Sri Lanka chờ đợi tia hi vọng vượt qua bất ổn

Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 11/7 thông báo Tổng thống nước Gotabaya Rajapaksa sẽ từ chức, trong diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng chưa từng có tại đảo quốc Nam Á này. Hệ quả của những bất ổn đã dần bộc lộ, với nhiều lo lắng về tương lai của Sri Lanka sau chuỗi biến động triền miên.

Chưa khi nào Sri Lanka đối diện tình trạng bất ổn sâu rộng đến vậy. Ngày 9/7, Tổng thống Rajapaksa phải lánh nạn, sau khi hàng nghìn người biểu tình đã tiến về Colombo, phá hàng rào bảo vệ và xông vào dinh thự của ông nhằm bày tỏ sự bất bình với những khó khăn trong cuộc sống.

Hình ảnh dòng người biểu tình tràn vào nơi ở của Tổng thống và Thủ tướng được coi là đỉnh điểm của những mâu thuẫn trong xã hội Sri Lanka vào lúc này, và mong muốn của người dân là những nhà lãnh đạo của họ phải từ chức vì đã để tình trạng này xảy ra. Đây là hệ quả sau nhiều tháng vật lộn với lạm phát cao cùng với thiếu hụt hàng hóa thiết yếu, nhất là năng lượng.

ảnh 1.jpg -0

Dòng người biểu tình tiến vào dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa của Sri Lanka. Ảnh: EPAhttps://cand.com.vn/the-gioi-24h/sri-lanka-cho-doi-tia-hi-vong-vuot-qua-bat-on-i660066/

Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Yapa Abeywardena xác nhận ông Rajapaksa sẽ từ chức vào ngày 13/7, trong khi đó, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cũng cho biết ông sẵn sàng từ chức để mở đường cho một chính phủ mới với đại diện của tất cả các đảng phái. Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Rajapaksa dường như đã được dự báo từ trước khi nước này ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Hồi đầu tháng 4, gần như toàn bộ nội các của Sri Lanka đã đệ đơn từ chức, trừ các anh em nhà Tổng thống và Thủ tướng. Động thái rời bỏ chức vụ, theo Reuters, nhằm hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng bất bình trong dân chúng kéo dài đã nhiều tháng qua.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka đang thể hiện ra ở mọi khía cạnh, từ khủng hoảng lương thực, khủng hoảng nhiên liệu đến khủng hoảng tiền mặt. Hồi tháng 5, lần đầu tiên trong lịch sử, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ vì không thể thanh toán các khoản nợ nước ngoài hơn 51 tỷ USD. Chính phủ đổ lỗi cho đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến thương mại và du lịch - nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của nước này.

Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabri cho biết Sri Lanka chỉ còn lượng dự trữ ngoại hối dưới 50 triệu USD, vì vậy nước này cần các khoản viện trợ hàng hóa thiết yếu. Từ cuối năm 2021, Sri Lanka thậm chí không còn đủ ngoại tệ để chi trả cho việc nhập khẩu các nhu yếu phẩm. Chính phủ buộc phải yêu cầu tạm ngừng bán mọi nhiên liệu, dẫn đến tình trạng người dân xếp hàng dài trên các con phố chờ đợi mua dầu, xăng.

Lạm phát mạnh ở quốc gia 22 triệu người này đã đạt 54,6% vào tháng trước và ngân hàng trung ương đã cảnh báo rằng nó có thể tăng lên 70% trong những tháng tới. Chương trình Lương thực Liên hợp quốc mới đây cho biết, cứ 10 gia đình Sri Lanka thì 9 gia đình phải bỏ bữa hoặc thiếu ăn. Khoảng 3 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Giới chuyên gia nhận định, cuộc khủng hoảng Sri Lanka không phải là một cú sốc tức thời, mà là hệ quả của nhiều năm tham nhũng và quản trị nhà nước sai lầm.

Theo Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Yapa Abeywardena, Quốc hội sẽ được triệu tập trong vòng 7 ngày để chỉ định Tổng thống tạm quyền. Chính phủ mới sẽ được thành lập với Thủ tướng mới và sẽ đứng ra tổ chức tổng tuyển cử sau một thời gian nhất định. Trong vòng 30 ngày sau khi Tổng thống đương nhiệm từ chức, Chủ tịch Quốc hội sẽ đảm nhận vị trí Tổng thống. Việc bầu chọn một nghị sĩ vào vị trí Tổng thống trong phần còn lại của nhiệm kỳ sẽ do Quốc hội đảm nhiệm.Tuy nhiên, sự kết thúc của chính quyền ông Rajapaksa không hề hứa hẹn sẽ là sự chấm dứt cho những nỗi thống khổ mà dân chúng Sri Lanka đã phải chịu đựng suốt thời gian qua. Dù ai sẽ được bầu ra để đảm nhận 2 chiếc ghế nóng là Tổng thống và Thủ tướng, họ cũng sẽ phải giải quyết những vấn đề rất cấp bách của đất nước Sri Lanka hiện tại.

Sri Lanka hiện dựa vào viện trợ từ Ấn Độ và một số quốc gia khác trong khi tìm cách đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói giải cứu. Thủ tướng Wickremesinghe gần đây cho biết tiến trình đàm phán này trở nên phức tạp vì Sri Lanka hiện là quốc gia phá sản. MF cho biết tổ chức này đã gần đạt được một thỏa thuận cấp chuyên viên với Sri Lanka. Dù vậy, để có được sự chấp thuận của đội ngũ điều hành IMF và được giải ngân, Sri Lanka phải chứng minh được rằng họ có khả năng phục hồi nền kinh tế một cách bền vững.

Theo đó, Sri Lanka sẽ phải thực hiện hàng loạt biện pháp cải cách khó khăn, bao gồm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu cho khu vực công. Trong khi đó, dự kiến trong tuần này, giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) sẽ tới Sri Lanka để bàn về biện pháp cứu trợ lương thực. Những cánh cửa cứu trợ vẫn tồn tại, nhưng trong ngắn hạn, chắc chắn người dân Sri Lanka sẽ phải tiếp tục đối diện cảnh “thắt lưng buộc bụng” để có thể nhận được các khoản vay mới, vực lại cục diện chính trị - kinh tế đang trì trệ hiện nay.

 https://cand.com.vn/the-gioi-24h/sri-lanka-cho-doi-tia-hi-vong-vuot-qua-bat-on-i660066/

An Nhiên / Công an nhân dân