Tranh cãi về việc quy đổi giải thưởng và ý kiến cần thu hồi danh hiệu khi nghệ sĩ vi phạm pháp luật

Vừa qua, bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo góp ý sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xét tặng danh hiệu NSND và NSƯT.

tranh cai ve viec quy doi giai thuong va y kien can thu hoi danh hieu khi nghe si vi pham phap luat

Quy đổi giải thưởng: Rào cản làm khó những nghệ sĩ xứng đáng?

Nghị định 89/2014/NĐ-CP ra đời là căn cứ pháp lý quan trọng để xét, tôn vinh những cá nhân hoạt động và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Điều này góp phần động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ - những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa hết mình cống hiến, say mê trong sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật để thêm nhiều chương trình, tác phẩm, tiết mục nghệ thuật có giá trị phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề được các người quan tâm tranh luận khá gay gắt đó làviệc quy đổi giải thưởng đã cắt giảm so với quy định cũ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nghệ sĩ. Trong đó có thể kể đến những bất cập trong việc quy đổi giải thưởng của chỉ đạo nghệ thuật, biên đạo múa và nhạc công.

NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, với chỉ huy hợp xướng, chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch trong âm nhạc có một vai trò vô cùng quan trọng. Họ đóng vai trò vừa là đạo diễn, vừa là nghệ sĩ trong mỗi chương trình.

Tuy nhiên, theo Nghị định xét tặng danh hiệu hiện nay đang là một thiệt thòi, bởi họ không được tham gia một cuộc thi nào dẫn đến việc không thể có huy chương. Chính sự thiệt thòi này dẫn đến việc xét tặng, đặc biệt là danh hiệu NSND là vô cùng khó khăn. Tài năng của họ thực tế hiện nay chỉ được đánh giá thông qua các đồng nghiệp, khán giả và các lãnh đạo nhưng nếu xét về những yêu cầu về danh hiệu hay giải thưởng, thì hoàn toàn “bế tắc”.

NSND Phạm Ngọc Khôi cũng dẫn chứng trường hợp của NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TP. HCM nhiều lần đưa hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND đều bị gạt đi bởi nguyên tắc nếu không có đủ huy chương… thì không xét. “Tôi đề nghị với những người tham gia vai trò chỉ huy âm nhạc cần có một chế tài riêng. Mức quy đổi từ huy chương vàng nên để bằng 1, chứ không thể để như mức 2/3 như hiện nay” - NSND Phạm Ngọc Khôi nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, NSƯT Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình cho rằng, về mặt bằng chung của các bộ môn, mảng sân khấu trong việc xét tặng danh hiệu đang gặp vấn đề. Dù trong bản quy đổi đã thêm thành phần giải thưởng xuất sắc nhưng lại bỏ đi một số chức danh. Đơn cử như đạo diễn âm thanh, ánh sáng.

“Hiện nay đạo diễn âm thanh, ánh sáng đã được trường ĐH Sân khấu Điện ảnh đưa vào ngành học chính thức. Vậy có được coi là làm nghệ thuật hay hoạt động nghệ thuật không? Đặc biệt hiện nay đã là thời đại 4.0 vai trò của của âm thanh, ánh sáng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế, cũng nên xét danh hiệu cho những người này bằng một chế tài đặc biệt” - NSƯT Nguyễn Quang Thập phân tích.

Bên cạnh đó, việc xem xét bổ sung quy định thu hồi danh hiệu (hoặc có hình thức xử lý phù hợp khác) trong trường hợp sau khi được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT mà nghệ sĩ có các vi phạm, sai phạm phải xử lý hình sự hoặc có những hành động, việc làm gây ảnh hưởng xấu ở phạm vi rộng đến cộng đồng, xã hội cũng được đưa ra bàn luận.

tranh cai ve viec quy doi giai thuong va y kien can thu hoi danh hieu khi nghe si vi pham phap luat

NSƯT Xuân Bắc: "Cần thu hồi danh hiệu NSƯT, NSND nếu nghệ sĩ vi phạm".

Danh hiệu khó đạt, phải giữ gìn mới đáng trân trọng

NSƯT Xuân Bắc - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam thẳng thẳng đánh giá: “Danh hiệu càng khó trao thì mới quý, tôi cũng đề nghị bổ sung quy định về việc thu hồi danh hiệu hoặc có hình thức xử lý phù hợp khác. Nếu các nghệ sĩ đã được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT mà có các vi phạm, sai phạm phải xử lý hình sự hoặc có những hành động, việc làm gây ảnh hưởng xấu ở phạm vi rộng, ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội nên có những biện pháp quyết liệt về vấn đề này”.

