Tranh cãi xung quanh bài thơ "Bắt nạt" trong sách giáo khoa

Những ngày qua, bài thơ "Bắt nạt" trong sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn lớp 6 bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" do NXB Giáo dục phát hành tiếp tục trở thành chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội về chất lượng, giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

Trước đó, vào năm 2021, khi chương trình SGK mới lớp 6 được triển khai, bài thơ "Bắt nạt" cũng đã trở thành tâm điểm dư luận với hàng loạt ý kiến trái chiều của độc giả. Từ câu chuyện này cho thấy, việc lựa chọn ngữ liệu đưa vào SGK mới vẫn luôn là vấn đề được xã hội hết sức quan tâm.

bn.jpeg -0
Sau gần 3 năm được đưa vào SGK, bài thơ "Bắt nạt" vẫn tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận. Ảnh minh hoạ.

Bài thơ "Bắt nạt" được trích từ tập thơ "Ra vườn nhặt nắng" (NXB Thế giới, Hà Nội, 2017, trang 24-25) của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh. Bài thơ gồm 8 khổ, mỗi khổ 4 dòng, nội dung xuyên suốt nói về những mặt tiêu cực, không tốt của việc đi bắt nạt người khác và khuyên các em học sinh không nên bắt nạt các bạn yếu thế hơn mình. Bình luận về sự xuất hiện của bài thơ trong SGK Ngữ văn lớp 6 theo chương trình mới, trên mạng xã hội hiện đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Một số ý kiến đánh giá tính nghệ thuật của bài thơ không cao, tính giáo dục không rõ ràng, không phù hợp để đưa vào SGK cho học sinh học. Anh Lê Xuân Phú, phụ huynh học sinh tại Ninh Bình cho rằng, bài thơ mộc mạc, giản dị, có tính giáo dục, phù hợp cho trẻ con đọc nhưng bài thơ này không phù hợp để đưa vào SGK vì làm cho người đọc có thể hiểu theo nhiều ý khác nhau, cả tích cực cả tiêu cực; lời thơ tuy ngây ngô, dễ hiểu đối với con trẻ nhưng không phù hợp cho chương trình lớp 6; việc gieo vần trong bài thơ có vài chỗ khá khiên cưỡng, gượng ép.

Chị Trương Thanh Đào, phụ huynh học sinh ở Hà Nội cũng nêu quan điểm, việc chống hiện tượng bắt nạt ở trẻ em là rất cần nhưng không vì thế mà phải đưa vào SGK bài thơ chất lượng nghệ thuật không cao như bài "Bắt nạt".

Theo chị Đào, nguyên lý của văn chương là nói bằng hình tượng và hình tượng đó có sức cảm hoá, thanh lọc tâm hồn con người, nhưng bài thơ "Bắt nạt" lại nặng về những lời khuyên giáo điều khô khốc. Có vài chỗ có cách nói hình tượng thì lại hỏng. Đơn cử như hình ảnh mù tạt chẳng ăn nhập gì với ý tứ của bài thơ, có chăng chỉ là nhặt được cái vần "ạt" cho bắt vần với "ạt" trong chữ "bắt nạt" ở khổ thơ trước. TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nêu quan điểm: Bài thơ "Bắt nạt" được chọn đưa vào SGK là phương án kém tinh tế. Lý do là ở ý nghĩa giáo dục và giá trị nghệ thuật của bài thơ hơi ít.

Đi vào phân tích chi tiết sẽ thấy có sự so sánh khiên cưỡng giữa việc "ăn mù tạt" (thử thách chính mình) và "bắt nạt" (làm phiền người khác) khiến người đọc cảm thấy khó hiểu, do đó, nội dung đoạn này không góp phần làm rõ nghĩa chính của bài thơ. Bên cạnh đó, ở đoạn tác giả khuyên ai bị bắt nạt thì đưa bài thơ này ra... cũng rất khiên cưỡng vì bài thơ chưa thể hiện được sự anh hùng bảo vệ kẻ yếu hoặc có lý lẽ làm nhụt chí những kẻ bắt nạt. Do vậy, cộng đồng cảm thấy không hài lòng. Câu cuối cùng "bắt nạt rất hôi" là câu thật sự tối nghĩa…

Một số ý kiến khác lại cho rằng bài thơ có ngôn từ dễ hiểu, mang tính giáo dục khi đụng chạm đến vấn đề nóng trong đời sống giới trẻ hiện nay là nạn bắt nạt, bạo lực học đường... Bên cạnh đó, bài thơ mang yếu tố tự sự mà đặc điểm của dạng này khác với thơ trữ tình đơn thuần, tức là ngôn từ thường không được trau chuốt tối đa vì nó phản ánh đời sống thường ngày.

