Giới chức Mỹ tin rằng Triều Tiên vẫn chế tạo thêm nguyên liệu sản xuất vũ khí hạt nhân sau hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim.
Các cơ quan tình báo Mỹ nhận định lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang tìm cách che giấu các cơ sở hạt nhân bí mật này, nhằm buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thêm nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hạt nhân.
Đánh giá của tình báo Mỹ trái ngược với tuyên bố của Trump sau cuộc gặp thượng đỉnh với Kim rằng "không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên".
Một số quan chức giấu tên cho rằng Bình Nhưỡng đã cố gắng thu được nhiều lợi ích nhất từ cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore, trong khi vẫn duy trì kho vũ khí hạt nhân giúp bảo vệ sự toàn vẹn của quốc gia này. Triều Tiên dường như đã đẩy nhanh tốc độ làm giàu urani, cũng như tăng sản lượng plutoni từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về báo cáo này. Washington và Bình Nhưỡng thống nhất cùng hợp tác tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng chưa có một thỏa thuận cụ thể về lịch trình thực hiện. Tổng thống Mỹ cũng ra lệnh hủy các cuộc tập trận chung quy mô lớn với Hàn Quốc, động thái được coi là sự nhượng bộ lớn với lãnh đạo Triều Tiên.
"Dù Triều Tiên đã ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, không có bằng chứng cho thấy họ cắt giảm kho vũ khí hay ngừng sản xuất nguyên liệu hạt nhân. Có dấu hiệu cho thấy nước này đang tìm cách lừa Mỹ", một quan chức Mỹ giấu tên nhận định, khi thông báo về báo cáo tình báo này. Tình báo Mỹ đã tăng cường hoạt động thu thập thông tin về Triều Tiên trong nhiều năm qua, dường như điều này đã mang lại kết quả tại quốc gia được coi là mục tiêu khó do thám nhất thế giới. "Chúng tôi đã tìm hiều được nhiều điều mà Triều Tiên che giấu từ lâu", quan chức tình báo Mỹ giấu tên khẳng định.
Nhà máy hạt nhân Yongbyon hồi năm 2013. Ảnh: KCNA.
Bình Nhưỡng được cho là có ít nhất một cơ sở làm giàu nguyên liệu phóng xạ, ngoài nhà máy Yongbyon được nước này công khai. "Tốc độ xây dựng cơ sở Yongbyon hồi năm 2009 cho thấy đây không phải lần đầu Triều Tiên thực hiện dự án như vậy", Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình chống phổ biến vũ khí tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury của Mỹ, nhận định.
Joel Wit, người đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên năm 1994, khẳng định Mỹ đã biết Triều Tiên có ít nhất hai cơ sở hạt nhân riêng biệt, gồm Yongbyon và một địa điểm giấu tên. "Có khả năng còn nhiều nhà máy khác", ông tuyên bố.
"Hoạt động tại Yongbyon không nhất quán với ý định từ bỏ chương trình hạt nhân được Bình Nhưỡng công bố. Có rất ít lý do để mở rộng nhà máy này nếu chính quyền Triều Tiên muốn tháo dỡ theo các điều khoản thỏa thuận phi hạt nhân hóa", Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), khẳng định.
Tuy nhiên, vẫn có những quan chức tình báo Mỹ đưa ra quan điểm khác biệt. Một quan chức cấp cao trong cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá quyết định ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Kim Jong-un là "ngoài mong đợi" và việc hai bên ngồi vào bàn đàm phán là bước đi mang tính tích cực.
Nhưng quan chức này cũng nhất trí với đánh giá rằng Triều Tiên đang tìm cách qua mặt Mỹ. "Họ đang tiến hành các bước đi để che mắt Mỹ ở nhiều cơ sở, nhiều vũ khí hạt nhân và tên lửa", ông nói. "Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ".
Báo Anh: Triều Tiên vừa xử tử công khai trung tướng quân đội
Một quan chức quân đội cấp cao Triều Tiên vừa bị xử tử theo lệnh của lãnh đạo Kim Jong-un vì phân phối cho các ... |
Tạm yên tâm với Triều Tiên, Mỹ sẽ làm gì tiếp theo tại Biển Đông?
Hơn 500 ngày sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền, các đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á vẫn đang đợi ... |
Buổi tiệc tôn vinh Trump bằng quốc ca Triều Tiên
Tại một buổi tiệc ở Washington, Tổng thống Trump được ca ngợi là người "giữ mọi lời hứa" và "biến nước Mỹ vĩ đại trở ... |