Trại hè cho thiếu nhi: Cần làm sáng những góc tối:Bài cuối: Lấp khoảng trống pháp lý

Không thể phủ nhận việc các đơn vị đứng ra tổ chức các khóa học mùa hè mang đến nhiều trải nghiệm tích cực cho trẻ. Tuy nhiên, đằng sau đó không thiếu những câu chuyện bất ổn, lộn xộn, trong khi hành lang pháp lý cho việc giám sát, quản lý các khóa học mùa hè còn quá nhiều khoảng trống.

Đã đến lúc cần chấm dứt tình trạng trại hè tự phát để các khóa học mùa hè thực sự là một học kỳ thứ 3 vui - khỏe - bổ ích cho trẻ.

trai-he.jpg
Một học sinh có những biểu hiện bất ổn về sức khỏe và tinh thần phải đến khám tại bệnh viện.

Xây dựng tiêu chí cho từng mô hình

Thực tế đã chứng minh, sau mỗi kỳ nghỉ hè, bên cạnh những trẻ được trải qua những khóa học lý thú thì cũng có không ít bạn nhỏ bị “sang chấn” với hai chữ “trại hè” hay “khóa tu”. Nếu điều kiện về cơ sở vật chất, yêu cầu dinh dưỡng, vệ sinh… không bảo đảm đã khiến trẻ sợ hãi thì chính cách ứng xử của những người quản lý, hướng dẫn ở trại hè càng thực sự để lại những ám ảnh tâm lý.

Chị Diệu Hương (ở phường Đại Mỗ) chia sẻ, con chị từng tham gia một tuần khóa tu mùa hè ở địa chỉ khá có tiếng, thế nhưng, khi cháu tham gia lần thứ 2 thì giữa chừng bị ốm. Vậy nhưng, ban tổ chức chỉ cho cháu uống hạ sốt và không thông báo về gia đình. Khi hết khóa, gia đình đến đón con mới biết sự tình, còn con thì tủi thân khóc vì mệt, nhớ nhà, và đau đầu vì “con sốt mà cô trông con cứ ngồi bên cạnh niệm kinh cả ngày".

Có thể thấy, các khóa học mùa hè hiện rất đa dạng, nhưng hầu hết đều hoạt động như một dịch vụ thương mại thuần túy chứ không dựa trên một khung pháp lý thống nhất được nghiên cứu nhằm bảo đảm lợi ích của trẻ. Nhiều trại hè phát triển tự phát, chương trình được xây dựng mang tính vui chơi là chính, không cân bằng giữa hoạt động thể chất và tinh thần, không giáo dục kỹ năng sống đúng cách. Đội ngũ giảng dạy ở nhiều trại hè chưa qua huấn luyện kỹ năng sư phạm hoặc chăm sóc trẻ, đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống bất thường, sự cố phát sinh. Hầu hết các trại hè thiếu hệ thống đánh giá rủi ro, sơ cứu, bảo hiểm cũng như thiếu kiểm định y tế về vệ sinh, về an toàn dinh dưỡng.

Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, cho biết: “Với trẻ bậc tiểu học, trung học cơ sở là độ tuổi tò mò, khám phá, mong muốn trải nghiệm, hòa nhập với bạn bè thì trải nghiệm dù chỉ là một ngày cũng hữu ích, một khóa học 7-10 ngày lại càng tốt hơn. Vấn đề là những người tổ chức thực hiện, cung cấp dịch vụ này phải có đủ kiến thức, kỹ năng để thiết kế chương trình sao cho thực sự khoa học, đáp ứng được nhu cầu của trẻ em, của phụ huynh. Quá trình tổ chức trại hè phải liên tục có sự cập nhật kiến thức, có sự thay đổi dựa trên việc luôn coi trẻ em là trung tâm; cần thường xuyên tìm hiểu, đánh giá nhu cầu và sự mong đợi của các em để thiết kế chương trình phù hợp”.

Chung quan điểm trên, nhiều chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, có thể coi hoạt động trại hè như một học kỳ thứ 3, nhưng là một học kỳ đặc biệt, nhằm tăng các cơ hội trải nghiệm thực tế cho trẻ, giúp trẻ phát triển được những kỹ năng có thể bổ sung cho việc học tập, phát triển thể chất. Do đó, cần xây dựng một khung tiêu chí với từng mô hình trại hè, với các yêu cầu về kiểm định cơ sở vật chất, bảo hiểm, y tế trực trại, quy trình ứng phó rủi ro, tỷ lệ người lớn/trẻ hợp lý theo từng độ tuổi; mục tiêu giáo dục của từng chương trình trại hè; thực đơn theo khuyến nghị của chuyên gia dinh dưỡng, lưu mẫu thức ăn; các chứng chỉ đào tạo cho đội ngũ nhân sự làm việc tại trại hè…

Cần cơ chế quản lý, giám sát

Các khóa học mùa hè hầu hết là hoạt động giáo dục trải nghiệm ngoài nhà trường, nhưng hiện mới chỉ có Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo là văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Tuy nhiên, các điều kiện trong quy định còn chung chung, trong khi mô hình trại hè hiện vô cùng đa dạng.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, mặc dù ngành Giáo dục có quy định đối với các trung tâm cung cấp hoạt động giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa do sở giáo dục và đào tạo thẩm định, cấp phép, giám sát trực tiếp, nhưng trên thực tế có rất nhiều trung tâm đăng ký kinh doanh dưới hình thức “dịch vụ giáo dục kỹ năng”, “tour trải nghiệm”, hoặc hoạt động đoàn thể - mỗi loại thuộc vào sự quản lý của các cơ quan khác nhau. Đơn vị cấp phép có thể là các hiệp hội nghề nghiệp, văn hóa, khoa học công nghệ, đoàn thể, nhưng không có đầu mối phối hợp nhất quán và họ cũng không thực hiện trách nhiệm giám sát, thẩm định chất lượng. Ngoài ra, nhiều cơ sở lách luật bằng cách thuê địa điểm du lịch hoặc tổ chức dưới tên cá nhân.

“Tôi cho rằng, vai trò giám sát hiện nay đang bị phân tán và buông lỏng. Nhiều cơ quan thậm chí còn không ý thức được hết trách nhiệm giám sát của mình. Ví dụ như ngành Giáo dục thường chỉ tập trung quản lý hoạt động hè trong nhà trường, do nhà trường đầu mối phối hợp. Tổ chức Đoàn - Đội thì triển khai sinh hoạt hè nhưng cán bộ thiếu kiến thức về hoạt động giáo dục, không kiểm soát được mô hình, thường đi thiên về bề nổi phong trào chứ không sâu sắc về giáo dục. Ngành Y tế thì chỉ quan tâm đến việc kiểm tra định kỳ an toàn thực phẩm (được báo trước) chứ không ngẫu nhiên và đại diện. Chính quyền địa phương cũng quá tải và thiếu quy trình nhất quán phối hợp liên ngành để kiểm soát các nhóm tổ chức trại hè không đăng ký. Kết quả là nhiều trại hè hoạt động “ngoài luồng”, không có hồ sơ đăng ký, không có cam kết chất lượng, tiếp thị online vẫn được tổ chức, dẫn đến những sự việc đau lòng”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Theo HNMO