Ngoài việc làm ngược đời là tự ý bịt lối thoát hiểm, Công ty Cổ phần xây dựng số 12 (Vinaconex 12) – chủ đầu tư tòa nhà chung cư 57 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) còn bị cư dân tố tự ý chuyển đổi công năng tầng 16 và chây ỳ không bàn giao phí bảo trì tòa nhà.
Lối thoát hiểm bị bịt lại.
Lò thiêu... không lối thoát”
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thảm họa thương tâm nhất phải kể đến là vụ cháy xảy ra tại chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh) đêm 22, rạng sáng 23.3.2018 “cướp” đi sinh mạng 13 người, gần 100 người khác bị thương.
Vụ cháy khiến dư luận cả nước bàng hoàng, đặc biệt là các hộ dân đang sinh sống tại các chung cư cao tầng; gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Ngay chiều 23.3.2018, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Hà đã yêu cầu rà soát toàn bộ các công trình cao tầng đã được đưa vào sử dụng và khai thác nhằm bảo đảm an toàn; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Bùi Văn Thành khi xuống hiện trường vụ cháy chung cư Carina Plaza chỉ đạo công tác điều tra, xử lý đã cho biết: “Sẽ chỉ đạo rà soát lại năng lực PCCC tại chỗ của tất cả các chung cư cao tầng trên cả nước, đặc biệt là năng lực của ban quản lý tòa nhà và cơ chế phối kết hợp giữa ban quản lý tòa nhà với cư dân sống trong tòa nhà khi có sự cố cháy nổ xảy ra”.
Trong khi Trung ương đang chỉ đạo quyết liệt nhằm hạn chế tối đa tình trạng cháy, nổ; bảo đảm an toàn cho người dân thì Vinaconex 12 lại làm một việc hết sức ngược đời, đó là bịt lối thoát hiểm tại tòa nhà chung, thuộc Tổ hợp Dịch vụ thương mại – Văn phòng và nhà ở để bán số 57 – Vũ Trọng Phụng (Tòa nhà chung cư 57 Vũ Trọng Phụng).
Một cư dân cho biết: Tòa nhà có tất cả 3 lối thoát hiểm, nhưng mới đây, không hiểu vì lý do gì, chủ đầu tư tự ý bịt một lối thoát hiểm. “Việc bịt lối thoát hiểm như vậy sẽ hạn chế khả năng thoát hiểm của cư dân khi có sự cố hỏa hoạn. Trường hợp cư dân nào không biết lối thoát hiểm đã bị bịt, khi xảy ra sự cố hỏa hoạn chạy vào lối thoát hiểm đó thì cơ hội sống sót hầu như không có. Đây có khác gì “lò thiêu... không lối thoát” đâu?”, cư dân này đặt vấn đề.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Danh Thắng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính (Vinaconex 12) giải thích: “Tất cả các hạng mục trong tòa nhà đều đã được hoàn thiện và đã được nghiệm thu. Tòa nhà có 3 lối thoát hiểm nên bịt một lối lại theo yêu cầu... của Cảnh sát PCCC?”. Nhưng ông Thắng chưa đưa ra được bất kỳ văn bản nào chứng minh.
Tự ý chuyển đổi công năng, chây ỳ không bàn giao phí bảo trì
Theo hồ sơ, Tổ hợp Dịch vụ thương mại – Văn phòng và nhà ở để bán số 57 được Sở Xây dựng TP Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 10, ngày 23.1.2009 cho Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông – thừa ủy quyền lại cho Vinaconex 12.
Giấy phép ghi rõ: Khối nhà ở để bán gồm 15 tầng, một tầng thượng, một tầng hầm và một tum.
Tầng thượng chính là tầng 16. Như Vinaconex 12 từng giới thiệu, thì tầng 16 bố trí tổ chức bộ phận dịch vụ chung cho công trình, gồm: Hệ thống nhà hàng, coffee bar. Song, theo phản ảnh của cư dân, hiện nay Vinaconex 12 đã phân tầng 16 ra làm nhiều căn hộ, với diện tích trung bình từ 30.40m2. Vinaconex 12 đã nhiều lần có ý định cho thuê các căn hộ tầng 16, nhưng gặp phải sự phản đối gay gắt của cư dân.
Bên cạnh đó, cư dân còn phản ảnh Vinaconex 12 chây ỳ không chịu bàn giao khoản phí bảo trì 2% với tổng số tiền là gần 5,8 tỷ đồng. Ban Quản trị tòa nhà đã có nhiều buổi làm việc với Vinaconex 12, yêu cầu bàn giao phí bảo trì theo đúng quy định. Nhưng phía chủ đầu tư “lòng vòng, đánh võng” đưa ra hết lý do này, tới lý do khác nhằm gây khó khăn, trì hoãn việc bàn giao phí bảo trì.
Ngày 30.3, mục sở thị tầng 16 Tòa chung cư 57 Vũ Trọng Phụng, chúng tôi thấy khu vực này được chia làm nhiều phòng đúng như phản ảnh của người dân. Toàn bộ phần trần tầng 16 chưa được trát hết; các mảng vữa, bụi bẩn nham nhở, gây mất mỹ quan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Điều này trái ngược hoàn toàn với những gì Vinaconex 12 từng quảng cáo.
Trao đổi với phóng viên, ông Thắng khẳng định đã thi công theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan chức năng phê duyệt. Ông Thắng thừa nhận, tầng 16 được xây nhằm làm dịch vụ. Tuy nhiên, do chưa có nhu cầu nên chưa bán và đưa vào sử dụng.
Đề nghị Cảnh sát PCCC TP Hà Nội vào cuộc xác minh, làm rõ có hay không việc Vinaconex 12 bịt lối thoát hiểm theo yêu cầu của Cảnh sát PCCC; Thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân vào cuộc, làm rõ có hay không việc Vinaconex 12 tự ý chuyển đổi công năng tầng 16 nhằm trục lợi, đồng thời có biện pháp mạnh yêu cầu Vinaconex 12 bàn giao phí bảo trì trả Ban Quản lý tòa nhà theo đúng quy định của pháp luật.
Gây phẫn nộ với hình ảnh chế giễu vụ cháy Carina, Ban tổ chức Giọng hát Việt nhí nói gì? Ngay sau khi đăng tải hình ảnh ghép các thí sinh Giọng hát Việt nhí vào giữa đám cháy, đại diện Ban tổ chức Giọng ... |
13 phút nghiệt ngã cướp đi 13 mạng người ở vụ cháy chung cư Carina "Suốt 13 phút không có ai phát hiện. Đau ở chỗ, nếu có người trực hoặc bảo vệ phát hiện thì chỉ cần một bình ... |
Vì sao chưa công bố tên 7 chung cư ở Sài Gòn không đảm bảo PCCC? Theo thống kê, TP.HCM có 7 chung cư đã có người dân vào ở những chưa đảm bảo PCCC. Tuy nhiên, danh sách những tòa ... |