Dù được “quảng cáo” khá rầm rộ nhưng với đặc thù phân phối, kinh doanh nhiều tầng nấc và đa dạng vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc mà TP.HCM đang áp dụng chưa đáp ứng đủ lòng tin của người dùng, nhất là khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang hoành hành.
Lòng tin vẫn “chơi vơi”
Hơn một tháng nay, thông tin DTLCP bùng phát ở nhiều tỉnh phía Nam khiến chị Nguyễn Thị Hà (ngụ quận 6, TP.HCM) có tâm lý e ngại khi chọn mua thịt lợn cho gia đình. Để yên tâm, chị chọn cách mua thịt ở những hệ thống phân phối hiện đại, có dán tem truy xuất nguồn gốc. Thỉnh thoảng chị cũng dùng điện thoại để quét mã QR code, kiểm tra thông tin sản phẩm.
Trên thực tế, chỉ có một số sản phẩm đóng gói sẵn mới được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, thịt lợn khỏe an toàn sẽ có màu đỏ tự nhiên, mỡ sáng, độ đàn hồi khi dùng tay nhấn vào miếng thịt tốt, không bị nhão, không bị rỉ nước.
Người dân nên mua thịt lợn được chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ ở những địa chỉ uy tín như siêu thị, cửa hàng chuyên cung cấp thịt sạch.
Đồng thời nên tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh hay các loại thực phẩm từ thịt lợn chưa được chế biến kỹ.
Khi chế biến thịt lợn, người tiêu dùng cần rửa thịt bằng nước muối loãng trước khi nấu, không nên chế biến thịt chín tái.
Thế nhưng tuần trước, khi dùng phần mềm quét mã TEFOOD dán trên một gói thịt lợn mua ở cửa hàng tiện lợi gần nhà, chị Hà chỉ nhận được thông báo về mã QR và 2 lựa chọn là copy mã hoặc thoát ứng dụng chứ không hiện lên thông tin nguồn gốc xuất xứ, ngày giờ giết mổ… như trước.
Theo quan sát của phóng viên, dù được quảng cáo là tất cả sản phẩm thịt lợn phân phối tại hệ thống đều được gắn mã QR code, tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có một số sản phẩm đóng gói sẵn mới được dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn đối với những lô thịt “xá” khác, bán theo kiểu để người mua chọn lựa rồi nhân viên bán hàng mới cân, đóng gói tại chỗ thì không có tem truy xuất.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM thừa nhận, dù thành phố đang rất nỗ lực thực hiện chương trình đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay.
“Nguyên nhân là do hệ thống phân phối đi qua nhiều tầng nấc. Bên cạnh kênh phân phối hiện đại, chợ truyền thống vẫn là nơi tiêu thụ một lượng lớn thịt lợn. Nhưng khi một con lợn được xẻ thành nhiều mảnh, nhiều phần khác nhau cho đủ loại nhu cầu thì một cái vòng đeo chân là không đủ” – bà Lan nói.
Vòng truy xuất rất dễ “rơi rớt”
Theo Ban quản lý ATTP TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều cơ sở giết mổ, từ thủ công, bán hiện đại đến hiện đại. Các lò mổ này phần lớn nhận nguồn lợn từ các địa phương giết mổ, sau đó cung cấp ra các các chợ truyền thống. Từ chợ sỉ, thịt ra chợ lẻ lại chia thành nhiều phần nhỏ khác nhau. Việc truy xuất nguồn gốc vì thế chưa phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh chương trình truy xuất nguồn gốc do TP.HCM chủ trì, hiện một số doanh nghiệp còn có các biện pháp riêng của mình. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo bà Phong Lan, nguồn thịt lợn ở chợ đầu mối, sau khi pha lóc và đưa về các quầy sạp ở chợ truyền thống thì phần nhiều mất vòng, hoặc không có tem truy xuất nguồn gốc… “Ngành chăn nuôi cần sớm hướng tới quy trình khép kín rộng rãi để đảm bảo mức độ tin tưởng cao nhất cho người dùng” - bà Lan nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Quyết – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ thì cho rằng, việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho đến nay vẫn chưa phát huy được tác dụng như mong muốn. Nguyên nhân là do việc quản lý vẫn chỉ mới áp dụng ở khâu giết mổ, phân phối, trong khi vấn đề liên kết sản xuất, từ con giống, thức ăn đến quy trình chăm sóc, phòng chống dịch bệnh thì chưa được quan tâm đúng mức.
“Muốn truy xuất phải đẩy mạnh liên kết chuỗi để khi phát hiện sai phạm thì căn cứ vào các khâu liên kết trong chuỗi mà có hình thức xử phạt đúng người đúng tội, đồng thời có thể xử lý tận gốc của vấn đề” - ông Quyết đề xuất.
Để khắc phục các vấn đề trên, hiện một số doanh nghiệp giết mổ, phân phối thịt lợn tại TP.HCM có các biện pháp riêng. Như tại Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), bên cạnh chương trình truy xuất nguồn gốc Te-food mà thành phố đang áp dụng, Vissan áp dụng hệ thống nhận diện nguồn gốc của riêng mình. Mỗi mảnh lợn đều được đeo vòng truy xuất nguồn gốc ở 2 chân. Cùng với vòng đeo chân, hệ thống tem chứa dữ liệu đều được dán trên các khay chứa từng phần thịt riêng, được kích hoạt dữ liệu tại đơn vị phân phối.
Thịt lợn mảnh từ Vissan khi đưa về các siêu thị lại tiếp tục được đội ngũ quản lý đánh giá chất lượng một lần nữa trước khi đưa vào pha lóc để thương mại. Thịt lợn được phân ra từng loại với đầy đủ thông tin dữ liệu truy xuất nguồn gốc để khách hàng dễ chọn lựa.
Cấp đông thịt heo giữa tâm bão dịch Giá thịt heo đang rất thấp và khó bán. Ngành chức năng lo ngại sắp tới sẽ thiếu nguồn cung, không có thịt để bán |
Nhiều trang trại nuôi heo sạch cho biết, một tuần nay thương lái liên tục hỏi mua heo và đến đặt cọc tận chuồng. |