện.
Khoảng 1.100 người biểu tình bị bắt tại PolyU trong hai ngày 18-19/11.
Biểu tình bùng phát từ tháng 6, ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Sau khi chính quyền Hong Kong tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu cầu khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát và Trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14/11 nói rằng tình trạng bất ổn ở Hong Kong "chà đạp nghiêm trọng thượng tôn pháp luật và trật tự xã hội", thách thức nguyên tắc cơ bản của mô hình "một quốc gia, hai chế độ". Ông Tập khẳng định ngăn chặn bạo lực, kiểm soát bạo loạn và khôi phục trật tự là nhiệm vụ cấp bách đối với Hong Kong.
Nguyễn Tiến (Theo CBS)
Dự luật Hong Kong của Mỹ gây ảnh hưởng gì?
Người biểu tình Hong Kong mong chờ dự luật mà quốc hội Mỹ vừa thông qua nhưng nó cũng tiềm ẩn tác động tiêu cực ... |
Trung Quốc dọa đáp trả Mỹ về dự luật Hong Kong
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện các "biện pháp đáp trả quyết liệt" sau khi quốc hội Mỹ thông qua dự ... |