Tội phạm mua bán vũ khí trái phép ngày càng tinh vi

Cơ quan công an đã sử dụng cộng tác viên bí mật để triệt phá mua bán súng trên mạng xã hội.

Trả lời PV VTC News, Thượng tá Đoàn Phong Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính (Công an tỉnh Bắc Ninh) - cho biết, trên mạng xã hội, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và linh kiện để lắp ráp vũ khí có phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, phát hiện, bắt giữ.

Tội phạm mua bán vũ khí trái phép ngày càng tinh vi - 1

Số vũ khí tự chế được Công an huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk thu hồi sau trong một vụ án xảy ra vào tháng 11/2018. (Ảnh: Người lao động)

Thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt

Theo Thượng tá Sơn, trong 2 năm qua, Công an tỉnh Bắc Ninh bắt 142 vụ với 156 đối tượng, thu giữ 3 súng quân dụng, 1 súng bắn đạn ghém, 4 khẩu súng dạng súng thể thao, 2 hộp tiếp đạn súng K59, 26 viên đạn quân dụng, 758 viên đạn khác, 53 khẩu súng hơi, tự chế, 14 dùi cui điện, 10 dùi cui kim loại, 44 bình xịt hơi cay, 112 dao kiếm, 5 tuýp sắt, 1 gậy ba khúc và 80 bưu kiện chứa linh kiện, thiết bị phục vụ lắp ráp súng hơi, súng săn.

Đơn vị còn phối hợp các lực lượng trong và ngoài ngành tổ chức tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí.

"Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường công tác quản lý cư trú, tập trung những trường hợp kinh doanh buôn bán, lao động ở Trung Quốc. Đẩy mạnh công tác tuần tra đảm bảo trật tự công cộng, tuần tra vũ trang chốt chặn tại những khu vực công cộng, địa bàn trọng điểm, địa bàn giáp ranh, kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với những trường hợp lợi dụng phương tiện giao thông để vận chuyển trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ", Thượng tá Sơn thông tin.

Những hành vi mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí không chỉ diễn ra ở Bắc Ninh mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng, đầu năm 2022 đến nay, tình hình thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật có diễn biến phức tạp, trong đó đáng lo ngại nhất là việc sử dụng các loại súng tự chế để giải quyết mâu thuẫn.

Nhiều thanh thiếu niên tụ tập, rủ rê qua các nhóm kín trên mạng xã hội, sử dụng hung khí nguy hiểm như súng bắn hơi cồn, súng bắn đạn bi, bom xăng để giải quyết mẫu thuẫn”, lãnh đạo Công an Đà Nẵng cho biết.

Vị lãnh đạo này cung cấp số liệu cụ thể trong 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng xảy ra 27 vụ đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, làm bị thương 17 người. Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ đầu, không để đánh nhau gây rối 13 vụ, điều tra làm rõ 14 vụ, trong đó có một số vụ sử dụng súng tự chế gây án. Ngoài ra, Công an TP Đà Nẵng đang quản lý 312 đối tượng có nguy cơ phạm tội, vi phạm pháp luật, tăng 140 đối tượng so với quý I năm 2022.

Về biện pháp phòng ngừa thời gian tới, Công an thành phố sẽ tham mưu cho Thành ủy, UBND, HĐND TP Đà Nẵng chỉ đạo, triển khai công tác giáo dục các nhóm thanh, thiếu niên hư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền đến đối tượng cá biệt, cảnh báo với gia đình.

Cùng đó, Công an TP Đà Nẵng triển khai nhiều đợt cao điểm trấn áp xử lý tội phạm, đặc biệt chú ý tội phạm là thanh, thiếu niên; tập trung điều tra, xử lý các chuyên án, vụ việc liên quan thanh, thiếu niên tụ tập sử dụng hung khí như súng, đao kiếm đánh nhau.

Công an sẽ tham mưu Thành ủy sớm ban hành chỉ thị nhằm huy động sức mạnh và quy rõ trách nhiệm của từng sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương về vấn đề trên”, lãnh đạo công an TP Đà Nẵng cho biết.

