‘Tốt’ và ‘tuyệt vời’

Mẹ tôi vui sướng đi nhận giấy chủ quyền đất sau thời gian dài chờ đợi, và phát hiện giới tính của mình đã bị chuyển từ “bà” sang “ông”.

Mảnh đất nhỏ ở ngoại thành Hà Nội là nơi mẹ lo công việc kinh doanh sau khi bố tôi mất. Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sau một đêm mất ngủ, mẹ ra ủy ban xã trình bày, hy vọng chính quyền sẽ mau khắc phục. Nào ngờ, anh cán bộ xã không nhận lỗi mà còn ý nhị gửi thông điệp "có ba trăm lạng việc này mới xuôi".

"Chúng tôi ghi nhận nhưng việc cấp lại sổ đỏ là rất khó, có thể nói là hầu như không thể", anh nói. Mẹ ngậm ngùi về, vừa ấm ức vừa bất lực. Để giúp mẹ, các thành viên trong nhà ba lần bảy lượt đi cùng lên xã với hy vọng gây thêm "sức ép". Nhưng chẳng thay đổi được gì, xã nói lên huyện, huyện nói lên tỉnh, lòng vòng mấy năm trời. Sau cùng mẹ tôi mặc kệ, nói lúc nào bán đất, muốn ra sao thì ra. Đúng thế thật. Người mua lại mảnh đất là một người trong xã. Anh ta tự tin: "Ôi giời, việc nhỏ. Sai thế chứ sai nữa em cũng lo được".

Tháng trước, công ty khách hàng đề nghị chúng tôi cải thiện bộ nhận dạng thương hiệu. Trước đó, họ chỉ lấy ảnh trên mạng rồi ghép logo vào, chưa kể các nội dung tiếng Anh đều nhờ Google dịch "sản xuất". Tôi chau chuốt lại từng mẫu thư chào hàng, từng tờ rơi quảng cáo, vui mừng vì công ty nhận được nhiều phản hồi tích cực về bộ nhận dạng thương hiệu mới. Nhưng một tối muộn, lúc đang chuẩn bị xem bộ phim yêu thích, tôi nhận được một tin nhắn. Công ty vừa nhận được thư của Akihiko, một đối tác ở Tokyo. Ông phát hiện trên trang web chúng tôi mới làm một tấm ảnh, cỡ bao diêm, cho thấy một kiện hàng đóng gói sai quy cách. "Thay giúp tôi tấm hình này nhé. Người Nhật soi rất kỹ. Nếu thấy tấm ảnh này, họ sẽ không muốn làm việc với công ty bạn nữa", Akihiko nhắn.

Tôi hơi xấu hổ vì sơ suất của mình. Trong suốt quá trình dựng trang web, tôi luôn cẩn thận từng chi tiết: tóc người công nhân gọn gàng không, sàn nhà liệu có vết bẩn, hàng cây có chiếc lá nào héo. Vậy mà vẫn để lọt một tấm hình với kiện hàng bị phồng ở mép. Tôi chưa từng đi Nhật, song từng rất ấn tượng với khẩu hiệu của chuỗi cửa hàng Nhật gần nhà: "Chúng tôi luôn đủ tiền lẻ để trả bạn". Akihiko bỗng trở thành một đại sứ không thể tuyệt vời hơn về đức tính tỉ mỉ và sự tận tâm của người Nhật vốn được truyền tụng bấy lâu.

Thuở nhỏ, tôi may mắn được chứng kiến cách làm việc chỉn chu của ông nội, nhà văn Bùi Hiển. Ông thường căn dặn khi in sách: "Nhớ chú ý khâu chữa bản in, đừng để sai sót, ba rất không thích bản đính chính". Bản thảo truyện "Cái bóng - cọc", truyện ngắn gây sóng gió cho ông khi ra mắt năm 1979 có đề dẫn: "Làm sao cho, trong mỗi người, ý thức trách nhiệm ăn sâu vào máu thịt như một cái gì thường xuyên và tự giác, trong mọi việc lớn nhỏ". Khi đó, vì miêu tả anh chàng chăm chú tập dưỡng sinh như một cái bóng cọc, nhưng tảng lờ vòi nước công cộng đang chảy xối xả gần bên, ông tôi bị đánh giá "lập trường có vấn đề". Một số ý kiến suy diễn rằng cái bóng - cọc là cái "bóng - cột", không phải cột thường mà ám chỉ trụ cột quốc gia. Và cái vòi nước là việc nước, vận nước.