“Có việc trao tặng, phong tặng danh hiệu thì cũng cần phải có xử lý, thu hồi danh hiệu khi có vi phạm để đảm bảo tính công bằng, khách quan và cao quý của danh hiệu. Tuy nhiên, để mọi việc được minh bạch, rõ ràng cần có Hội đồng trước khi đưa ra quyết định đối với việc thu hồi danh hiệu... Nghệ sĩ nào vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn của xã hội, bị các cơ quan chức năng đề xuất, quyết định các mức xử phạt cần thu hồi danh hiệu. Nếu tước danh hiệu, thì đơn vị tước cũng là thành viên của hội đồng thẩm định từng trao danh hiệu cho người đó” – NSƯT Xuân Bắc nêu ý kiến.

Chia sẻ về vấn đề này, NSND Thuý Mùi cho biết: “Tôi ủng hộ việc thu hồi danh hiệu. Trong trường hợp sau khi được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, nghệ sĩ có các vi phạm, sai phạm mà phải xử lý hình sự. Nhưng việc nói nghệ sĩ có những hành động, việc làm gây ảnh hưởng xấu ở phạm vi rộng đến cộng đồng, xã hội có vẻ nói hơi chung chung, phải có quy định cụ thể là những hành vi nào, như nào là ảnh hưởng xấu? Cần làm rõ nghệ sĩ tự do thế nào, nghệ sĩ thuộc quản lý của các nhà hát thì sao.

Bởi đúng là hiện nay trong xã hội vẫn có một số ít nghệ sĩ đã dùng sức ảnh hưởng của mình để lợi dụng làm việc này, việc kia. Tuy nhiên, với những nghệ sĩ thuộc cơ quan quản lý nhà nước họ sẽ phải chịu xử lý của chính cơ quan quản lý đó. Còn với những nghệ sĩ tự do, nếu không đưa ra tiêu chí cụ thể e rằng sẽ khó để xử lý và thu hồi danh hiệu”.

tranh cai ve viec quy doi giai thuong va y kien can thu hoi danh hieu khi nghe si vi pham phap luat

NSND Hoàng Dũng cho biết, trong tiền lệ cũng chưa từng có nghệ sĩ nào được phong tặng danh hiệu vì vi phạm, sai phạm bị xử lý hình sự mà phải thu hồi danh hiệu NSND, NSƯT.

Đã từng có nghệ sĩ bị dư luận đòi tước danh hiệu NSƯT

Liên quan đến vấn đề này, NSND Hoàng Dũng cho hay: “Tôi hoàn toàn ủng hộ về việc thu hồi danh hiệu khi có phát sinh tiêu cực ảnh hưởng đến sự cao qúy của danh hiệu. Bởi khi người nghệ sĩ nhận danh hiệu NSND, NSƯT, ngoài việc đóng góp lớn cho nghề nghiệp của mình hay giải thưởng để công chúng ghi nhận,còn là phong cách, lối sống của người NSND, NSƯT đó. Nếu người NSND, NSƯT vi phạm, sai phạm và phải xử lý việc tước bỏ là hoàn toàn đúng. Tôi nghĩ việc bổ sung quy định này trong Nghị định cũng là cách để nhắc nhở người khi nghệ sĩ khi được phong danh hiệu, ngoài việc cống hiến về chuyên môn cần có trách nhiệm sống đúng chuẩn mực đạo đức có ý thức hơn với cộng đồng, với xã hội”.

Theo NSND Hoàng Dũng, trong tiền lệ cũng chưa từng có nghệ sĩ nào được phong tặng danh hiệu vì vi phạm, sai phạm bị xử lý hình sự mà phải thu hồi danh hiệu NSND, NSƯT.

