Dương Thị Thắm bị tắc tia sữa dẫn đến nhiễm trùng huyết, phải cắt tứ chi nhưng giờ, với cơ thể khiếm khuyết, cô tự kiếm tiền phụ chồng lo cho con.
Sau sinh 14 ngày, Thắm bị tắc tia sữa, rồi nhiễm trùng huyết, phải cắt tứ chi. Trong những ngày tháng gian nan ấy, tình yêu của chồng giúp cô vượt qua bệnh tật và cả sự tự ti.
Hơn một năm chịu bao nỗi đau, hụt hẫng vì phải cắt bỏ tứ chi, giờ đây, cuộc sống của Dương Thị Thắm, 28 tuổi, ở huyện Bàu Bàng, Bình Dương tràn ngập tiếng cười và những cố gắng cho tương lai.
Hằng ngày, ngoài chơi với con trai gần 2 tuổi, rảnh cô lại vào trang cá nhân đăng các mặt hàng về làm đẹp, đồ ăn để bán.
Mỗi tháng chỉ kiếm được 500.000 -1.000.000 đồng, nhưng Thắm thấy vui vì kiếm được tiền phụ chồng lo cho con. Khi bán hàng, cô còn được được giao lưu, nói chuyện với nhiều người.
Thấy vợ cười vui khi bán hàng, anh Trần Văn Tài, 29 tuổi cũng yên tâm để quản lý các cửa hàng bán phụ kiện điện thoại và nhận các dự án lắp hộp đèn, biển quảng cáo cho khách.
Thắm cho biết, giờ đây, gia đình cô luôn tràn ngập tiếng cười. |
Ba năm trước, anh Tài, chị Thắm nên duyên vợ chồng sau thời gian dài tìm hiểu. Ngày 17/11/2018, họ đón con trai đầu lòng, đặt tên ở nhà là Ken.
Lúc đó, hai vợ chồng đã mở được một cửa hàng bán phụ kiện điện thoại. Thắm dự tính, con trai cứng cáp một chút sẽ nhờ mẹ chồng trông giúp để ra cửa hàng bán, còn anh Tài tập trung làm các công trình quảng cáo.
Nào ngờ, sinh con được 14 ngày, Thắm bị tắc tia sữa, bị sốt, tiêu chảy.
Ban đầu, người mẹ một con chủ quan. Cô nghĩ chỉ cần chườm nóng, đắp lá, uống thuốc hạ sốt… thì sẽ khỏi. Bốn ngày sau, Thắm bị ngất trong nhà vệ sinh. May mắn, cô được chồng phát hiện đưa đến bệnh viện quốc tế gần nhà cấp cứu. Các bác sĩ xác định, cô bị áp xe ngực dẫn đến sốc nhiễm trùng máu.
Ảnh cưới của vợ chồng Thắm. |
Ở bệnh viện quốc tế điều trị chi phí cao, vợ chồng Thắm xin được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy cho đỡ đồng nào hay đồng đó.
Ngay từ lúc nhập viện, các bác sĩ nói với chồng sản phụ: ‘Nếu may mắn thì giữ được mạng sống, nhưng chân tay không còn nữa’.
Nhìn vợ nằm mê man, phải thở bằng máy, lọc máu, giọng anh Tài xót xa: ‘Người khỏe mạnh cắt một chi đã nguy hiểm, Thắm là sản phụ mới sinh, cắt hết chân tay sẽ ra sao?’.
Anh năn nỉ bác sĩ hãy dùng phác đồ điều trị tốt nhất, tốn chi phí bao nhiêu cũng được.
Anh cũng nhờ bố mẹ trông con trai để dành toàn thời gian bên vợ. Mỗi ngày, anh lau mát, làm vệ sinh cho vợ, rồi gọi về cho con, bật loa lớn, mục đích cho vợ nghe thấy tiếng con mà có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật. Đến ngày điều trị thứ 11, chân tay Thắm có dấu hiệu bầm tím, hoại tử dần.
Bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thông tin, việc phụ nữ sau sinh tắc tia sữa khá phổ biến, nhưng tình trạng này chỉ làm cho người mẹ đau, mất nguồn sữa chứ không nguy hiểm tới mức cắt tứ chi.
Bệnh của Thắm là do có bệnh lý như: suy van tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch tăng đông. Nhiều sản phụ sau sinh không vận động mà cứ nằm một chỗ gây nên huyết khối tĩnh mạch cao, nếu đi kèm với nhiễm trùng sẽ dễ dẫn đến tắc mạch tứ chi và hoại tử.
Thắm lúc trong bệnh viện. |
Sau nhiều lần hội chuẩn trường hợp của Thắm, các bác sĩ quyết định cắt tứ chi để virus không lan thêm.
