Chung cư hàng chục tầng nhưng không có thang máy, uống bia Sài Gòn ở Bình Nhưỡng, cafe nhạc ngoại về đêm... là những bất ngờ thú vị ở Triều Tiên.
Những mảng màu đối lập
Cao và thấp, đơn điệu và sắc màu, u ám và rực rỡ, đó là những hình ảnh đối lập mà Triều Tiên mang lại cho tôi. Nhưng như rất nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài đã đến đất nước này, tôi chỉ được phép chụp những hình ảnh đẹp đẽ. Sự nghèo khó vẫn hiện diện ở đó nhưng không được phép xuất hiện hoặc không có cơ hội lọt ra ngoài biên giới Triều Tiên.
Khắp Bình Nhưỡng là những công trình cao tầng hoành tráng, Koryo, khách sạn nơi tôi ở là toà nhà cao thứ 2 Triều Tiên, nằm cạnh sông Teadong. Khách sạn này do các ông chủ Nhật Bản sở hữu, được xếp hạng 5 sao với mức giá từ 2,5 đến 4,5 triệu/đêm. Khách sạn này có 43 tầng, thang máy được mạ vàng. Các dịch vụ massage, hồ bơi, sân tenis, điện thoại quốc tế và siêu thị mini đều được cung cấp đầy đủ bên trong.
Quảng trường Kim Nhật Thành, Tháp tư tưởng chủ thể, Cung thiếu nhi... cũng là những công trình hoành tráng như thế. Có cả trăm toà nhà cao từ 25-35 tầng rải khắp thành phố.
Một góc thủ đô Bình Nhưỡng nhìn từ tầng 33 khách sạn Yanggakdo. Nổi bật trên nền trời Bình Nhưỡng là khách sạn Ryugyong 105 tầng cao 330 mét hình dạng như tên lửa phóng lên trời, khách sạn này trong tình trạng hoang phế từ năm 1992 đến nay. |
Cung điện thiếu nhi Mangyongdae cao 6 tầng, được xây từ năm 1989 (ảnh trái). Tòa nhà có 120 phòng gồm hồ bơi, phòng tập thể dụng, học nhạc, sân bóng chuyền, khu thể thao phức hợp, khu giảng dạy khoa học với mô hình tên lửa do Triều Tiên sản xuất, cung điện còn có cả nhà hát với 2000 chỗ ngồi. Ảnh dưới là những tòa nhà cao tầng khác nhau được xây dựng và sơn phết nhiều màu sắc. |
Con đường từ Nampo chạy vào thủ đô Bình Nhưỡng với những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát. Đường sá ở thủ đô Bình Nhưỡng được quy hoạch rất rộng rãi và trồng nhiều cây xanh hai bên đường. |
Khu phức hợp khoa học kỹ thuật có hình dạng nguyên tử nằm tọa lạc trên hòn đảo SSuk giữa dòng sông Taedong nối với bên ngoài bằng cây cầu Chungsong. Công trình được xây dựng như một kiến trúc xanh của Bình Nhưỡng. Nó tiết kiệm năng lượng với hệ thống chiếu sáng và sưởi ấm bằng năng lượng mặt trời, cùng những nguồn năng lượng khác. Một mô hình tên lửa khổng lồ được lắp đặt ngay hội trường trung tâm. |
Con đường dẫn vào Thủ đô Bình Nhưỡng từ phía nam đưa du khách đi qua Cổng Thống Nhất với biểu tượng hai phụ nữ đang nắm giữ nâng cao bản đồ 2 miền Triều Tiên thống nhất, đây là điều mà cố chủ tịch Kim Nhật Thành muốn trở thành hiện thực. Ảnh dưới là khách sạn Ryugyong với 105 tầng, cao 330 m, khách sạn bỏ hoang lớn nhất thế giới. |
Quảng trường Kim Nhật Thành khánh thành năm 1954, nằm ở bờ tây sông Taedong , đối diện với tháp Tư tưởng Chủ thể Juche bên kia bờ sông. Đây là quảng trường lớn thứ 16 trên thế giới, có diện tích khoảng 75.000m2, chứa khoảng 100.000 người. Đây là nơi diễn ra các cuộc diễu hành, duyệt binh có quy mô lớn nhất nước. |
Quảng trường trên đồi Mansudae đặt tượng đài tưởng niệm 2 nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật nhìn ra dòng sông Taedong (Đại Đồng). |
Các buổi sáng tôi nhìn thấy những người dân Bình Nhưỡng mồ hôi nhễ nhại xếp hàng đợi xe bus. Mồ hôi nhễ nhại vì mỗi sáng họ phải đi bộ hàng trăm bậc cầu thang để xuống mặt đất, những khu chung cư cao tầng đó không có thang máy.
