Trump ca ngợi cách ông Tập xử lý dịch Covid-19, trong khi nhiều cố vấn của Tổng thống Mỹ lo ngại sự thiếu minh bạch của Trung Quốc.
"Tôi đã có cuộc trao đổi dài với Chủ tịch Tập hai hôm trước, ông ấy vô cùng tự tin. Như tôi từng đề cập, ông ấy cho rằng tới tháng 4, nhiệt độ cao sẽ giết chết chủng virus này", Tổng thống Donald Trump phát biểu trước các thống đốc Mỹ tuần trước, đánh giá cao cách lãnh đạo và sự cứng rắn của Chủ tịch Trung Quốc khi ứng phó dịch viêm phổi corona (Covid-19).
Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ tỏ ra không đồng tình với lời khen Trump dành cho Trung Quốc, bởi họ cho rằng chúng không có cơ sở. Các chuyên gia y tế Mỹ và quốc tế nhiều tuần qua lo ngại Trung Quốc chưa hoàn toàn minh bạch về quy mô dịch Covid-19.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận Trung Quốc chưa chấp thuận cho chuyên gia của họ tới nước này tìm hiểu về dịch bệnh, dù đề nghị hỗ trợ được đưa ra từ nhiều tuần trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp với các thống đốc tại Nhà Trắng hôm 10/2. Ảnh: Reuters. |
Theo một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ, Trump nhiều lần nói với các cố vấn rằng việc thúc đẩy quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc có thể phản tác dụng, bởi Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không hợp tác với Mỹ nếu Washington có bất cứ phát ngôn tiêu cực nào về Bắc Kinh.
Một số nguồn tin từ Nhà Trắng cho rằng nỗi lo lắng về thị trường tài chính bị xáo trộn, ảnh hưởng của chúng đến nền kinh tế, cũng như các cuộc đàm phán nhạy cảm với Trung Quốc về thỏa thuận thương mại đã tác động lớn đến cách phản ứng của Trump với cách Trung Quốc ứng phó dịch Covid-19.
Mỹ đã xác nhận 15 ca nhiễm nCoV, trong khi giới chức cảnh báo có thể xuất hiện thêm nhiều trường hợp nhiễm virus mới. Hôm 16/2, Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), cho biết 44 công dân nước này trên du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly ở cảng Yokohama, Nhật Bản cũng dương tính với nCoV. Giới chức Nhật hôm nay thông báo thêm 14 người Mỹ trên du thuyền dương tính với virus.
Khi dịch bệnh mới xuất hiện, chính phủ Mỹ phát đi thông điệp rằng mối đe dọa với người dân nước này vẫn ở mức thấp và nCoV chưa lan rộng trong cộng đồng, dù cảnh báo tình hình có thể thay đổi. Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều ca bệnh xuất hiện bên ngoài Trung Quốc đã khiến các cố vấn thay đổi quan điểm, dẫn tới sự điều chỉnh trong phản ứng của chính phủ.
Cuối tháng trước, khi tình hình ngày càng trở nên rõ ràng rằng dịch bệnh nguy hiểm hơn nhiều so với dự đoán, nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới, bao gồm Mỹ, quyết định ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc. Washington thậm chí cấm người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày nhập cảnh, đồng thời ra lệnh cách ly bắt buộc với những người Mỹ từng đến Hồ Bắc trong vòng 14 ngày.
Thị trường chứng khoán lao dốc sau những phản ứng quyết liệt này, khiến Trump lo lắng nền kinh tế Mỹ sẽ bị tổn hại nếu chính quyền hành động mạnh mẽ hơn. Tổng thống Mỹ nói với các cố vấn rằng ông không muốn chính quyền làm hoặc nói bất cứ điều gì khiến thị trường bị đe dọa thêm, mặc dù vẫn lo ngại sự bùng phát trên quy mô lớn của dịch bệnh có thể gây bất lợi cho chiến dịch tái tranh cử của ông.
Theo một số quan chức cấp cao giấu tên, các cố vấn cấp cao ở Nhà Trắng đang bất đồng trong việc lựa chọn thông tin để cung cấp cho Trump cũng như thông điệp nào nên gửi tới công chúng Mỹ.
