- Tổng thống Sri Lanka tháo chạy bằng máy bay quân sự
- Sri Lanka chờ đợi tia hi vọng vượt qua bất ổn
- Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ, cảnh báo lạm phát có thể lên tới 40%
Chính phủ Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia không lâu sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời đất nước để tới Maldives.
"Thủ tướng, với vai trò là quyền tổng thống đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và áp lệnh giới nghiêm ở tỉnh Miền Tây", Dinouk Colombage, người phát ngôn của Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe.
Thủ tướng Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghe hiện đảm nhận cương vị quyền Tổng thống.
Để đối phó với tình trạng biểu tình có xu hướng gia tăng, chính phủ Sri Lanka áp lệnh giới nghiêm vô thời hạn với tỉnh Miền Tây, bao gồm cả thủ đô Colombo.
"Có những cuộc biểu tình đang diễn ra bên ngoài văn phòng thủ tướng ở Colombo. Chúng tôi cần áp lệnh giới nghiêm để kiềm chế tình hình", Reuters dẫn lời quan chức cấp cao của Sri Lanka cho hay.
Tình trạng khẩn cấp được ban bố không lâu sau khi quân đội Sri Lanka xác nhận Tổng thống Rajapaksa cùng vợ và hai vệ sĩ lên máy bay quân sự An-32 rời đất nước và tới thủ đô Male của nước láng giềng Maldives sáng 13/7.
Trước đó, vị tổng thống 73 tuổi cam kết sẽ từ chức vào 13/7 để mở đường "chuyển giao quyền lực hòa bình" sau khi các cuộc biểu tình chống lại ông lan rộng.
Với tư cách là tổng thống, ông Rajapaksa được hưởng quyền miễn trừ truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông được cho là muốn ra nước ngoài trước khi từ chức để tránh cảnh bị bắt giam.
Một nguồn tin chính phủ và một người thân cận với ông Rajapaksa tiết lộ Tổng thống Sri Lanka đang ở Male, thủ đô Maldives. Không loại trừ khả năng ông Rajapaksa sẽ tới một quốc gia châu Á khác từ Maldives.
Các thành viên chủ chốt của đảng Nhân dân Sri Lanka (SLPP) cầm quyền được cho là đã nhóm họp tối 12/7 và nhất trí cao rằng ông Wickremesinghe sẽ thay thế Tổng thống Rajapaksa sau khi ông này từ chức. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena cho biết hiện vẫn chưa nhận được đơn từ chức của Tổng thống Rajapaksa.
Quốc hội Sri Lanka dự kiến sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 20/7 để mở đường cho một chính phủ bao gồm đại diện nhiều chính đảng.
Tình hình kinh tế tồi tệ tại Sri Lanka gây ra bất bình trong dân chúng suốt vài tháng qua. Quốc gia này đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập. Tình trạng khan hiếm nhiên liệu đã buộc các trường học và văn phòng chính phủ phải đóng cửa.
Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, nông nghiệp, sinh kế và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân tại đảo quốc Nam Á này.