Người Bình Nhưỡng không sử dụng nhiều phương tiện cá nhân, họ chủ yếu đi lại bằng xe bus. Từ 6h30 sáng, hàng trăm người xếp hàng trật tự tại bến đỗ. Xe bus luôn chật cứng người đứng ngồi nhưng họ luôn giữ trật tự và không chen lấn. Có những người tuy tan tầm lúc 17h chiều nhưng đến gần 21h tối mới về đến nhà vì thiếu phương tiện di chuyển.
Đường phố Bình Nhưỡng rất sạch và thoáng nhưng ở giữa ngã tư đường luôn có cảnh sát điều tiết giao thông. Tôi hỏi Kim rất nhiều câu hỏi khá riêng tư như công việc của cảnh sát, mức lương rồi quân phục của họ. Đáp lại Kim im lặng không nói gì.
Nhưng chỉ cần đi ra khỏi trạm kiểm soát an ninh ở cửa ngõ Bình Nhưỡng, sẽ thấy một hình ảnh hoàn toàn khác về Triều Tiên. Bình Nhưỡng và vùng ngoại ô giống như hai thế giới song song cùng tồn tại. Ngoại ô là những căn nhà thấp cũ kỹ. Nhiều nơi còn không có đường dây điện, người dân tận dụng năng lượng mặt trời cho những nhu cầu tối thiểu.
Rạp chiếu phim quốc tế (trên) và sân vận động Yanggakdo (dưới) nằm trên đảo nhỏ Yanggakdo giữa sông Taedong bị bỏ hoang. |
Xe taxi đậu trước trung tâm hành chính, trên có dòng chữ: “Mặt trời của quân tiên phong Triều Tiên – Tướng quân Kim Jong Un vạn tuế”. Phương tiện giao thông tại Bình Nhưỡng có xe taxi, xe điện, xe bus, tàu điện ngầm và xe đạp. Hầu hết phương tiện đều khá cũ kỹ và lạc hậu. |
Xe điện ở Bình Nhưỡng vào giờ cao điểm luôn trong tình trạng quá tải, hàng trăm người đứng chờ để lên xe và trong xe luôn chật cứng người. Nhưng người dân có ý thức rất tốt, không chen lấn xô đẩy hay giành chỗ. |
Xe điện di chuyển trên đường phố, vào giờ cao điểm các phương tiện khác được phép chạy vào làn xe điện để việc lưu thông được nhanh chóng và không trì trệ. Ảnh dưới: Tàu điện ngầm cũng là một phương tiện được nhiều người dân ưu tiên chọn lựa. |
Triều Tiên có 2 tuyến tàu điện ngầm với 16 trạm dừng đón khách. Hệ thống này nằm sâu đến 110 m dưới lòng đất đi hết 4 phút, nhà ga còn được xem như một hầm trú ẩn trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Người Triều Tiên rất tự hào với hệ thống tàu điện ngầm của họ. |
Người dân thường phải rời nhà từ rất sớm để đi bộ đến trạm xe bus, kịp đón xe đến chỗ làm, vì phương tiện giao thông hạn chế nên nếu đi trễ giờ cao điểm sẽ phải chờ đợi rất lâu. |
Các con đường chính ở thủ đô Bình Nhưỡng rất rộng rãi và sạch sẽ. |
Ảnh trên là khẩu hiệu: “Dân ta phải sống bằng lương thực của chính mình” ở một khu làng trên đường từ Đan Đông đến thủ đô Bình Nhưỡng. Những khẩu hiệu được dựng lên ở nhiều nơi trên khắp đất nước. Ảnh dưới là một ngôi làng ở Sonchon tỉnh Pyongan Bắc vào mùa lúa chín, trên đồi cao có tấm bia đỏ với dòng chữ mang nội dung: “Đi cùng đồng chí lãnh đạo Kim Jong Un đến muôn đời.” |
