Triều Tiên - \'kỳ đà cản mũi\' tham vọng quyền lực của Trung Quốc

Các động thái của Triều Tiên khiến Trung Quốc khó thực hiện được tham vọng thế chỗ Mỹ như cường quốc có sức chi phối ở châu Á.

trieu tien ky da can mui tham vong quyen luc cua trung quoc
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và quan chức Trung Quốc Lưu Vân Sơn. Ảnh: KCNA.

Hai người đàn ông đứng cùng nhau trên lễ đài quan sát cuộc duyệt binh tại quảng trường ở Bình Nhưỡng năm 2015: một người là quan chức hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn, người kia là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Đã gần hai năm trôi qua kể từ cuộc viếng thăm cấp cao cuối cùng giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Khoảng cách giữa hai quốc gia này ngày càng nới rộng: một cường quốc đang lên muốn gia tăng ảnh hưởng ở khu vực, một nước láng giềng khó đoán với tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc từ lâu đã thể hiện rõ mục tiêu lâu dài của họ là thay thế vị trí của Mỹ để trở thành một cường quốc có sức chi phối ở châu Á, theo NYTimes. Nhưng Triều Tiên, nước cuối tuần qua thử hạt nhân lần thứ sáu, đã trở thành trở ngại khó ngờ và dai dẳng trên con đường vươn tới đỉnh cao quyền lực đó.

Để đạt được tham vọng về quyền lực của mình, Trung Quốc muốn Mỹ rút lui khỏi châu Á và gửi thông điệp đến các đồng minh của Mỹ trong khu vực rằng họ không thể trông đợi vào sự bảo vệ của Washington. Nhưng tham vọng hạt nhân ngày càng lớn của Triều Tiên đang khiến Mỹ can thiệp sâu hơn vào châu Á và khiến Trung Quốc khó có thể thuyết phục các nước đồng minh của Mỹ rằng họ không cần "cái ô hạt nhân" của Washington.

Những rào cản lớn khác cũng chặn bước Trung Quốc trên con đường gia tăng ảnh hưởng. Tuy Mỹ có những dấu hiệu rút lui khỏi châu Á dưới thời chính quyền Trump, họ vẫn có sức mạnh quân sự rất lớn tại khu vực này. Ấn Độ và Nhật Bản, các đối thủ truyền thống của Trung Quốc trong khu vực, đã thể hiện rõ ý định chống lại sức ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Đồng thời, vị trí chiến lược và năng lực hạt nhân ngày càng gia tăng của Triều Tiên cũng khiến Trung Quốc khó kiềm chế được họ.

"Triều Tiên có thể không phải là vấn đề lớn nhất đối với Trung Quốc, nhưng họ đặt ra một thách thức đặc biệt và nghiêm trọng với tham vọng của Trung Quốc là hất cẳng Mỹ khỏi Đông Á", Hugh White, cựu chiến lược gia của Bộ Quốc phòng Australia, nói.

Ngay cả khi Mỹ rút khỏi khu vực, "sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể không bao giờ chi phối được khu vực như các nhà lãnh đạo của họ hy vọng".

Trong một cuộc hội thảo chuyên ngành kéo dài ba ngày ở Thượng Hải hồi tháng trước, các học giả Trung Quốc đã đặt câu hỏi liệu Triều Tiên có thực sự có giá trị với Bắc Kinh như một vùng đệm chiến lược đối trọng với Hàn Quốc và Nhật Bản hay không. Họ cũng cảnh báo rằng mối đe dọa từ Triều Tiên có thể thúc đẩy Nhật - Hàn tự phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe Bình Nhưỡng.

"Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc cảm thấy buộc phải đi đến các lựa chọn cực đoan như tự phát triển vũ khí hạt nhân, việc đó sẽ ảnh hưởng xấu đến ngoại giao khu vực", Zhu Feng, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, nói.

Sự phổ biến của vũ khí hạt nhân trong khu vực sẽ đẩy Trung Quốc vào "một cuộc chiến tranh lạnh mới" ở châu Á và có thể khiến Mỹ tăng hiện diện quân sự tại đây. Điều đó sẽ cản trở đáng kể tham vọng gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh, đồng thời khiến họ có nguy cơ bị coi là nhân tố kích động phổ biến hạt nhân, ảnh hưởng đến uy tín trên trường quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biết rõ những rủi ro đó và đã tỏ thái độ không hài lòng đối với ông Kim.

Nhưng cũng giống như những người tiền nhiệm, ông Tập phản đối các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn có thể khiến chính quyền Triều Tiên sụp đổ, vì Bắc Kinh luôn lo ngại nguy cơ nổ ra bất ổn ở biên giới và khủng hoảng tị nạn tại đông bắc Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng phản đối viễn cảnh một bán đảo Triều Tiên thống nhất bằng vũ lực từ phía liên minh Mỹ - Hàn.

Các chiến lược gia Trung Quốc từ lâu coi sự tồn vong của chính quyền Triều Tiên là vấn đề liên quan đến lợi ích và an ninh quốc gia của nước này. Khi phải lựa chọn giữa gia tăng ảnh hưởng toàn cầu và đảm bảo an ninh quốc gia sát sườn, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải thiên về yếu tố thứ hai.

Trong các hội thảo quốc tế, giới học giả và tướng lĩnh về hưu Trung Quốc cũng luôn khẳng định luận điểm này. Đối với họ, sự ổn định của chế độ chính trị ở Bình Nhưỡng là bất di bất dịch, bởi vậy, khả năng gây tác động của Trung Quốc tới Triều Tiên là rất hạn chế.

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/trieu-tien-ky-da-can-mui-tham-vong-quyen-luc-cua-trung-quoc-3637405.html

/ VnExpress