Lo ngại lợi ích nhóm trong biên soạn, lựa chọn SGK mới: Bộ trưởng GD&ĐT nói gì?

Nhiều cử tri băn khoăn, gửi câu hỏi lên Bộ trưởng GD&ĐT về việc "có hay không lợi ích nhóm trong biên tập, lựa chọn sách giáo khoa theo chương trình phổ thông mới?".

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, hiện quy trình biên soạn sách giáo khoa được các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của Luật Xuất bản, bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí về sách giáo khoa. 

Các bài học trong sách giáo khoa thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học, hoạt động giáo dục. Sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 được phê duyệt và đưa vào sử dụng đã đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng sách giáo khoa từ khâu biên soạn, thẩm định, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa.

2368396255745042070301882153996514134971872n-11525434
Sách giáo khoa lớp 2, chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh minh hoạ)

Bộ GD&ĐT cũng quy định cụ thể việc lựa chọn sách giáo khoa do Hội đồng cấp tỉnh quyết định và báo cáo UBND tỉnh. Như vậy các quy định bảo đảm tính dân chủ, công khai và minh bạch trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa.

Trong năm qua, Bộ GD&ĐT thực hiện kiểm tra, thanh tra 14 tỉnh, thành phố. Kết quả, các trường phổ thông và Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa thực hiện việc chọn sách đúng theo quy định, kết quả lựa chọn sách của các Hội đồng trùng với nguyện vọng của các trường. 

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra địa phương trong việc chọn sách giáo khoa, phát hiện những vướng mắc và xử lý các tiêu cực trong quá trình chọn sách giáo khoa nếu có.

Về kiến nghị sửa quy định về việc tái sử dụng sách giáo khoa, tránh gây lãng phí, tốn kém cho nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đầu năm học Bộ đã ban hành quy định các trường phải "sử dụng hiệu quả sách giáo khoa trong quá trình dạy và học theo quy định của pháp luật".

Tuy nhiên, trong quá trình dạy và học vẫn còn có hiện tượng học sinh ghi chép vào sách giáo khoa, dẫn đến sách giáo khoa không tái sử dụng, gây lãng phí.

Thời gian quan, Bộ GD&ĐT nhiều lần chỉ đạo các nhà trường tổ chức tuyên truyền đến từng giáo viên và học sinh giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách để tái sử dụng... Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà xuất bản tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành sách giáo khoa nhằm tiết kiệm, giảm giá thành.

Kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo của Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 29/12 chỉ ra, Bộ GD&ĐT ban hành văn bản cho phép Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn sách bài tập, tài liệu tham khảo là chưa đúng chức năng. Việc làm trên khiến phụ huynh, học sinh nhầm lẫn sách bài tập được nhà xuất bản biên soạn cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo sách giáo khoa. 

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng cho chuyển nội dung dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập sang Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định. 

 
Hà Cường / VTC News