Tỉnh Pyongan (Triều Tiên) giáp Liêu Ninh (Trug Quốc) đang vào mùa thu hoạch lúa. |
Tấm bia hình tháp tư tưởng chủ thể dựng lên ở thành phố Wonsan với nội dung: “Chủ nghĩa Kim Nhật Thành – Kim Chính Nhật vĩ đại vạn tuế”. |
Uống bia Sài Gòn ở Triều Tiên
Tôi đã lên đường đến Triều Tiên với một balo chất đầy mì gói vì sợ đói. Tôi tưởng tượng Triều Tiên rất nghèo đói, không đủ lương thực và ẩm thực nghèo nàn. Trải nghiệm 7 ngày ở Triều Tiên khiến tôi bật cười vì những ngộ nhận của mình. Thật sự, tôi đã không phải ăn bữa mì nào trong suốt thời gian đó. Mỗi ngày đều là một trải nghiệm hạnh phúc ở khía cạnh ẩm thực.
Ngay buổi tối đầu tiên ở Bình Nhưỡng, chúng tôi đã được đưa đến một nhà hàng rất lịch sự. Có khoảng 6 cô gái mặc trang phục hanbok truyền thống đứng ở cửa cúi đầu chào. Đó là một nhà hàng phong cách Âu, có cả khăn nóng và đĩa sứ trắng. Phục vụ rót nước chuyên nghiệp đúng cách mà tôi thấy ở những nhà hàng ở Paris của Pháp.
Tôi thực sự thích món ăn Triều Tiên, kim chi cay, há cảo hấp, đu đủ xào, tim cật xào rau củ quả... Các loại thức uống đều có táo ép, bia Triều Tiên và đặc biệt là bia Sài Gòn.
Ngay tối đầu tiên khi đến Bình Nhưỡng, chúng tôi đã được thưởng thức ẩm thực rất ngon tại một nhà hàng mang đậm bản sắc Triều Tiên, các thiếu nữ phục vụ xinh đẹp với trang phục hanbok truyền thống. Khi chúng tôi rời nhà hàng về khách sạn, các cô bé phục vụ cúi gập người chào, tiễn ra tận cửa, và vẫy tay đến khi xe đi khuất. Ảnh dưới là ở quầy hàng nhỏ bày bán đồ ăn, nước uống ở đường lên núi Kumkang, tại đây còn có bán cả bia Sài Gòn. |
Xem tivi cũng là một trải nghiệm cực kỳ thú vị ở đây. Tivi cho người dân có 3 kênh, 1 kênh tuyên truyền cho các chính sách của nhà nước. 1 kênh chiếu phim, 1 kênh nói về những thành quả khoa học kỹ thuật của đất nước.
Nhưng là khách du lịch, tôi được phép xem một số kênh tin tức quốc tế khác như Al Jazeera của Qatar hay CCTV của Trung Quốc.
Vì thế, những ngày ở Triều Tiên dù không có Internet, tôi vẫn có thể theo dõi các tin tức liên quan đến đất nước này. Nhưng người Triều Tiên không bao giờ có cơ hội được xem những thứ đó. Có một buổi sáng, một người Triều Tiên hỏi chúng tôi hôm qua tivi chiếu tin tức gì. Anh bạn đi cùng đoàn thuật lại một số thông tin nhưng chúng tôi quyết định tránh nói trực tiếp vào cuộc khủng hoảng Triều Tiên mới được khơi lại cách đó mấy ngày.
