Thượng đỉnh G-7: Thành công dù Tuyên bố chung "gói gọn" trong một trang giấy

Tuyên bố chung vô cùng ngắn gọn, dài đúng 1 trang giấy, trong đó đề cập đến các vấn đề như thương mại quốc tế, Iran, Ukraine, Lybia và Hong Kong.

Tuyên bố tổng kết của các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Biarritz (Pháp) được thu gọn chỉ trong một tờ giấy, trong đó đề cập đến các vấn đề thương mại, chương trình hạt nhân Iran, cũng như tình hình ở Ukraine, Iran, Libya và Hong Kong.

Các nhà lãnh đạo muốn nhấn mạnh sự đoàn kết tuyệt vời và thái độ tích cực của mình trong các cuộc thảo luận. Hội nghị thượng đỉnh G-7, do Pháp tổ chức ở Biarritz, cho phép người đứng đầu các quốc gia và chính phủ đạt được thỏa thuận về nhiều nội dung được liệt kê ngắn gọn sau đây” – mở đầu bản tuyên bố viết.

 Các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp tại Biarritz, Pháp. (Ảnh: Reuters)

Ở vị trí đầu tiên là nội dung về các vấn đề thương mại. “G-7 cam kết tuân thủ các nguyên tắc thương mại quốc tế cởi mở và công bằng, cũng như duy trì sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu” – văn kiện viết. Cụ thể, trong đó nêu rõ ý định của các nước thành viên G-7 là thay đổi WTO nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa của tổ chức này trong một số lĩnh vực.

Chương trình hạt nhân Iran là nội dung ưu tiên thứ hai. “Chúng tôi hoàn toàn tán thành hai mục tiêu: ngăn chặn Iran có vũ khí hạt nhân và thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực” – các thành viên G-7 nêu rõ.

Nội dung thứ ba trong tuyên bố tổng kết này là tình hình ở Ukraine. Tại điểm này, văn kiện nhấn mạnh, Pháp và Đức dự định sẽ tổ chức một cuộc họp theo “định dạng Normandy” trong những tuần tới.

Chủ đề thứ tư được nhắc đến trong tuyên bố là Libya. Các nhà lãnh đạo G-7 đều nhất trí rằng việc ngừng bắn sẽ mang lại ổn định ở đất nước này. “Chúng tôi tin rằng chỉ có một quyết định chính trị mới có thể đảm bảo sự ổn định ở Libya” – văn kiện viết. Đồng thời, tuyên bố cũng lưu ý rằng các nhà lãnh đạo các quốc gia đang trông đợi vào một “hội nghị quốc tế được chuẩn bị tốt, tập hợp đủ tất cả các bên và 'người chơi' trong khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột”.

Nội dung cuối cùng mà bản tuyên bố nhắc tới là tình hình ở Hong Kong. Các nhà lãnh đạo G-7 kêu gọi tránh bạo lực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố năm 1984 giữa Anh và Trung Quốc.

Dù ngắn gọn nhưng để có thể ra được 1 thông cáo chung, G-7 năm nay đã được coi là thành công khi nhớ lại vào năm 2018 ở Canada, các bên thậm chí không thể ra Tuyên bố chung và Tổng thống Mỹ Donald Trump còn chỉ trích công khai chủ nhà Canada.

Theo PV VOV tại Paris, G-7 năm nay từ đầu và tất cả các phiên họp, từ chính thức cho đến các cuộc gặp song phương bên lề nhưng vô cùng quan trọng, có hai điểm nổi bật. Thứ nhất, đó là sự sắp xếp và đạo diễn có chủ ý rất rõ ràng của nước chủ nhà Pháp nhằm truyền thông tối đa cho các quan điểm của Pháp cũng như hình ảnh của cá nhân Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron. Từ việc chọn chủ đề của hội nghị là “Đấu tranh chống bất bình đẳng” cho đến các phiên thảo luận chính thức về hợp tác với châu Phi, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số hay bình đẳng giới… Khách quan mà nói, đây là các chủ đề không hấp dẫn, và không thực sự đáp ứng đúng như chờ đợi của một Thượng đỉnh G-7.

Nhưng đây đều là các chủ đề tạo ra sự nổi bật nhất của chủ nhà Pháp và ông Macron, đồng thời làm rõ sự khác biệt giữa Pháp và Mỹ, giữa ông Macron và ông Donald Trump bởi 1 bên là ông Macron đang muốn tiến lên như người lãnh đạo tiên phong trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, chống bất bình đẳng giới và thu nhập với một bên là ông Donald Trump coi lợi ích nước Mỹ trên hết, sẵn sàng xoá bỏ các thoả thuận về môi trường, đồng thời theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ.

Đây là các dụng ý rõ ràng từ phía Pháp và đúng như phái đoàn Mỹ chỉ trích, G-7 năm nay có nhiều chủ đề và tình huống đẩy nước Mỹ cũng như cá nhân ông Donald Trump vào thế khó xử và mất mặt. Vụ việc ông Macron mời Ngoại trưởng Iran, Javad Zarif đến G-7 trong vài tiếng đồng hồ chiều 25/8 là một ví dụ khác cho thấy ông Macron đã giành thế chủ động và đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tình thế miễn cường đồng ý. Vì vậy, về tổng thể Thượng đỉnh G-7 năm nay, có thể coi là nước Pháp, đặc biệt là cá nhân Tổng thống Pháp Macron đã thành công.

Tuy nhiên, để có thành công đó, phần nhiều cũng là do các nguyên thủ G-7 năm nay đều đã hành động tương đối kiềm chế, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Hai chính trị gia có tính cách khó đoán này đã hành xử tương đối chuẩn mực và kín kẽ ở G-7, có lẽ phần lớn là do không muốn tạo ra một bầu không khí bất lợi giữa các đồng minh trong bối cảnh đang phải đối mặt với các thách thức lớn hơn, với Mỹ là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc còn với Anh là vấn đề Brexit vẫn đang bế tắc nghiêm trọng. Vì thế, G-7 năm nay ghi nhận sự thận trọng đáng kể của các lãnh đạo G-7 và đó cũng là nguyên nhân đáng kể giúp Hội nghị không thất bại.

Hội nghị thượng đỉnh G-7 diễn ra tại Biarritz từ thứ Bảy tuần trước và kết thúc vào ngày hộm qua (thứ Hai, ngày 26/8).

(Nguồn: RIA)

Văn Đức

 

 

Hội nghị G7 bất đồng về việc mời Nga trở lại với tư cách thành viên

Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã không đạt được sự đồng thuận mời Nga quay trở lại với tư cách thành viên.

Trump có thể mời Putin đến hội nghị G7 ở Mỹ

Tổng thống Mỹ cho biết việc mời lãnh đạo Nga tới hội nghị G7 năm sau đã được các nước thành viên thảo luận và ...

/ vtc.vn