Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đề xuất 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo dự thảo Nghị quyết về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại TP.
- Cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định, có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
- Trẻ em đang học tại các cơ sở mầm non dân lập, tư thục có cha, mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đổng lao động theo quy định.
- Giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục.
Theo đề xuất, cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục theo đúng quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần, gồm: trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT và hỗ trợ kinh phí sữa chữa cơ sở vật chất để phục vụ việc chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Mức hỗ trợ bình quân là 34.700.000 đồng/ cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
Chính sách trợ cấp với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp: 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, không quá 9 tháng/năm học.
Giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng. Số lượng giáo viên trong cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục được hưởng hỗ trợ tính theo định mức quy định đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập hiện hành. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học.
Mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thoả thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non với giáo viên và không dùng tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành.
PV (th)