Theo chị Nguyễn Minh Trang, phụ huynh có con học THCS ở Hà Nội, với góc nhìn cá nhân, chị  thấy bài thơ dí dỏm, đúng tinh thần và khả năng tiếp nhận của các bạn lớp 6, gieo vần cũng gọn gàng, đọc lên thấy rất vui vẻ tích cực, không kiểu giáo điều, doạ nạt. Đặc biệt, bên cạnh những bài thơ ca ngợi quê hương, đất nước, chủ đề "bạo lực, bắt nạt học đường" cũng cần được đưa vào SGK để các bạn nhỏ cùng học, cùng phân tích, từ đó có thể tự rút ra bài học cho riêng mình.

Cô giáo Nguyễn Thanh Hải, giáo viên dạy văn tại một trường THCS ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng chia sẻ: Bài thơ này đã được cô dạy cho học sinh lớp 6 suốt 3 năm nay không thấy các em phàn nàn gì mà trái lại nhiều em còn phát biểu là bài thơ dễ thương và gần gũi với giới trẻ. Cũng theo phân tích cô Hải, về nội dung giáo dục, đây là bài thơ phù hợp với việc giáo dục trẻ em về nạn bắt nạt vốn tồn tại trong nhà trường từ nhiều năm nay.

Bài học này nằm trong chủ đề 1 "Tôi và các bạn" gồm các trích đoạn trong các tác phẩm như "Dế mèn phiêu lưu ký", trích đoạn trong tác phẩm "Hoàng tử bé" và trích đoạn trong tác phẩm "Tôi là Bê tô"…  nhằm giáo dục học sinh ý thức về bản thân và có những mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè. Về các biện pháp tu từ, bài thơ "Bắt nạt" cũng khá phong phú về các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, câu hỏi tu từ, điệp cấu trúc; cấu trúc bài thơ cũng khá chặt chẽ, phù hợp với tâm lý trẻ thơ… Do đó, để bài thơ "Bắt nạt" sẽ không rơi vào nguy cơ trở thành bài học giáo dục công dân thì rất cần đến vai trò, năng lực của giáo viên.

Trước những ý kiến trái chiều của độc giả, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đã dẫn lại những nội dung mà anh chia sẻ về bài thơ này từ năm 2021. Anh cho rằng, việc tranh cãi trong văn học là điều bình thường, anh đón nhận điều đó như một luồng năng lượng khác biệt đến từ những độc giả mới biết tới anh.

Cũng theo tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh, khi nhóm biên soạn bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" liên hệ với mong muốn đưa bài thơ vào sách Ngữ văn 6, ban đầu, anh cũng hơi đắn đo vì bài thơ này, anh viết cho tập thơ thiếu nhi "Ra vườn nhặt nắng" - hướng đến lứa tuổi nhỏ hơn và tập thơ cũng có những bài thơ mộng hơn để chọn. Tuy nhiên, sau khi được giải thích là bài thơ có thể giúp ích cho các bạn học sinh vừa bước sang cấp II, nơi tình trạng bắt nạt bắt đầu "dữ dội" hơn, cảm thấy trong lựa chọn của nhóm biên soạn ẩn chứa nhiều sự sâu sắc nên anh đã đồng ý vì tin vào cảm nhận của sự sâu sắc đó…

Theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018, ngữ liệu được lựa chọn đưa vào SGK phải bảo đảm các tiêu chí, trong đó có phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình; phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm - sinh lý của học sinh ở từng lớp học, cấp học.

Do đó, việc các nhóm biên soạn đưa một tác phẩm vào SGK để làm ngữ liệu cho việc đọc Văn cũng phải xem xét các yếu tố nhằm đáp ứng những tiêu chí nhiều mặt. Tuy vậy, thực tế trong nhiều năm qua, ngữ liệu được lựa chọn để đưa vào SGK môn Ngữ văn gây tranh cãi chủ yếu rơi vào các tác phẩm của các tác giả mới.

Đây cũng là một điều đáng suy nghĩ, nó cho thấy, cái mới dù chưa xét hay dở, thường thì không dễ dàng được tiếp nhận, chấp nhận ngay và các tranh luận về ngữ liệu đưa vào SGK vẫn luôn là vấn đề nóng, rất khó để có ngay đáp án.

https://cand.com.vn/giao-duc/tranh-cai-xung-quanh-bai-tho-bat-nat-trong-sach-giao-khoa-i710174/

Huyền Thanh / cand.com.vn