Phải ký vào tờ giấy cam kết để vợ bỏ đi những bộ phận trên cơ thể, lòng anh Tài quặn thắt. Đúng lúc đó, Thắm tỉnh dậy. Cô nói với chồng: ‘Anh hãy làm thủ tục cắt tứ chi cho em’. Thấy chồng còn lưỡng lự, Thắm giục: ‘Anh quyết định nhanh lên, chậm em không được gặp con đâu’.
Thắm cho biết, trong lúc mê man cô nghe được những cuộc trò chuyện giữa chồng và bác sĩ, cũng như hiểu căn bệnh mình đang gặp như thế nào. ‘Không còn tay chân, buồn lắm, nhưng để được ở bên con, tôi vẫn hạnh phúc\', Thắm nói.
Ca phẫu thuật của Thắm thành công. Dù đã chuẩn bị từ trước khi vào phòng mổ, nhưng khi tỉnh dậy, người mẹ trẻ vẫn sốc khi hai chân bị cắt quá đầu gối, tay phải cắt quá khuỷu, tay trái còn khuỷu.
‘Trong phòng mổ, tôi nghe bác sĩ nói, chỉ cắt 10 ngón tay ngón chân thôi, nhưng chắc bác nói vậy để động viên mình’, giọng Thắm lạc quan.
Với chiếc xe đẩy, cùng sự giúp đỡ của chồng và người thân, Thắm được di chuyển nhiều nơi. Cô cũng không ngần ngại khi để lộ cơ thể khiếm khuyết và những vết sẹo mổ do cắt tứ chi. |
Mấy tháng sau đó, những cơn đau từ vết mổ, từ xương liên tục làm Thắm nhăn mặt, nước mắt ứa ra.
Nhìn vợ, anh Tài xót xa nhưng không thể làm gì, vì sợ động vào chị sẽ đau thêm, hoặc nhiễm trùng vết mổ. Anh chỉ biết ngồi bên nhìn vợ, rồi động viên: ‘Vì con, gắng lên vợ nhé’.
Để vợ có thêm động lực, anh gọi video về cho con để vợ được nhìn thấy con. Giây phút nhìn thấy bé Ken ê a bên ông bà nội, anh bảo, cả hai vợ chồng cứ đỏ hoe mắt vì thương.
Tháng 1/2019, Thắm được xuất viện. Về nhà, cô hụt hẫng vì mọi việc từ ăn uống đi lại, vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, chải đầu, đánh răng... cũng phải nhờ chồng, mẹ chồng giúp. Để vợ vui, anh Tài vừa đi làm kiếm tiền trang trải ăn uống, trả nợ chi phí đã vay chữa cho Thắm, vừa làm việc nhà. Mỗi ngày, anh dậy từ 4 giờ sáng, làm vệ sinh cho vợ, cho con, nấu ăn sáng cho cả nhà, chia thuốc để sẵn cho vợ rồi mới đi làm.
Chiều, anh tranh thủ về sớm, chơi với vợ con, làm việc nhà rồi động viên vợ bằng những câu chuyện vui, những nụ cười khanh khách của hai cha con.
Nhìn chồng vất vả vì mình, con trai nhỏ xíu mà không được mẹ yêu thương, bồng bế, Thắm quyết tâm vực mình dậy.
Thắm ôm con vào lòng bằng đôi tay cụt ngủn. Được đùa nghịch với mẹ, bé Ken cười nắc nẻ. |
Sau khi tháo băng, dù còn đau, nhưng Thắm tập lật người, bò, di chuyển… ‘Lúc mới làm, tôi ngã lên ngã xuống, đau lắm. Mỗi lần như vậy, tôi nhìn con, nhìn chồng để có động lực tập tiếp’, Thắm nhớ lại.
Không bao lâu, cô cũng bấm được điện thoại, tự xúc cơm ăn, ôm con, bê đỡ được các vật dụng nhỏ nhẹ… bằng đôi tay cụt ngủn. Các việc cá nhân, Thắm cũng tự làm, chỉ nhờ chồng mặc quần áo, chải đầu.
Yên tâm hơn về vợ, anh Tài dành nhiều thời gian hơn cho công việc để lo cho vợ con. Hiện, anh đã mở thêm hai cửa hàng bán phụ kiện điện thoại, nhận các công trình lắp hộp đèn, biển quảng cáo cho khách.
Người mẹ 9X cho biết, bé Ken ăn ngoan, khỏe mạnh, vì vậy, đầu năm học tới, cô sẽ cho con trai đi học mẫu giáo để mẹ chồng đỡ vất vả, cô sẽ yên tâm bán hàng.
‘Giờ vợ chồng tôi chỉ mong có sức khỏe để làm việc lo cho con’, người mẹ sinh năm 1992 nói.
Tú Anh
Ảnh:NVCC.
Tình yêu của chồng giúp người vợ mất tứ chi vượt qua mặc cảm
Dương Thị Thắm bị tắc tia sữa dẫn đến nhiễm trùng huyết, phải cắt tứ chi nhưng giờ, với cơ thể khiếm khuyết, cô tự ... |