Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ mang gì đến châu Âu?

Tổng thống Mỹ Joe Biden được dự báo sẽ tập trung vào nỗ lực trấn an đồng minh và tìm cách siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt Nga khi có chuyến công du châu Âu trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn leo thang.

Reuters ngày 21/3 (giờ Hà Nội) dẫn thông báo của Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công du Ba Lan vào ngày 25/3 và hội đàm song phương với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda. Chuyến thăm tới quốc gia thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Âu của Tổng thống Mỹ diễn ra một ngày sau khi ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, gặp lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), với cuộc xung đột Nga-Ukraine là chủ đề thảo luận chính.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ mang gì đến châu Âu? -0

Tổng thống Mỹ Joe Biden được dự báo sẽ tìm cách siết chặt trừng phạt nhằm vào Nga khi công du châu Âu. Ảnh: GettyImages

Tổng thống Mỹ cũng có lịch xuất hiện tại một phiên họp của Hội đồng châu Âu (EC) về Ukraine. Tuy nhiên, Thư kí báo chí Nhà Trắng Jen Psaki loại trừ thông tin được một số hãng truyền thông đăng tải về việc ông Biden cân nhắc trực tiếp tới thăm Ukraine. “Chuyến đi sẽ tập trung vào việc tiếp tục tập hợp thế giới ủng hộ người dân Ukraine, nhưng không có kế hoạch đến Ukraine”, bà nói.

Mỹ không đóng vai trò đáng kể trong nỗ lực hòa giải Nga-Ukraine từ sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự, nhưng thể hiện sự ủng hộ dành cho Kiev thông qua viện trợ vũ khí sát thương, hỗ trợ nhân đạo và các biện pháp trừng phạt chống Nga. Những cảnh báo về việc xung đột có thể lan rộng ra châu Âu, nhất là tại các nước thành viên NATO, khiến nhiều chuyên gia tin rằng, Tổng thống Biden sẽ mang đến châu Âu thêm những cam kết vững chắc mới về sự đảm bảo an ninh của Mỹ ở “lục địa già” thông qua việc mở rộng quy mô triển khai quân đội NATO, nhất là Mỹ, tới các nước sườn phía Đông của khối.

Tiếp nối hoạt động trợ giúp trực tiếp Ukraine, CNN dẫn lời quan chức Mỹ tin rằng Tổng thống Biden sẽ vận động châu Âu công bố một số gói viện trợ mới dành cho Kiev. Tuy nhiên, những biện pháp này khả năng cao sẽ chỉ dừng ở cung cấp vũ khí và hàng hóa nhân đạo. NATO gần đây khước từ các yêu cầu của Ukraine như thiết lập vùng cấm bay hoặc cung cấp máy bay chiến đấu thời Liên Xô (cũ). Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield ngày 20/3 cũng loại trừ khả năng Washington tham gia bất cứ sứ mệnh gìn giữ hòa bình nào trên lãnh thổ Ukraine, sau khi Ba Lan nêu phương án này. “Tổng thống (Biden) đã nói rất rõ rằng Mỹ sẽ không đưa binh sĩ đến Ukraine. Chúng tôi không muốn tình hình leo thang thành cuộc chiến với Mỹ”, Đại sứ Thomas-Greenfield phát biểu.

Dù bà Thomas-Greenfield khẳng định bất cứ nước NATO nào cũng có quyền tự đưa ra quyết định về việc triển khai quân đến Ukraine, các thành viên khác của khối cũng tự họ tỏ ra rất thận trọng trước lời kêu gọi đưa Lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine do Ba Lan đưa ra. “Tôi e rằng còn quá sớm để chúng ta nói về điều đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren nói.

Một trong những mục tiêu chủ chốt khác của ông Biden được cho là nhằm vận động châu Âu siết chặt trừng phạt Nga. Theo Reuters, chỉ trong vòng hơn 3 tuần, các nước EU đã ban bố 4 vòng trừng phạt nhằm vào 685 cá nhân Nga và Belarus, cũng như hệ thống thương mại và tài chính của Nga. Sau khi Mỹ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga và mong muốn châu Âu hành động tương tự, EU đã thể hiện sự lưỡng lự. Một số nhà ngoại giao nói với Reuters rằng, các nước Baltic, trong đó có Litva, đang kêu gọi áp lệnh cấm vận dầu mỏ lên Nga, bất chấp Đức cảnh báo không nên hành động quá vội vàng vì giá năng lượng ở châu Âu đang ở mức rất cao và 1/4 lượng dầu nhập khẩu vào EU đến từ Nga.

Từ Moscow, Nga cảnh báo các lệnh trừng phạt bổ sung của EU với lĩnh vực dầu mỏ của Nga có thể khiến Moscow đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt sang châu Âu. Nga cung cấp cho EU tới 40% nhu cầu khí đốt, trong đó Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – nằm trong danh sách các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào dầu mỏ và khí đốt Nga. Pháp, nước đang là Chủ tịch luân phiên của EU, có thể đóng vai trò quan trọng trong quyết định có trừng phạt Nga hay không. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, nếu tình hình ở Ukraine xấu đi, châu Âu sẽ đảm bảo không có “vùng cấm” nào cho các biện pháp cấm vận. Tuy vậy, mọi động thái của EU đều cần có sự đồng thuận của cả khối.

Gần một tháng từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Moscow và Kiev đã tiến hành một số vòng đàm phán, nhưng kết quả thu lại chưa đáng kể. Điện Kremlin khẳng định Nga sẽ chỉ chấm dứt chiến dịch ở Ukraine khi Kiev kí văn bản đảm bảo vị thế trung lập, không gia nhập NATO, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập cho vùng Donbass. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 20/3 đề nghị đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, mô tả đây là “cách duy nhất” để chấm dứt xung đột hiện nay. Tuy nhiên, Điện Kremlin từng tuyên bố, bất cứ cuộc đàm phán nào giữa nguyên thủ hai nước cần phải đi đến một kết quả rõ ràng.

Trong diễn biến liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành ngày 20/3 nhận định, cuộc xung đột ở Ukraine có thể đã được ngăn chặn nếu NATO không gây sức ép lên Nga. “Cam kết không mở rộng về phía Đông có thể dễ dàng chấm dứt cuộc khủng hoảng”, ông nói, nhắc đề đề xuất an ninh của Nga gửi NATO cuối năm ngoái. Ông Lạc cũng nêu quan điểm, việc NATO theo đuổi “an ninh tuyệt đối” đã dẫn đến “phi an ninh tuyệt đối”; đồng thời cảnh báo các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga liên quan đến chiến dịch ở Ukraine ngày càng thái quá và có thể phản tác dụng.

Thiện Minh

Hậu trường chuyến đi đặc biệt của 3 nguyên thủ châu Âu tới Ukraine Hậu trường chuyến đi đặc biệt của 3 nguyên thủ châu Âu tới Ukraine
Nga tiết lộ kế hoạch đáp trả trừng phạt của Mỹ, rút khỏi Hội đồng châu Âu Nga tiết lộ kế hoạch đáp trả trừng phạt của Mỹ, rút khỏi Hội đồng châu Âu
Ba Thủ tướng các nước châu Âu đến Kiev giữa lúc chiến sự căng thẳng Ba Thủ tướng các nước châu Âu đến Kiev giữa lúc chiến sự căng thẳng

/ cand.com.vn