Không chỉ riêng chúng tôi mà cả người Triều Tiên cũng bị ngăn cấm khi tiếp xúc với người nước ngoài. Trong một dịp hiếm hoi, tôi gặp một nhóm 30 người đi ngắm cảnh trên núi Kumgang. Người Triều Tiên khá có cảm tình với người Việt. Họ cúi đầu chào rất thấp và vui vẻ nhận lời khi được đề nghị chụp ảnh.
Phương Tây trong lòng Bình Nhưỡng
Đêm trước khi rời Triều Tiên, hướng dẫn viên Lee dành cho chúng tôi một điều bất ngờ. Lee nói chúng tôi sẽ nhận được một đặc cách mà không phải du khách nào cũng có. Đêm đó chúng tôi được phép ra ngoài và uống cà phê.
Khi quay về khách sạn lúc 18h, Lee dặn chúng tôi đợi đến 20h sẽ có thông báo lại. Tôi hồi hộp đứng ngồi không yên. Quá giờ hẹn nhưng vẫn chẳng nghe thông tin gì từ Lee, tôi sợ Lee sẽ đổi ý và huỷ quyết định.
15 phút sau, Lee gọi điện và hẹn chúng tôi xuống sảnh khách sạn. Chúng tôi đi băng qua đường hầm dưới lòng đất, sau đó tiếp tục đi bộ trên vỉa hè khoảng 300m. Khi bước vào, tôi cứ ngỡ mình bị lạc đến một quán cà phê nào đó ở Pháp hay Ý. Đó là một quán cà phê được bài trí theo phong cách phương Tây, có ba cặp đôi đang ngồi thưởng thức bữa tối với pizza dưới ánh nến vàng lãng mạn.
Trong những năm gần đây, những quán cà phê mang phong cách phương tây đã xuất hiện khá nhiều. Quán nhỏ nhưng phục vụ nhiều đồ ăn thức uống mang phong cách hiện đại. Thành phần tri thức của Triều Tiên thích đến những quán cà phê như thế này để thưởng thức và thư giãn mỗi khi rãnh rỗi. |
Khi đó tôi nhìn thấy một Bình Nhưỡng khác, những cô gái có mặt ở quán cà phê đó mặc chiếc váy điệu đà hơn thường ngày, ăn một bữa tối với món Tây và dĩ nhiên, trong thứ âm nhạc khác hoàn toàn với những bài ca ngợi lãnh tụ họ vẫn nghe hàng ngày.
Đêm đó, tôi đã nghe lại The sound of silence...những bài hát của một thời tuổi trẻ mơ mộng. Kim nói thích nghe nhạc nước ngoài bên cạnh nhạc Triều Tiên. Thi thoảng cô cũng đến những quán cà phê kiểu này nhưng chỉ uống sinh tố, nước ép trái cây chứ không thích cà phê.
Tôi chọn một bình trà Triều Tiên, bạn tôi gọi sinh tố dưa hấu. Lee và Kim uống nước ép trái cây. Quầy bar có rất nhiều loại rượu khác nhau của các hãng nổi tiếng, có cả bia Sài Gòn từ Việt Nam. Giá cả cũng không quá đắt. Bốn người chúng tôi có một buổi tối thú vị với giá 45 USD. Khi tôi làm vỡ nắp bình trà, Kim còn đùa tôi rằng sẽ để tôi lại quán để làm bù tiền, "may mắn" là họ chỉ bắt đền 8 USD.
Những quán cà phê mang phong cách phương Tây chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây. Khắp Bình Nhưỡng, đã có tới hàng chục quán được mở. Ngoài người nước ngoài đang làm việc tại Bình Nhưỡng, những người Triều Tiên khá giả cũng thường ghé đến.
Triều Tiên, những điều cấm kỵ
Không được chụp ảnh rõ mặt người, không được đi vào thủ đô sau 18h, không được tiếp xúc người dân... rất nhiều những điều ... |
Đến Triều Tiên - Đất nước bí ẩn nhất thế giới
Phóng viên Hải An là một phượt thủ được nhiều người biết với biệt danh "Quỷ cốc tử". Trong 15 năm, anh đã đặt chân ... |
https://news.zing.vn/trieu-tien-nhung-dieu-bat-ngo-post787526.html