- HĐND TP.HCM thông qua dự án đường Vành đai 3 gần 24.000 tỷ đồng
- Hà Nội làm rõ cơ chế huy động gần 86.000 tỷ đồng đầu tư dự án đường Vành đai 4- vùng Thủ đô
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, trong khi đó tuyến Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sơ bộ khoảng 75.378 tỷ đồng.
Lo ngại tốc độ khai thác chỉ đạt trung bình hoặc thấp
Chiều 12/5, Uỷ ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Theo Tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, việc đầu tư hoàn thành dự án quan trọng quốc gia đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội là hết sức cần thiết và cấp bách, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TP Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành liên quan trong vùng Thủ đô Hà Nội và của cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong Vùng, phù hợp với Quy hoạch giao thông quốc gia; đồng thời, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị, giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu...
Thẩm tra hồ sơ Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, Tờ trình đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Tuy nhiên, Thường trực UBKT nhận thấy, Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, trong đó sử dụng 56.403 tỷ đồng vốn đầu tư công và 29.410 tỷ đồng vốn BOT. Do đó, hình thức đầu tư của dự án phải là dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện hồ sơ Dự án.
Về tốc độ thiết kế, theo Tờ trình, dự án thành phần 3 có vận tốc thiết kế 100 - 120km/h. Có ý kiến cho rằng, dự án có nhiều nút giao liên thông, lưu lượng rất lớn. Các tuyến cao tốc được thiết kế theo vận tốc 100 - 120km/h, song thực tế tốc độ khai thác chỉ đạt trung bình hoặc thấp như: Tuyến Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ đạt khoảng 80 - 90km/h; vành đai 3 Hà Nội chỉ đạt khoảng 60km/h. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc đầu tư theo thực tế khai thác để tiết giảm tổng mức đầu tư.
Về một số ý kiến cho rằng dự án sẽ khó bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2025, Thường trực UBKT đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu đang tăng cao để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.
Cân nhắc việc nâng công suất khai thác cát, sỏi lòng sông
Đối với dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng (vốn đầu tư công); áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt cho dự án cần được Quốc hội quyết định. Do đó, UBKT khẳng định, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án là phù hợp với quy định của pháp luật.
Về nguồn vốn, ngân sách Trung ương bố trí 38.741 tỷ đồng (TP Hồ Chí Minh: 24.011 tỷ đồng, Đồng Nai: 1.934 tỷ đồng, Bình Dương: 9.640 tỷ đồng, Long An: 3.156 tỷ đồng). Ngân sách địa phương bố trí 36.637 tỷ đồng (TP Hồ Chí Minh: 24.011 tỷ đồng, Đồng Nai: 1.934 tỷ đồng. Bình Dương: 9.640 tỷ đồng, Long An: 1.052 tỷ đồng).
Thường trực UBKT cho rằng, việc Chính phủ dự kiến nguồn lực ngân sách Trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và việc dự kiến tiếp tục bố trí từ nguồn chưa phân bổ trong phạm vi tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm cơ bản hoàn thành dự án là phù hợp.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi UBTVQH, các dự án cần thiết, cấp bách của các địa phương khác còn nhiều và có thể bố trí vốn để triển khai, giải ngân ngay nên cần cân đối nguồn vốn để vừa tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhưng cũng giải quyết các vấn đề cấp bách của các địa phương khác từ nguồn ngân sách Trung ương chưa phân bổ chi tiết.
"Đề nghị Chính phủ sớm trình danh mục đầu tư từ nguồn chưa phân bổ làm cơ sở phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho các dự án quan trọng quốc gia", Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh nêu.
Về tốc độ thiết kế theo Tờ trình là 80 km/h và phương án này được đánh giá là phù hợp với quy mô, thực tiễn khai thác và tối ưu tổng mức đầu tư cho dự án. Một số ý kiến cũng lo ngại dự án khó bảo đảm tiến độ hoàn thành trong năm 2025, do vậy, Thường trực UBKT đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực.
Về đề xuất UBND cấp tỉnh được phép quyết định cho phép nâng công suất khai thác các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác lên không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác, không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường, Thường trực Chủ nhiệm UBKT đề nghị cần làm rõ hơn sự cần thiết và đánh giá tác động của các đề xuất này.
"Việc không lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường có thể sẽ gây ra những hậu quả không thể lường trước được, nhất là việc khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông, dễ dẫn đến sạt lở bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân", Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh lưu ý.