Khi trưởng thành, tôi cũng không lạ với cung cách để ý từng chi tiết nhờ nhiều năm làm việc tại các tổ chức chuyên nghiệp. Tổng giám đốc sẵn sàng gọi điện thoại từ Anh về nhờ tôi sửa bài thuyết trình khi phát hiện một từ viết hoa chưa đúng. Mỗi lần lên chương trình đón khách, đội tiền trạm được yêu cầu đi từ văn phòng tới sân bay vào khung giờ cao điểm và thấp điểm để tính toán thật chuẩn xác thời gian đưa đón. Việc đặt ra tiêu chuẩn cao trong từng việc lớn nhỏ thực sự truyền cảm hứng cho tôi. Nhưng tôi cũng hiểu với nhiều người, cuộc chơi hướng tới sự hoàn hảo này không hề thú vị, trái lại có khi trở thành áp lực bởi sự xuề xòa, đại khái đã ăn sâu vào thói quen của chúng ta bấy lâu nay.

Các nhà quản lý doanh nghiệp thường truyền tụng câu nói kinh điển của Charles R. Swindoll, nhà giáo dục người Mỹ: sự khác biệt giữa "tốt" và "tuyệt vời" là sự chú ý đến từng chi tiết. Triết lý này được áp dụng để khuyến khích nhân viên tạo ra sản phẩm và dịch vụ vượt trội. Nhưng nếu như sự qua loa đại khái của doanh nghiệp chỉ làm họ mất đi khách hàng và thương hiệu, sự cẩu thả của nhà chức trách gây ra những thiệt hại và hệ lụy lớn hơn nhiều, như sự cố "sổ đỏ" của mẹ tôi nhiều năm trước.

Thật khó để biện minh cho những sự việc hy hữu như hàng chục tên đường ở TP HCM bị đặt sai, hơn 600 cột điện ở miền trung bị gãy, đổ hoặc liên khúc đường ống nước sông Đà ở Hà Nội bị vỡ, đường vừa xây đã sụt lút..., hậu quả của lối làm việc tắc trách, cẩu thả của nhiều con người, cơ quan. Nhưng cũng bởi quan niệm "chín bỏ làm mười" mà phần đông chúng ta, kể cả những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các sự cố, cũng tặc lưỡi "nước mình nó thế".

Báo chí cũng nỗ lực đặt vấn đề nhưng công chúng chỉ nhận được những lời bao biện kiểu "tại người đánh máy" hoặc "cột điện đổ do cây xanh ngã vào". Rốt cuộc, ngoài trút bực lên bàn phím hoặc kêu ca trên mạng xã hội, chúng ta đành chấp nhận việc vắng bóng hoàn toàn các yêu cầu pháp lý nhằm làm rõ thiệt hại tinh thần và vật chất gây ra bởi các cá nhân, cơ quan liên đới.

Ở góc độ cá nhân, hình thành thói quen "khó tính" trong từng công việc, trong mỗi chi tiết đòi hỏi sự tận tâm, chu đáo và ý thức trách nhiệm. Ở góc độ quản lý nhà nước, trông chờ các tấm gương "người tốt việc tốt" tự nhiên xuất hiện có vẻ như chơi trò may rủi. Sự tận tụy của bộ máy công quyền chỉ được cải thiện nếu kèm theo trách nhiệm giải trình và các biện pháp chế tài được cụ thể hóa.

Chỉ khi nào, những việc dù bị coi là nhỏ song gây phiền toái và làm mất lòng dân, làm mất thời gian và tiền bạc của nhân dân cũng có thể khiến những cán bộ nghiệp dư "mất ghế", chúng ta mới mong có được văn hóa chăm lo từng tiểu tiết - như phẩm chất đã trở thành "thương hiệu quốc gia" của người Nhật.

Cẩm Hà

Sức dân Sức dân
Mỹ trừng phạt công ty Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông: Đòn quyết liệt từ chính quyền Trump Mỹ trừng phạt công ty Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông: Đòn quyết liệt từ chính quyền Trump
Chính quyền ra hỏa tốc đề nghị điều tra vụ kẻ ác chặt 400 cây ăn trái Chính quyền ra hỏa tốc đề nghị điều tra vụ kẻ ác chặt 400 cây ăn trái
/ vnexpress.net