Đồng thời, để phát hiện sớm, kịp thời ngăn chặn các vụ việc, Công an TP Đà Nẵng đẩy nhanh đầu tư, triển khai các dự án hiện đại hóa Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố, kết hợp hệ thống camera, phần mềm thông minh để phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Cùng quan điểm về việc này, đại diện Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định, thời gian qua, tình hình buôn bán vũ khí trên không gian mạng diễn ra một cách thường xuyên và diễn biến ngày một tinh vi, phức tạp. Tình hình tội phạm sử dụng vũ khí để gây án diễn ra ngày một nhiều.

Trước tình hình đó, vị này khẳng định, thời gian tới, công an tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo Bộ Công an, UBND tỉnh trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung chỉ đạo công an các đơn vị địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các quy định liên quan phòng, chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm lợi dụng mạng xã hội, dịch vụ bưu chính, dịch vụ vận chuyển hàng hoá để hướng dẫn, chế tạo, sử dụng, mua bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép; tập trung đẩy mạnh thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo còn tồn đọng ngoài xã hội…

Ngoài ra, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, điều tra lĩnh vực vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Công an các đơn vị chủ động nắm chắc địa bàn, quyết liệt thu thập thông tin, củng cố tài liệu xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm…

Chúng tôi đề nghị người dân sát cánh, giúp đỡ lực lượng công an trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, nhất là nâng cao ý thức tự nguyện giao nộp cũng như tố giác đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khoẻ cho chính mình và mọi người”, đại diện Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nói.

Vị này cũng cho biết, tính riêng 7 tháng đầu năm 2022, lực lượng công an toàn tỉnh vận động nhân dân tự giác giao nộp 5 súng quân dụng; 8 súng thể thao; 1 súng hơi; 118 súng tự chế; 65 quả đạn và hàng trăm công cụ hỗ trợ, đạn các loại khác.

Tội phạm mua bán vũ khí trái phép ngày càng tinh vi - 2

Video dạy tự chế tạo súng tràn lan trên nên tảng Youtube.

Gỡ bỏ nhiều video xấu, độc trên mạng xã hội

Gần đây, nhiều clip hướng dẫn cách làm súng tự chế với độ sát thương cao vẫn tồn tại trên không gian mạng. Trả lời VTC News về vấn đề này, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho biết, từ nhiều năm qua, nền tảng YouTube hay Facbook xuất hiện nhiều kênh và video hướng tới đối tượng người xem là giới trẻ có nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Các kênh, video dành cho trẻ em có hình ảnh dung tục, phản cảm, nội dung nhảm nhí, cổ súy việc chơi cờ bạc, thử ma túy, kích động bạo lực...

Các nền tảng mạng xã hội thông dụng tại Việt Nam hiện nay là kênh thông suốt, không có sự kiểm duyệt, người dùng tự do đăng tải nên không thể tránh khỏi có nội dung xấu độc liên quan trẻ em, khủng bố hay buôn bán, chế tạo vũ khí”, ông Phúc nói.

Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, cơ quan chức năng ngành Thông tin và Truyền thông, lực lượng an ninh mạng đã đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên quốc gia như: Google, YouTube, Facebook gỡ bỏ nội dung phản cảm, xấu độc trên nền tảng ứng dụng của mình. Kết quả, rất nhiều video đã được gỡ bỏ.

Mỗi lần chúng tôi gửi hàng chục nghìn link, địa chỉ yêu cầu gỡ bỏ. Tuy nhiên, quy định vẫn phụ thuộc các nhà cung cấp dịch vụ. Có những lúc họ đáp ứng, xử lý nhanh, có trường hợp họ lại không đáp ứng, nên việc xoá bỏ nội dung này vẫn phải thực hiện dần, chưa thể triệt để.

Về những video hướng dẫn chế tạo, bán súng, nếu phát hiện, lực lượng an ninh mạng, công an cũng gửi yêu cầu nhà cung cấp xử lý”, ông Phúc nói.

https://vtc.vn/toi-pham-mua-ban-vu-khi-trai-phep-ngay-cang-tinh-vi-ar700368.html

 

VĂN CHƯƠNG - ANH VĂN - XUÂN TIẾN - NGUYỄN VƯƠNG / VTC News