TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trông chờ tuyến vành đai 3

Trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, TP Hồ Chí Minh xác định vành đai 3 là đường liên vùng nhằm phát huy hiệu quả các tuyến đường hướng tâm, từ đó tách dòng xe không đi qua nội đô, phát triển không gian đô thị mới…

Đường vành đai 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ tháng 9/2011, nhưng hơn 10 năm qua, tuyến đường này vẫn chưa được đầu tư xây dựng khép kín. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đang có điểm nghẽn do sự phát triển của hệ thống giao thông vận tải chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chi phí logistic cao, tình trạng ùng tắc giao thông tại các đô thị, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Những điểm nghẽn về kết nối, cơ sở hạ tầng giao thông của Vùng đã được cảnh báo từ nhiều năm qua. Trong khi đó, đến nay mức độ chuyển biến chưa tương xứng như kỳ vọng.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận, hiện các đô thị tại vùng Đông Nam bộ đều đã hình thành nhưng vẫn chưa gắn kết được vì không có giao thông kết nối dẫn đến đô thị không phát triển.

Tắc nghẽn giao thông ảnh hưởng rất lớn và khiến các doanh nghiệp đang phải tốn chi phí logistics cao hơn mức bình thường. Chi phí vận chuyển hàng từ cảng Thị Vải - Cái Mép về tỉnh Tây Ninh còn cao hơn chi phí đưa hàng từ Trung Quốc về cảng Cái Mép. Vì vậy việc hoàn thiện tuyến vành đai 3 chính sẽ là giải pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong khu vực.

Phó GS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đánh giá kinh tế vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng chậm là do hạn chế của hạ tầng giao thông. Đường vành đai 3 khi đưa vào sử dụng sẽ giúp nâng cao hiệu quả đô thị cho TP Hồ Chí Minh và các địa phương tuyến đường đi qua.

Hiện các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây mới chỉ được khai thác giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, các tuyến quốc lộ hướng tâm như quốc lộ 22, quốc lộ 13, quốc lộ 1 đều đã quá tải, đặc biệt vào khung giờ cao điểm ở các cửa ngõ của thành phố. Áp lực giao thông càng gia tăng khi thời gian tới Sân bay Long Thành sẽ hoàn thành, khai thác giai đoạn 1 vào năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách/năm.

Tiếp đó, Sân bay Tân Sơn Nhất cũng được đầu tư nâng cấp để khai thác với công suất 50 triệu hành khách/năm vào năm 2024, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe được đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2023, kết hợp với việc gia tăng dân số cơ học của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống hạ tầng giao thông đang quá tải, nguy cơ cao về ùn tắc giao thông.

TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trông chờ tuyến vành đai 3 -0
Áp lực giao thông trên một tuyến đường trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng theo quy hoạch, thành phố có 3 tuyến đường vành đai 2, 3 và 4 với tổng chiều dài khoảng 356km. Nhưng đến nay thành phố mới chỉ đưa vào khai thác được khoảng 71km, trong đó đường Vành đai 2 khoảng 55km và vành đai 3 khoảng 16km.

Riêng tuyến vành đai 4 còn đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị dự án, chưa được đầu tư xây dựng. Việc đầu tư thiếu đồng bộ hệ thống đường Vành đai TP Hồ Chí Minh như hiện nay đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài ra, đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ kết nối các đô thị vệ tinh của thành phố với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và hành lang xuyên Á nhằm phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng. Đường vành đai 3 cũng kết nối trực tiếp với cảng cạn (ICD) Long Bình, ICD Củ Chi, ICD Khu công nghệ cao cũng như ICD An Sơn của tỉnh Bình Dương.

Qua đó giúp giảm chi phí logistics, giảm chi phí vận tải và thời gian lưu thông của hành khách và hàng hóa trong khu vực, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu từ các khu chế xuất, khu công nghiệp đến các ICD, cảng thủy nội địa kết nối với hệ thống cảng biển TP Hồ Chí Minh để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và thu hút các nhà đầu tư.

Từ đó tạo xung lực rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những khu vực tuyến đường đi qua và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, đường vành đai 3 là cao tốc liên vùng, là điểm đầu của các tuyến cao tốc hướng tâm kết nối TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc đầu tư khép kín đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là điều kiện cần để đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm, hình thành hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó mở ra hướng mới về phát triển cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch của Đồng Nai, khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Long An, khu đô thị Tây Bắc Củ Chi và phát triển TP Thủ Đức của TP Hồ Chí Minh, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Tuyến vành đai 3 cũng mở ra điều kiện phát triển các khu vực nông thôn như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh của TP Hồ Chí Minh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tuyến đường hình thành cũng là điều kiện quan trọng để phát triển các khu đô thị, công nghiệp đã quy hoạch từ lâu nhưng chưa có sự phát triển đột phá; hình thành các quỹ đất lớn để khai thác phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Giúp điều tiết phân bố dân cư, giảm áp lực của khu vực nội đô TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực đều đang trông chờ việc khởi công xây dựng tuyến đường này.

https://cand.com.vn/Giao-thong/tp-ho-chi-minh-va-cac-tinh-lan-can-trong-cho-tuyen-vanh-dai-3-i655215/

Đ.Thắng / cand.com.vn