Trên đất Phật

Trọn đêm lửng lơ trên trời, sau 3 lần quá cảnh và nối chuyến từ Tân Sân Nhất đến Bangkok rồi New Delhi, cuối cùng chúng tôi "hạ cánh an toàn" ở Dehradun - sân bay nhỏ như cánh hoa mộc miên ẩn dưới tán rừng nguyên sinh, lặng lẽ tỏa sáng nơi thượng nguồn phía bắc sông Hằng, con sông lớn nhất vùng Nam Á và là biểu tượng của nền văn minh Ấn Độ.

tren dat phat

Chia sẻ

Tu viện Drikung Thil tại miền Trung Tây Tạng. Ảnh: Bảo Chân

Ngắm bầu trời điệp trùng mây trôi dưới cánh bay "chim sắt", bất chợt, bài Hán thi từng khiến tôi trằn trọc ở độ tuổi trưởng thành bỗng xuất hiện cùng ánh trăng Thu lai láng, dịu êm.Tôi có cảm giác như đang trôi cùng bản nhạc sục sôi hình dấu hỏi, rằng..."Bạn đến tay không, đi tay không/Thiên nhân là vậy/khi sinh ra, bạn từ đâu đến?/Khi chết rồi, bạn đi đâu?Sinh, xuất hiện như đám mây trôi nổi/ Tử, biến đi cũng như mây..."

Đường trên mây

Lặng lẽ ngắm mây hàng giờ đồng hồ ở những độ cao khác biệt, mặc kệ sự tập trung khuyếch đại trí tò mò và bỗng dưng muốn... khóc. Tôi tin, những câu độc thoại trên mây thường rất đẹp và rất thật! Ở trên trời, dù không thể đoán định khoảng cách giữa mặt đất với con người và vũ trụ; nhưng bất kể ngày hay đêm, lúc bình minh cũng như buổi hoàng hôn, không có gì lãng mạn hơn, vĩ đại hơn và tự do hơn tình yêu giữa ta với những thực thể lúc ẩn, lúc hiện...lung linh phía bên ngoài cửa sổ máy bay.

Đó là một đêm cuối mùa Thu, dài chưa từng thấy, từ Sài Gòn đi Ấn Độ trên chiếc Boeing của hãng hàng không lớn nhất Thái Lan, tôi không thể nào chợp mắt. Thật may khi có được chỗ ngồi bên cửa sổ, chỉ cần nhìn thấy áng mây ngũ sắc, trí tưởng tượng lập tức đưa tôi đến miền cực lạc.

Vâng, tôi luôn có cảm giác, dường như ở đâu đó giữa hai con mắt, thỉnh thoảng khoảng vài giây lại xuất hiện những câu hỏi, kiểu như "ta là ai?" "ta từ đâu đến?", "sống, thác về đâu?"... Không hiểu sao, ở những thời khắc ấy, tôi tuyệt đối tin, con người và những sự sống ngoài hành tinh có thể gặp nhau trong nụ hôn miên viễn của đất-trời, có sự chứng kiến của mây, gió, trăng, sao..., xao xuyến thiên hà!

Giữa điệp trùng mây trôi dưới cánh bay "chim sắt", tôi bỗng nhớ câu chuyện "đôi cánh Icarus" trong thần thoại Hy Lạp. Phải rồi, đôi cánh làm bằng sáp ong và lông chim của nghệ nhân tài ba Daedalus gắn lên mình người con trai duy nhất, chính là biểu tượng của năng lực sáng tạo và cũng là khát khao vẫy vùng vươn tới tự do.

Nhưng, con trai Daedalus sau khi thoát khỏi mê cung Labyrinth, chỉ vì choáng ngợp trước vẻ đẹp bao la của bầu trời, mà quên lời dặn của cha. Trong lúc Icarus mê mải đuổi theo thần mặt trời Helios, đôi cánh sáp ong đã tan chảy rất nhanh, bừng tỉnh thì đã quá muộn, Icarus rơi thẳng xuống biển...

Đang miên man thương tiếc "đôi cánh sáp ong", thì một cú xóc như "trời giáng" cùng với lời nhắc của cô tiếp viên hàng không xinh tươi - máy bay đi qua vùng thời tiết xấu - khiến tôi sức tỉnh. Sự thật là, những cung đường trên mây cũng lắm "ổ gà, ổ voi". Và, còn một sự thật nữa, từ thủa hồng hoang, tự do không có nghĩa muốn làm gì thì làm, cũng không phải sự tùy tiện bỏ mặc, càng không phải sự phiêu lưu mạo hiểm.

Cho dù bạn biết rõ mình là ai, từ đâu đến, xin đừng liều lĩnh tự do đến mức quên cả ranh giới hủy diệt. Chợt nhớ, Anagarika Gavinda - tu sĩ người Đức nhiều năm sống ở Tây Tạng, đồng thời nổi tiếng là họa sĩ, nhà thơ, nhà văn và học giả uyên thâm về Pali - đã viết trong tác phẩm "The way of the white clouds"(Con đường mây trắng), đại ý tự do là khả năng có thể chấp nhận được cái bất ngờ, thu liễm và chuyển hóa nó, tức là nới tâm mở rộng, đối diện với mọi tình huống bất ngờ của đời sống.

