Hạn chế của hệ thống pháp luật và văn hóa gia trưởng được coi là nguyên nhân chính khiến nhiều phụ nữ nhập cư bị bạo hành ở Hàn Quốc.
|
|
Hình ảnh từ video quay lại sự việc cho thấy người vợ Việt bị chồng đánh trước sự chứng kiến của con trai. Ảnh: Korea Times. |
Một người chồng Hàn Quốc bị bắt hôm 8/7 sau khi video anh ta đánh vợ tại nhà ở Yeongnam, tỉnh Nam Jeolla lan truyền trên mạng. Người chồng đấm đá, lấy chai rượu đánh vợ vì cô không nói thạo tiếng Hàn. Sau nhiều lần bị chồng bạo hành, K, người vợ Việt Nam 30 tuổi, đã quay video làm bằng chứng và gửi cho người quen, nhờ trình báo cảnh sát và đưa lên mạng xã hội.
Các nhà phê bình cho rằng thái độ gia trưởng, cùng các quy định trong luật nhập cư coi người chồng như là "trung tâm" đang khiến tình trạng vi phạm nhân quyền với phụ nữ nước ngoài lấy chồng Hàn Quốc thêm trầm trọng.
Luật nhập cư trước đây của Hàn Quốc quy định chồng là người bảo lãnh thị thực và tình trạng nhập cư cho vợ cũng như khi xin gia hạn visa hoặc nộp đơn thường trú. Luật này bị bãi bỏ hồi tháng 12/2011 để bảo vệ tốt hơn hôn nhân của người nhập cư, nhưng các nhóm hoạt động vì quyền người nhập cư cho hay thủ tục pháp lý vẫn gây khó khăn cho những người vợ nước ngoài muốn xin thường trú hay xin quốc tịch Hàn Quốc nếu không có chồng giúp đỡ.
"Người nước ngoài phải qua vòng phỏng vấn sau khi nộp đơn xin nhập quốc tịch Hàn Quốc và tới tận năm ngoái, cơ quan di trú vẫn không tạo cơ hội cho những người vợ nước ngoài đến phỏng vấn nếu không có chồng đi cùng", Kang Hye-sook, đại diện của Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc, nói.
Nhiều quy định pháp lý phức tạp, mơ hồ khác cũng là những điều mà đa số các người vợ nhập cư không thể tự làm vì không thạo tiếng và không ai giúp đỡ. Điều này khiến đàn ông Hàn Quốc như được trao quyền kiểm soát số phận của vợ ngoại quốc bằng việc gây sức ép với họ trong vấn đề xin thường trú. Đây là lý do nhiều phụ nữ lặng lẽ chịu đựng bạo hành gia đình mà không dám báo với cơ quan chức năng.
Những người vợ ngoại quốc chỉ được quyền sinh sống hợp pháp tại Hàn Quốc mà không cần sự giúp đỡ của chồng trong trường hợp chồng chết hoặc bỏ rơi họ. Ngoài ra, khi vợ nước ngoài muốn ly dị chồng Hàn Quốc, họ phải đấu tranh trước tòa để chứng minh đó là lỗi của chồng.
Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, hết năm 2014, nước này có 132.391 phụ nữ nước ngoài là người nhập cư theo dạng kết hôn, chiếm 10% số người ngoại quốc sống ở Hàn Quốc.
Khảo sát năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia cho thấy 42,1% trong số 920 người được hỏi từng bị bạo hành gia đình. 38% bị lạm dụng thể chất, trong khi gần 20% nói từng bị đe dọa bằng hung khí.
Tuy nhiên, 31,7% cho hay chưa từng xin giúp đỡ. 25% nói không muốn người khác biết mình bị bạo hành, còn 20,7% không biết xin giúp đỡ ở đâu, 20,7% còn lại nghĩ rằng sẽ chẳng ai giúp đỡ trong tình huống này.
|
|
Những phụ nữ nước ngoài lấy chồng Hàn Quốc biểu tình phản đối bạo hành gia đình trước trụ sở Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc hồi tháng 6/2011. Ảnh: Korea Times. |
Nghiên cứu năm 2015 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc (MOGEF) cho thấy 6,4% phụ nữ nhập cư ly hôn với lý do bị đối xử tệ bạc và bị bạo hành. Kang cho rằng chính quyền nên đưa ra các quy định pháp luật tạo sự bình đẳng cho mối quan hệ của các cặp vợ chồng khác chủng tộc.
"Một nền văn hóa gia đình phân biệt giới tính và một hệ thống luật nhập cư yếu kém là lý do những người vợ nước ngoài phải chịu cảnh bạo hành ở Hàn Quốc", Kang nói.
Sokha, một phụ nữ Campuchia kết hôn với chồng Hàn Quốc năm 2008, bị chồng đánh lần đầu vào năm thứ ba sau khi kết hôn. Năm đầu tiên, anh ta chửi mắng cô, nói rằng "đã trả tiền để đưa cô tới đây làm ruộng cùng mình". Sau đó, anh ta bắt đầu bạo hành thể xác, như túm tóc vợ, đẩy vợ vào tường hay ném đồ đạc vào người.
Khi đứa con nhỏ gào khóc cầu xin, anh ta sẽ bật tivi to lên và tiếp tục đánh vợ. Cô đã nhờ người làng giúp đỡ nhưng họ nói rằng cô "phải chịu cho quen". Năm thứ 10 sau khi tới Hàn Quốc, Sokha thuyết phục chồng giúp mình nộp đơn xin nhập tịch nhưng anh ta rút đơn sau khi cô bỏ trốn tới một nơi trú ẩn.
Kang cho rằng văn hóa gia trưởng ở Hàn Quốc là nguyên nhân chính của tình trạng chồng bạo hành vợ nước ngoài. Những cặp vợ chồng này thường có chênh lệch tuổi trung bình khoảng 10 năm và không có địa vị ngang nhau về quyền lực gia đình.
"Kết quả là các ông chồng Hàn Quốc thường không coi người vợ trẻ quốc tịch nước ngoài là một phần của gia đình hoặc nghĩ rằng 'Tôi đưa cô về đây và có quyền đối xử với cô theo cách tôi thấy phù hợp'", Kang nói.
Thủ tướng Hàn Quốc lấy làm tiếc vì vụ cô dâu Việt bị chồng đánh gãy xương
Thủ tướng Lee Nak-yon hứa nỗ lực bảo vệ an toàn cho người dân Việt Nam sống tại Hàn Quốc trong cuộc gặp Bộ trưởng ... |
Hàn Quốc: Nghi phạm vụ đánh vợ Việt gãy xương ra tòa
Nghi phạm đánh đập tàn nhẫn người vợ Việt trong vụ việc đang khiến dư luận Hàn Quốc phẫn nộ đã ra tòa ở TP ... |
Hồng Hạnh (Theo Korea Times)