Kho vũ khí của châu Âu cạn kiệt nghiêm trọng

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói kho dự trữ ở hầu hết các quốc gia thành viên đang cạn kiệt sau các khoản hỗ trợ lớn cho Ukraine.

Hôm 5/9, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết: “Kho dự trữ quân sự của hầu hết các quốc gia thành viên đã cạn kiệt ở mức cao, bởi vì chúng tôi đã chuyển giao rất nhiều vũ khí cho người Ukraine”.

Ông Josep Borrell cho rằng, kho vũ khí của các nước thành viên EU sẽ "phải được bổ sung".

Kho vũ khí của châu Âu cạn kiệt nghiêm trọng  - 1

Phương Tây liên tục viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi tháng 2. (Ảnh: Reuters)

Theo người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, các nước thành viên phải bắt đầu điều phối chi tiêu quân sự để tránh lãng phí tiền bạc. Ông Josep Borrell nhấn mạnh, nếu các quốc gia không phối hợp đúng cách, “kết quả sẽ là một sự lãng phí lớn về tiền bạc".

Các nước EU đã gửi vũ khí tới Ukraine sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng vào hồi tháng 2. Kể từ đó, EU cũng đã thảo luận về việc khởi động sứ mệnh huấn luyện toàn khối cho quân đội Ukraine.

Ông Josep Borrell cho rằng Brussels lẽ ra phải phản ứng nhanh hơn với các yêu cầu huấn luyện quân đội Ukraine một năm trước.

“Thật không may là chúng tôi đã không làm vậy, và hôm nay chúng tôi hối hận về điều đó. Chúng tôi rất tiếc rằng tháng 8 năm ngoái đã không thực hiện yêu cầu này”, ông Josep Borrell nói và cho biết thêm rằng “chúng tôi sẽ ở trong một tình huống tốt hơn” nếu EU hành động vào thời điểm đó.

Mỹ và Anh hiện đang huấn luyện quân đội Ukraine trong tác chiến đô thị và hướng dẫn binh sĩ Ukraine cách sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp.

Một số quốc gia EU cũng đang tổ chức huấn luyện cho quân đội Ukraine, nhưng chưa có chương trình phối hợp chung trong toàn khối do một số quốc gia bày tỏ lo ngại về ý tưởng này.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Luxembourg Francois Bausch nói rằng ông “không tin” đây sẽ là cách tốt nhất để giúp Kiev. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto lập luận mỗi quốc gia nên được phép đưa ra quyết định của riêng mình về vấn đề này, cho rằng điều đó “không nên được thực hiện ở cấp Liên minh châu Âu”.

Moskva nhiều lần chỉ trích việc phương Tây giao vũ khí cho Kiev, nhấn mạnh điều này sẽ chỉ kéo dài xung đột và đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

https://vtc.vn/kho-vu-khi-cua-chau-au-can-kiet-nghiem-trong-ar698778.html