Trên đất Phật

Lại nhớ, mùa Thu năm trước nữa, trong chuyến hành hương về xứ tuyết, chúng tôi cũng đã vượt qua 3 chặng bay dài hàng chục vạn dặm, với mong ước được ngủ 1 đêm ở tu viện Drikung Thil, bởi vì đó là tu viện chính, tu viện đầu tiên của dòng truyền thừa Drikung Kagyu, 1 trong 4 tông phái lớn của Phật giáo Mật tông Tây Tạng mà những Phật tử sơ cơ như chúng tôi đã chí thành qui y Tam Bảo.

Tọa lạc trên rặng núi cao hơn 4.200 mét, dài khoảng 120 cây số, bao gồm 9 ngọn núi thiêng ở miền Trung Tây Tạng; tu viện Drikung Thil được xây dựng từ năm 1179 bởi người sáng lập ra dòng truyền thừa Drikung Kagyu là sư tổ Kyobpa Jigten Sumgom - đệ tử xuất sắc nhất của đại đạo sư Phagmodrupa, hành giả nổi tiếng Tây Tạng ở thời kỳ cuối nhà Nguyên (Mông Cổ).

tren dat phat
Pháp vương Kyabgon Chetsang Rinpoche với Phật tử Việt Nam tại đại lễ kỷ niệm 800 năm ngày nhập diệt của sư tổ Kyobpa Jigten Sumgom (tháng 10.2017). Ảnh: H.P

Đối diện Drikung Thil trong ánh sáng trùng phùng giữa lúc ngày và đêm giao hoan, chứng kiến những vũ điệu kỳ ảo nhất của mây giữa thiên nhiên vô tận, theo thói quen, tôi nâng máy ảnh chụp đàn thiên điểu sải cánh đen kín góc trời. Thrisme, người dẫn đường giải thích: "Chim kền kền chuyên ăn thịt người. Chúng đang no nê vì vừa bay về từ đỉnh núi dành riêng cho con người trước khi rời cõi tạm.

Ở Tây Tạng, vì điều kiện thiên nhiên quá khắc nghiệt, nên người chết không được chôn cất trong lòng đất mà đưa lên núi làm mồi cho kền kền. Loài chim này được tôn kính như linh vật và được gọi là "thánh đại bang". Ở Tây Tạng, ai cũng tin rằng việc an táng người chết bằng cách nuôi kền kền, cũng giống như đức Phật tổ Như Lai lấy xác mình nuôi hổ dữ để khỏi sát hại các sinh linh khác."

Đó là bài học dữ dội nhất mà tôi nhớ như in ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vâng, xin khẳng định, nếu không "mắt thấy, tai nghe", không thể nghĩ bàn về những điều rất thật, dẫu cho bạn đã đọc hoặc đã xem video (nhiều lần), nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ đủ để hiểu một cách căn cơ về phong tục điểu táng hay còn gọi là thiên táng của người Tây Tạng.

Hôm ấy, trước chính điện của tu viện Drikung Thil, ngắm bầu trời vần vũ, tôi ngộ rằng mình đã gặp đám mây pháp (dharma clouds) mà từ đó chân lý được hiển lộ. Cảm xúc lại trỗi dậy, bài học thực tế là minh chứng sinh động nhất, tôi tin, bằng niềm tin con người có thể vượt lên mọi thử thách để hóa giải tất thảy mâu thuẫn, hoài nghi nhằm đạt được mục đích giữ cho tâm an lạc!

Nhà cách mạng tôn giáo

Sự xác tín trong tôi lớn dần. Những ngày ở Tây Tạng, dường như mây đã giúp tôi xóa sạch mọi băn khoăn, ẩn ức, thậm chí chẳng còn lăn tăn gì về tuổi tác. Điều lớn nhất luôn hiện hữu trong suy nghĩ của một người có đức tin nhưng sự hiểu biết về đạo Phật còn hạn hẹp như tôi, đó là làm thế nào hiểu rõ ngọn nguồn câu chuyện lịch sử gắn với những con người đã viết nên biên niên sử rực rỡ hào quang huyền thoại.

Hơn 2.500 năm trước, đạo Phật hình thành ở Ấn Độ rồi trở thành tôn giáo lớn của thế giới. Và Mật tông là pháp môn bắt nguồn từ sự kết hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo Đại thừa, hình thành khoảng giữa thế kỷ thứ VI-VII tại Ấn Độ. Tính từ năm 1179, khi Pháp Vương Kyobpa Jigten Sumgom xây dựng tu viện Drikung Thil đến nay, dòng Drikung Kagyu đã được giữ gìn liên tục qua 37 đời pháp chủ. Hiện hai vị Pháp vương đứng đầu dòng truyền thừa này là đại lão Hòa thượng Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche, sống tại Dehradun (Ấn Độ) và Drikungpa Kyabgon Chungtsang Rinpoche, sống tại Lhasa (Tây Tạng).