Các quan chức Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) trấn an Trump rằng tình trạng lây nhiễm có thể giảm khi trời ấm hơn, bởi hầu hết chủng virus corona và các bệnh đường hô hấp đều được ngăn chặn trong thời tiết nóng. Tuy nhiên, ngay cả giới khoa học vẫn còn tranh cãi về cách hoạt động của nCoV cũng như diễn biến dịch Covid-19 trong tương lai.
"Ai đó đã nói với Tổng thống những điều dựa trên cơ sở thực tế. Tuy nhiên, khi đối mặt với một chủng virus có nguy cơ gây đại dịch hoàn toàn mới, không có cách nào biết trước được điều gì sẽ xảy ra khi thời tiết ấm lên", Fauchi thừa nhận.
Bất chấp phát biểu mềm mỏng của Trump với Trung Quốc, một số cố vấn của ông công khai đưa ra quan điểm trái ngược. Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, cho biết Washington "thất vọng" với phản ứng của Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi nước này minh bạch hơn.
Các quan chức khác, bao gồm Joseph Grogan, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Đối nội, cũng cho rằng không thể tin tưởng Trung Quốc. Peter Navarro, một trong những cố vấn thương mại hàng đầu của Trump, nhiều lần kêu gọi Washington thể hiện lập trường cứng rắn hơn.
Những phát biểu của Trump về dịch Covid-19 cũng như cách Trung Quốc xử lý nó hoàn toàn trái ngược với phản ứng của ông trong dịch Ebola ở châu Phi hồi năm 2014, khi ông chưa đắc cử. Khi đó, Trump đã kịch liệt chỉ trích chính quyền Barack Obama và kêu gọi Mỹ đóng cửa biên giới, không cho phép các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân ở châu Phi trở về.
Một số quan chức tiết lộ thái độ mềm mỏng của Trump về nCoV bắt nguồn từ các cuộc họp giữa ông với Bộ trưởng Azar, người dường như đang kiểm soát quá mức vấn đề phản ứng với công chúng. Ông được cho là từng đề nghị các bác sĩ không đi quá sâu vào chi tiết dịch bệnh khi báo cáo cho Trump. Các nguồn tin nói thêm rằng nhiều quan chức Nhà Trắng không ưa Azar.
Tuy nhiên, Fauci cho biết Azar đưa các chuyên gia y tế theo trong gần như mọi cuộc họp và "luôn thuận theo ý họ". "Đó là lý do bất cứ khi nào Tổng thống muốn báo cáo ngắn, Alex luôn đưa tôi và giám đốc CDC Bob Redfield theo. Ông ấy lúc nào cũng muốn chúng tôi cung cấp thông tin khoa học thẳng thắn cho Tổng thống", giám đốc NIAID đề cập tới Bộ trưởng Azar.
Bất chấp những mâu thuẫn trong chính quyền, phản ứng của Washington với dịch Covid-19 trong những tuần gần đây được đánh giá đã trôi chảy và phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan, với những cuộc gọi trao đổi hàng ngày.
"Hệ thống y tế công cộng của chúng tôi tốt nhất thế giới và đang hoạt động hiệu quả. Hệ thống đó đã phát hiện 15 trường hợp tại Mỹ", Bộ trưởng Azar tuyên bố hôm 14/2.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)
Mỹ - Trung thêm căng thẳng vì nCoV
Quan hệ Mỹ - Trung vốn không êm đềm vì chiến tranh thương mại và cạnh tranh siêu cường đang trở nên căng thẳng kể ... |
Mỹ công bố bản cáo trạng mới với tập đoàn Huawei
Vào hôm 13-2, các công tố viên Mỹ vừa tiếp tục đưa ra bản cáo trạng mới nhằm vào tập đoàn Huawei, trong đó tố ... |
Trung Quốc chưa cho đoàn chuyên gia Mỹ tới chống dịch
Trung Quốc vẫn chưa phản hồi đề nghị giúp đỡ chống virus corona của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ từ ... |