Tổng thống Mỹ lên đường sang Hàn Quốc, bắt đầu chuyến thăm châu Á

Tổng thống Mỹ Joe Biden kỳ vọng chuyến thăm châu Á sẽ góp phần thắt chặt niềm tin với các đồng minh trong khu vực trong bối cảnh quốc tế và nội bộ nước Mỹ có nhiều biến động.

AP22139618740149-1653038494783
Tổng thống Mỹ Joe Biden lên đường sang Hàn Quốc. Ảnh AP.

Ông Biden dự kiến đến Hàn Quốc tối 20/5. Chuyến thăm 6 ngày của ông Biden đến châu Á diễn ra trong bối cảnh quốc tế đặc biệt. Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, khiến quan hệ giữa Moscow và phương Tây tiếp tục tụt dốc.

Trong chuyến thăm 3 ngày đến Hàn Quốc, ông Biden dự kiến có cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Hàn Quốc, Yoon Suk-yeol. Sau đó, ông sẽ đến Nhật Bản và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Fumio Kishida.

Dự kiến trọng tâm thảo luận của ông Biden với hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ là về chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng như các mối quan hệ kinh tế và an ninh của Mỹ với hai đồng minh. Tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ trở thành “cầu nối” giúp hai tân lãnh đạo Nhật-Hàn thu hẹp những khác biệt tồn tại lâu nay giữa hai nước liên quan đến các vấn đề lịch sử hay thương mại.

Tại Tokyo, ông Biden sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của Đối thoại Tứ giác An ninh (hay Bộ tứ) - bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia - và khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF), một thỏa thuận nhằm thiết lập các tiêu chuẩn về chuỗi cung ứng, bảo vệ người lao động, giảm thiểu phát thải cacbon và chống tham nhũng.

Jaechun Kim, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Sogang của Hàn Quốc cho biết: “Mục tiêu chính trong chuyến đi của ông Biden tới châu Á là tăng cường sự ủng hộ của các đồng minh tại khu vực đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ”. Chuyên gia này nhận định trong bối cảnh xung đột leo thang tại Ukraine và Washington đang tích cực hỗ trợ Kiev trước chiến dịch quân sự của Nga, đối thủ đáng gờm thực sự của Mỹ lại là Trung Quốc và khu vực quan trọng mà Mỹ quan tâm nhất hiện nay là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chứ không phải châu Âu.

Do đó, chuyến thăm này của ông Biden nhằm mục đích chứng minh cho đồng minh châu Á thấy việc Mỹ hỗ trợ Ukraine cũng “liên quan mật thiết” đến việc hỗ trợ các đồng minh trong ứng phó với sự ảnh hưởng về kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.  

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định chuyến thăm của ông Biden cũng nhằm xây dựng mối quan hệ cá nhân giữa ông và hai nhà lãnh đạo Nhật-Hàn. Đây sẽ là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Mỹ gặp người đồng cấp Hàn Quốc kể từ khi ông Yoon nhậm chức cách đây không lâu. Trong khi đó, ông Biden và ông Kishida từng gặp trực tiếp bên lề cuộc họp của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Glasgow, Scotland hồi tháng 11 năm ngoái.

Trước khi ông Biden đến Hàn Quốc, ông Yoon đã lần đầu tiên đăng tải lên Twitter với tư cách là Tổng thống, gửi lời chào nồng hậu đến Tổng thống Mỹ, đồng thời bày tỏ tin tưởng liên minh Hàn-Mỹ sẽ được tăng cường trong thời gian tới. 

Duy Tiến / CAND