H.H Kyabgon Chetsang Rinpoche sinh năm 1946 ở Lhasa, được tuyên nhận làm đức pháp vương từ thủa ấu nhi. Trong suốt gần nửa thế kỷ đã qua, H.H Kyabgon Chetsang Rinpoche luôn luôn phấn đấu không mệt mỏi để khôi phục và phát triển truyền thống tu thiền và kinh luận của dòng Drikung Kagyu ra khắp thế giới. Đặc biệt, ngài là một trong số những nhà sư Tây Tạng tiên phong thực hiện công cuộc bảo vệ, phát triển môi trường thiên nhiên.

Trong vai trò đại sứ Đối tác Vùng núi toàn cầu Liên Hiệp quốc (The United Nations Global Mountain Partnership Ambassador), H.H Kyabgon Chetsang Rinpoche được báo chí quốc tế nhận định là một nhà cách mạng tôn giáo năng động, luôn tìm cách gần gũi Phật tử và gắn kết các tông phái Phật giáo với nhau cũng như kết nối hoạt động của Phật giáo với các tôn giáo khác.

Việt Nam đối với Pháp vương Kyabgon Chetsang Rinpoche là một đất nước có mối lương duyên sâu sắc. Năm 1936, thiền sư Nhẫn Tế, người khai lập chùa Tây Tạng ở tỉnh Bình Dương, một mình sang Tây Tạng "tầm sư, học đạo" và được trú ngụ một thời gian khá dài trong gia trang của thân phụ H.H Kyabgon Chetsang Rinpoche ở Lhasa. Thập niên gần đây, H.H Kyabgon Chetsang Rinpoche đã nhiều lần đến Việt Nam hoằng pháp và thực hiện các chiến dịch kêu gọi toàn dân tham gia chương trình "Go Green - Go Ogranic".

Trong vòng 1 năm, tôi may mắn được diện kiến pháp vương 3 lần trong 3 sự kiện khác nhau và đặc biệt được thọ nhận bài giảng của ngài về phương pháp tu dưỡng tri kiến, thiền định và hành động. Chánh niệm với bản thân là điều cốt tủy mà sư tổ đã khai sáng tâm tôi, vì điều đó, tôi quyết định đến Tu viện lớn nhất của dòng Drikung Kagyu ở Dehradun (Ấn Độ).

Và với tư cách thành viên dự pháp hội kỷ niệm 800 năm ngày nhập diệt của sư tổ Kyobpa Jigten Sumgom, mới đây, tôi cùng anh chị em Phật tử Việt Nam đã có những trải nghiệm để đời trên đất Phật. Tại Ấn Độ, đây là lần đầu tiên trong suốt 8 thế kỷ đã qua, có một vị Pháp vương của dòng Drikung Kagyu đứng ra tổ chức đại lễ qui mô toàn cầu nên đã thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và đông đảo cộng đồng xã hội. Đặc biệt, pháp hội đã tập trung được hơn 10.000 tăng, ni, cư sĩ và Phật tử của dòng Drikung Kagyu ở khắp các châu lục.

Vài ngày trước khai mạc, tất cả các tu viện và đạo tràng lớn đều tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật, giới thiệu cuộc đời sự nghiệp và ca ngợi công đức thiện hạnh của sư tổ Kyobpa Jigten Sumgom. Nhóm Phật tử đến từ Latvia công diễn vở kịch kể lại khoảng thời gian trước khi Sư tổ Jigten Sumgom nhập diệt, dù rất bận song H.H Kyabgon Chetsang Rinpoche vẫn dành thời gian đến xem.

Đến lúc cao trào, người phiên dịch đang lúng túng ngập ngừng, bỗng vang lên giọng nói trầm ấm của Pháp vương, cả hội trường trào dâng xúc động. Với mong muốn tất thảy mọi người hiểu rõ nội dung, đức Pháp Vương Kyabgon Chetsang Rinpoche đã cầm micro phiên dịch hai thứ tiếng (Anh và Tạng) cho đến hết chương trình. Buổi diễn kết thúc lúc gần nửa đêm, không ai muốn về, đức Pháp Vương cũng xúc động nán lại sân khấu. Hạnh phúc vỡ òa....

Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận một cách rõ ràng, cơ thể con người là bản nhạc tuyệt vời nhất. Khi nhạc trưởng cất tiếng, tần số rung động rất cao, từ trường của bậc chân tu đạt đạo truyền dẫn năng lượng...yêu thương ngập tràn, hy vọng chứa chan và vạn vật bỗng trở nên tốt đẹp. Lại nhớ, lời dạy của minh sư, rằng: "Đạo Phật đến để thực hành. Quí vị hãy cầu nguyện, nhưng quí vị phải bước ra thế giới, để làm biến đổi cuộc đời; thông qua những phương pháp hữu dụng, để người dân được hưởng lợi!"

/ https://laodong.vn