Giá tôm hùm rớt mạnh do Trung Quốc ngưng nhập hàng tiểu ngạch.
Ông Hòa nuôi tôm hùm ở Bình Ba (Khánh Hòa) buồn bã cho biết, vụ năm nay gia đình ông thua lỗ cả tỷ đồng vì giá tôm xuống thấp, thương lái giảm thu mua.
"Nếu năm ngoái giá tôm trên 1 triệu đồng một kg, năm nay giảm một nửa. Do đó, vụ mùa này gia đình lỗ nặng bởi chi phí nuôi tôm hùm khá cao. Trong khi đó, quá trình nuôi thường hao hụt một nửa", ông Hòa nói.
Theo các hộ dân nuôi tôm ở Khánh Hòa, họ đang chịu lỗ từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng vì giá tôm xuống thấp. Nhiều người nuôi chấp nhận bán tháo, một số khác vẫn tiếp tục thả nuôi để chờ giá "nhích" lên.
Tôm hùm bông nuôi ở Khánh Hòa. |
Xác nhận tôm hùm đang mất giá, ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình (Cam Ranh) cho biết, tôm hùm xanh tại hộ nuôi có giá chỉ 400.000 - 550.000 đồng một kg; tôm hùm bông 1 - 1,1 triệu đồng một kg (loại 1) giảm 50% so với tháng trước. Với giá này, người nuôi trên địa bàn thua lỗ nặng.
Theo ông Tuấn, sở dĩ giá xuống thấp là do Trung Quốc ngừng mua đường tiểu ngạch dẫn đến nguồn cung dư thừa, trong khi thị trường trong nước sản phẩm nhập khẩu giá cạnh tranh.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho hay, cuối năm 2018, đơn vị đã thông báo cho các địa phương và người nuôi biết thông tin từ 1/1/2019 thị trường Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch và chỉ cho nhập chính ngạch, nên để xuất được hàng sang thị trường này người dân phải đăng ký nuôi trồng với cơ quan quản lý theo đúng quy hoạch.
Tuy nhiên, theo ông Chánh, người dân không chịu nghe theo hướng dẫn của cơ quan quản lý mà đua nhau nuôi tự phát nên hàng không đầy đủ các tiêu chuẩn để xuất khẩu. Do đó, thương lái cũng không thể thu mua để xuất đi Trung Quốc cũng như các thị trường khó tính khác.
Hiện, toàn tỉnh Khánh Hòa thả nuôi tôm hùm trên 49.000 lồng, trong đó xã Cam Bình khoảng 10.000 lồng. Để tháo gỡ khó khăn, ông Lê Tấn Bản, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh hòa cho biết sẽ chỉ đạo Chi cục thủy sản tiếp tục hướng dẫn người nuôi theo quy hoạch, đăng ký kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý, đồng thời áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc. Song song đó, khuyến khích các hộ nuôi thành lập các tổ sản xuất hay hợp tác xã nuôi trồng để liên kết với doanh nghiệp thu mua nhằm tạo đầu ra cho thị trường nội địa và nước ngoài.
Cũng chính vì giá tôm hùm tại nơi nuôi trồng đi xuống, giá bán lẻ tại các vựa hải sản TP HCM cũng đã giảm mạnh 3 ngày qua từ 800.000 đồng một kg cho tôm hùm baby xuống còn 590.000 đồng. Với tôm hùm loại trên 1 kg cũng giảm 400.000 đồng xuống còn 900.000 đồng một kg. Còn tôm hùm bông, giá đang ở mức 1,5 - 1,7 triệu đồng một kg thay vì 1,9 triệu đồng như trước đó.
Tôm hùm được nuôi nhiều ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi..., nguồn giống chủ yếu khai thác từ tự nhiên và nhập khẩu. Công nghệ nuôi tôm hùm ở Việt Nam vẫn áp dụng theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ, thức ăn sử dụng chủ yếu là cá tạp, cua, sò...
Theo Tổng cục Thủy sản, số lồng nuôi tôm hùm liên tục tăng. Năm 2010, cả nước có hơn 49.000 lồng, đến 2018 tăng lên khoảng 90.000 lồng, sản lượng ước đạt 1.600 tấn. Tuy nhiên, giá tôm hùm thương phẩm theo chiều hướng giảm từ 2,5 triệu đồng một kg năm 2014 xuống còn 1,6 triệu đồng năm 2018.
Tôm hùm Mỹ rẻ hơn hàng Việt |
Tôm hùm đất được bày bán số lượng lớn: Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu kiểm tra làm rõ |
Căn cứ pháp lý để cấm nhập khẩu tôm hùm đất? |