- Thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt: Hướng đến giao thông thông minh
- Hà Nội thí điểm sử dụng công nghệ AI tại các điểm trông giữ xe thông minh
Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 100 điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt. Hầu hết khi gửi xe ở đây, người dân cảm thấy khá thuận lợi và minh bạch về giá vé.
Thế nhưng, tại khu vực quanh trung tâm Bờ Hồ vẫn còn không ít bãi trông giữ xe xé vé giấy, dù vé có ghi là “5.000đ” thì người gửi vẫn phải trả với giá 10.000đ/xe, thậm chí có lúc khách đông có người trông giữ còn thu tới 20.000đ/xe máy.
Hơn 100.000 lượt giao dịch qua dịch vụ gửi xe không dùng tiền mặt
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có gần 100 điểm ứng dụng công nghệ thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt. Với dịch vụ này, người dùng có thể dễ dàng thanh toán phí gửi xe bằng điện thoại thông minh, không cần chuẩn bị tiền mặt hay thẻ. Hệ thống ứng dụng công nghệ hiện đại, có thể tự động ghi nhận biển số xe và thanh toán phí qua thẻ Etag gắn trên phương tiện hoặc ví điện tử, giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn cho cả chủ xe và hạn chế thất thoát doanh thu cho bãi xe.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thu phí tự động VETC (Công ty VETC) là đơn vị phục vụ tới 70% thị phần, triển khai dịch vụ thu phí gửi xe không tiền mặt tại 78 điểm gồm 56 điểm trông giữ ôtô và 22 điểm trông giữ xe máy. Hệ thống từ công ty này đã ghi nhận gần 100.000 lượt giao dịch, với tổng giá trị giao dịch hơn 1,5 tỷ đồng và tỷ lệ thanh toán qua ví VETC và mã QR đạt 100%.
Ông Trần Ngọc Kiên, Giám đốc dự án dịch vụ thu phí gửi xe không tiền mặt của VETC cho biết, theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06/Chính phủ về Chuyển đổi số quốc gia, chỉ với các điểm trông giữ triển khai thí điểm ban đầu đã ước tính giảm 10,2 tỷ đồng/năm cho người dân, 4,2 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp. Đây là những con số ấn tượng, cho thấy sự nhanh nhạy và thích nghi của người dân đối với phương thức thanh toán mới này.
Sau thời gian ngắn triển khai thí điểm tại Hà Nội, theo ông Kiên, dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt đã thể hiện 3 tăng (tăng chất lượng dịch vụ, tính minh bạch công khai, niềm tin của người dân), 3 giảm (giảm thời gian, thủ tục hành chính và chi phí). “Các trường hợp sử dụng tiền mặt chiếm tỷ lệ rất ít, chủ yếu là người cao tuổi chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện thanh toán qua các ứng dụng”, ông Kiên nói thêm.
Đối với trường hợp một số ngân hàng chưa hỗ trợ chuyển khoản với hạn mức thấp 5.000 đồng, VETC đã liên hệ và kiến nghị các ngân hàng điều chỉnh hạn mức phù hợp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày một cao của người dân. Việc triển khai dịch vụ thu phí gửi xe không tiền mặt không chỉ góp phần vào việc thực hiện quy hoạch đô thị, điểm trông giữ xe, đáp ứng yêu cầu, công nghệ thanh toán số mà còn góp phần lập lại trật tự đô thị trong công tác cấp phép, quy hoạch điểm đỗ, bãi đỗ xe.
Hà Nội rà soát tổng thể quy hoạch điểm, bãi trông giữ xe
Quanh khu vực Bờ Hồ vẫn còn những điểm trông giữ xe thu tiền xé vé giấy. Điều đáng nói là không ít lần gửi xe thu tiền mặt người dân cảm thấy như bị “móc túi” vì giá trên vé xe ghi rõ “5.000đ” nhưng người trông giữ thường thu “10.000đ”/xe. Anh Thái Sơn (Ngọc Hồi, Hà Nội) chia sẻ, mỗi lần bị “chặt chém”, anh cảm thấy rất bức xúc, “nhưng không lẽ vì 5.000đ lại đi đôi co với họ”. “Tôi chỉ mong tất cả các điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội đều dùng thanh toán không dùng tiền mặt để giá gửi xe được minh bạch, người gửi xe cảm thấy thoải mái hơn”, anh Sơn bày tỏ.
Theo Sở GTVT Hà Nội, số lượng phương tiện cá nhân tại Hà Nội liên tục tăng, kéo theo tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu điểm trông giữ xe. Hiện nay, Hà Nội có 1.073.000 xe ôtô; xe máy, môtô các loại là 6.602.000 xe; xe máy điện là 184.471 xe. Mỗi năm Hà Nội tăng hơn 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng khoảng 32.700 phương tiện; mỗi ngày tăng khoảng 1.100 phương tiện các loại. Việc thiếu điểm trông giữ xe là điều khó tránh. Song trong quý 3/2024, Sở GTVT sẽ chủ trì, phối hợp Sở Tài chính tham mưu thành phố về phí, giá trông giữ xe bảo đảm quy định và phù hợp tình hình thực tiễn.
Cùng đó, Sở GTVT sẽ phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan rà soát tổng thể quy hoạch điểm, bãi trông giữ xe, hoàn thành đánh giá tình hình cấp phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe có thu phí trên địa bàn thành phố trong tháng 8/2024.
Bên cạnh đó, Sở GTVT sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 17/4/2024 của UBND thành phố về ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt trên địa bàn thành phố; định kỳ báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện theo quy định.
Nghiên cứu, báo cáo UBND thành phố về phương án sử dụng tài khoản giao thông để thu phí dịch vụ trông giữ xe ôtô. Đồng thời tham mưu quy chế, quy trình thanh toán tạm thời đối với việc ứng dụng công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn thành phố trong tháng 7/2024.
Tiến hành rà soát toàn bộ đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan, kịp thời giải quyết đối với nội dung thuộc thẩm quyền. Hy vọng với hàng loạt giải pháp nâng cao năng lực giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội thì việc người dân bị “chặt chém” khi gửi xe sẽ sớm được khắc phục triệt để.
https://cand.com.vn/doi-song/trong-giu-xe-khong-dung-tien-mat-gop-phan-xoa-bo-te-chat-chem-i737123/