Trên thực tế những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu mà có những ồn ào liên quan đến đạo đức, đời tư bị khán giả chê trách. Vào tháng 9/2013, việc NSƯT Kim Tử Long bị khởi tố về tội đánh bạc khiến nhiều người chú ý. Theo đó, 22/7/2014, TAND tỉnh Vĩnh Long đã đưa xét xử phúc thẩm vụ án đánh bạc có liên quan đến nghệ sĩ Kim Tử Long. Theo Hội đồng xét xử, do nghệ sĩ này có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương, xứng đáng được hưởng khoan hồng theo Điều 54 Bộ luật Hình sự, đồng thời Viện KSND giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng đã rút một phần kháng nghị, nên Hội đồng xét xử đã chấp nhận cho NSƯT Kim Tử Long được miễn hình phạt, phạt tiền 30 triệu đồng. Thời gian NSƯT Kim Tử Long bị khởi tố, nhiều khán giả cho rằng, cần tước danh hiệu của nghệ sĩ này, bởi hình ảnh của anh bị ảnh hưởng trầm trọng, anh không còn xứng đáng để nhận danh hiệu cao quý này.

Vào tháng 7/2019, NSƯT Kiều Thanh làm dư luận dậy sóng khi thừa nhận là người thứ 3 trong một cuộc tình. Nữ diễn viên còn tuyên bố bằng việc “muốn là người tiên phong phá bỏ định kiến về người thứ 3 là xấu”. Trước những phát ngôn này, một bộ phận công chúng rất bức xúc cho rằng cô vi phạm Luật hôn nhân gia đình và đòi cơ quan quản lý cần thu hồi danh hiệu NSƯT của cô.

Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng bộ VH,TT&DL cho biết, Bộ chưa nhận được văn bản nào đề nghị tước danh hiệu của nữ diễn viên nên không thể tước được. “Nếu nghệ sĩ đang trong quá trình xét tặng mà vi phạm luật pháp sẽ dừng ngay việc xét tặng ngay, nhưng danh hiệu NSƯT trao cho Kiều Thanh từ năm 2015. Nếu nghệ sĩ này bị xử lý và có văn bản của các cơ quan chức năng gửi đến, chúng tôi xử lí theo đúng pháp luật” – ông Bình chia sẻ.

Về nội dung này, trao đổi với PV ĐS&PL, NSND Lan Hương bày tỏ:: “Không phải ai cũng đạt được danh hiệu cao quý, vì thế khi có danh hiệu rồi, người nghệ sĩ cần phải trau dồi nghiệp vụ, đạo đức để mình hoàn thiện hơn. Nếu họ vi phạm pháp luật, có tác động xấu, ảnh hưởng đến cộng đồng thì nên tước danh hiệu để không có việc con sâu làm rầu nồi canh. Đơn vị nào trao, hội đồng thẩm định nào trao thì nơi đó tước danh hiệu. Nếu nghệ sĩ được trao lâu rồi, thì bộ VH,TT&DL sẽ có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định lâm thời để giải quyết việc này”.

Có nên bỏ việc trao danh hiệu?

Luật sư Phạm Ngọc Hà (Văn phòng Luật sư Hà Phạm) cho hay: “Nghị định 89/2014/NĐ-CP xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú có quy định rất rõ ràng. Cơ quan quản lý sẽ thu hồi danh hiệu khi có quyết định của toà án và quyết định đó nếu là phạt tù thì sẽ bị tước danh hiệu. Còn nếu các nghệ sĩ chưa vi phạm đến mức xử lý hình sự, đi tù thì đơn vị quản lý sẽ xem xét, tuỳ mức độ vi phạm mà xử lý như nhắc nhở hay cảnh cáo. Ví dụ như có NSƯT mà vi phạm Luật hôn nhân gia đình, đơn vị quản lý nghệ sĩ đó sẽ có trách nhiệm báo cáo cấp trên để có những hình thức nhắc nhở phù hợp. Việc có ý kiến cho rằng nên bỏ việc trao danh hiệu này đi là không cần thiết, bởi việc trao danh hiệu là của cơ quan Nhà nước, nó cần có trong Luật thi đua, khen thưởng. Nếu không muốn nhận danh hiệu nghệ sĩ không cần làm hồ sơ gửi lên cấp trên”.

tranh cai ve viec quy doi giai thuong va y kien can thu hoi danh hieu khi nghe si vi pham phap luat Kylie Jenner bị tước danh hiệu tỷ phú
tranh cai ve viec quy doi giai thuong va y kien can thu hoi danh hieu khi nghe si vi pham phap luat Đỗ Hùng Dũng: Tôi bất ngờ với danh hiệu Quả bóng vàng
tranh cai ve viec quy doi giai thuong va y kien can thu hoi danh hieu khi nghe si vi pham phap luat CĐV Việt Nam và Thái Lan "khẩu chiến" vì danh hiệu "Vua bóng đá Đông Nam Á"
/ www.doisongphapluat.com