Dân Hải Phòng những thế hệ trước lớn lên cùng ký ức của việc chặt cây.
chặt cây
Hình ảnh của thành phố tuổi thơ tôi, hiện lên trong thi ca cùng hoa phượng đỏ. “Thành phố Hoa phượng đỏ” gần như một tên gọi chính thức. Nhưng những người ở xa chắc không tưởng tượng rằng có một thời thành phố hoa phượng đỏ có phong trào chặt hoa phượng đỏ, thay thế bằng cây gạo gai. Sẽ cần rất nhiều trích lục (và điều tra?) để tìm lại nguyên nhân thực sự của việc chặt phượng trồng gạo. Nhưng trong một logic hay được lưu truyền, thì cây phượng được cho là tạo ra quá nhiều rác và ít bóng mát, trong khi gạo gai thì ngược lại.
Gạo gai cũng một thời tạo ra kỷ niệm đẹp trong trí nhớ nhiều người Hải Phòng. Chúng lớn nhanh, và tạo ra những vòm cây lộng lẫy. Đường Lê Lợi một thời, với hàng gạo gai rợp bóng đôi bên, giữa trưa hè vết nắng trên mặt đường chỉ to bằng bàn tay. Đấy là con đường tôi đạp xe đi học mỗi ngày.
Nhưng gạo gai cũng mang theo bi kịch của một loài cây lớn nhanh: thân chúng giòn. Mỗi mùa bão về, lại thấy những thân gạo lớn bị bẻ quặt xuống mặt đường, đè đứt dây điện, hỏng xe, chết người. Mỗi mùa bão về, lại thấy xe của chính quyền lục đục đi cưa những cành gạo to.
Rốt cục, Hải Phòng quyết định chặt gạo trồng phượng.
Thành phố bây giờ đã lại đỏ hoa mỗi mùa hè về. Nhưng tôi đã rời thành phố hoa phượng đỏ đi tha hương năm xưa, mà phải mang theo hình ảnh những cây phượng còi. Chúng mới được trồng, và trông những gốc cây chẳng hề xứng tầm lịch sử của thành phố. Những cây phượng còi được dựng lên sau một cặp chính sách rất buồn cười: chặt phượng trồng gạo rồi lại chặt gạo trồng phượng.
Hôm qua, lại một lần nữa vấn đề cây xanh đô thị của Hà Nội được đặt ra, khi những hoài nghi xuất hiện xung quanh quyết định trồng cây phong đỏ trên nhiều trục phố lớn. Tình cờ, tuần trước, tại TP HCM, dư luận cũng buộc phải chú ý đến chủ đề này, khi ai đó đã đặt lên những gốc cây to mới bị chặt tại Quận 1 những đóa hồng. Trong những năm qua, chặt cây và trồng cây liên tục là chủ đề thời sự tại hai thành phố lớn. Những sự kiện làm tôi nhớ lại những gốc phượng còi dưới quê.
Có một vấn đề của chặt cây và trồng cây: nó là đề tài khoa học chuyên môn. Tức là tôi không có khả năng trả lời cây phong đỏ có ra được lá đỏ kiểu Canada trong khí hậu Hà Nội hay không; tôi không có khả năng phân định xà cừ có phù hợp với hạ tầng đô thị hay là gỗ mỡ thì đáng giá hơn… Đó là các quyết định cần đến chuyên môn khoa học về lâm nghiệp, về xây dựng, về giao thông và cả tài chính.
Tôi, với tư cách một người dân, cũng không có nghĩa vụ đi trả lời các câu hỏi như vậy. Tôi đã đóng thuế để chính quyền lo các việc này. Trong một thành phố chi ngân sách năm vài chục nghìn tỷ như Hà Nội, tôi - một người dân đang lo bữa ăn - không thể đi chất vấn chính quyền về mọi dự án hạ tầng to nhỏ. Chính quyền đi thuê nhà khoa học, và ra quyết định cho tôi.
Tôi chỉ buộc phải quan tâm nếu quyết định đó sai. Chính quyền, như mọi thực thể khác, có thể quyết định sai và chắc chắn trong nhiều trường hợp sẽ quyết định sai. Nhưng nếu đã sai, thì phải có cơ chế truy cứu để ngăn chặn điều tương tự tái diễn. Và tới đây lại phát sinh đặc trưng khác của cây xanh: thời gian để người dân “nghiệm thu” một dự án cây xanh đô thị sẽ kéo dài rất nhiều năm, qua rất nhiều nhiệm kỳ. 10 năm hay 15 năm nữa, cái cây mới bộc lộ là đúng hay sai như những hàng gạo gai ở Hải Phòng, thì tôi không biết truy cứu ai. Sự bất cập của cây xanh bộc lộ lâu hơn so với… BOT hay BRT. Nó trở nên đáng ngờ từ lúc trồng.
Cây phong đỏ có thể hoàn toàn vô tội. Chúng có thể sẽ rất đẹp trong tương lai. Và chúng chỉ là một dự án nhỏ trong tổng chi ngân sách. Nhưng chúng lại trở thành chủ đề khiến nhiều người quan tâm.
Những cái cây và dư luận quanh chúng thật ra chỉ là ẩn dụ cho niềm tin trong dân về năng lực ra quyết định đúng. Thứ bị nghi ngờ nhiều nhất ở đây, là khả năng tự hoàn thiện của các quyết định. Quyết định sai cũng có giá trị, nếu nó trở thành bài học để tạo ra sự đúng đắn trong tương lai. Nhưng nhiều người dân tự hỏi, nếu chỉ “rút kinh nghiệm sâu sắc”, “cảnh cáo” hay “tự kiểm điểm” thì các quyết định sau có đúng hơn quyết định trước?
Chuyện “chặt phượng trồng gạo rồi chặt gạo trồng phượng” không chỉ diễn ra ở Hải Phòng, hay trong lĩnh vực môi trường đô thị. Trồng một cái cây hay xây một nhà máy nghìn tỷ đều chỉ cần một chữ ký, nhưng chặt một cái cây không phù hợp lại khác thanh lý một nhà máy nghìn tỷ đang thua lỗ.
Xây dựng niềm tin, ngoài việc đưa ra các quyết định đúng, còn phải ứng xử đúng với các quyết định sai. Nhưng ở đâu đó, như một tập quán tư duy, người ta vẫn cho mình quyền lý giải về các quyết định sai, bằng “sơ suất”, “chủ quan” hay là “nôn nóng”. Những khái niệm định tính đó không che lấp được những thất thoát tài sản định lượng.
Tôi tin nhiều người Hà Nội đang thầm hy vọng rằng sẽ có một ngày được nhìn hàng phong đỏ ối trên phố phường. Cũng như người dân luôn khát khao mọi dự án đầu tư đều sinh lợi. Không ai muốn chỉ trích hay hoài nghi. Mỗi lần trồng cây, đều có thể là một lần trồng thêm lòng tin và phong đỏ cũng vậy.
Không ai muốn bận lòng về những việc mình đã giao cho người khác. Nhưng sẽ chỉ có sự thanh thản đó, nếu sự tưởng thưởng và trừng phạt được thực thi đàng hoàng.
Chuyên gia nói gì về việc Hà Nội trồng phong lá đỏ? Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia trước việc cây phong lá đỏ vừa được trồng trên một số tuyến phố ở Hà Nội. |
Hà Nội: Trồng phong lá đỏ ở dải phân cách, liệu có lại thành "củi khô"? Trước thông tin về cây phong lá đỏ được trồng tại Hà Nội, rất nhiều người dân thủ đô đã tỏ ra bất ngờ và ... |