Thương chiến Mỹ - Trung có thể đẩy lùi xuất khẩu Việt Nam

Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, Việt Nam từng được kỳ vọng hưởng lợi nhất nhưng "gió sẽ đổi chiều" nếu cuộc chiến trở thành xung đột tiền tệ. 

Bloomberg trong bài viết cuối năm 2018 gọi Việt Nam là "người chiến thắng" trong thương chiến Mỹ - Trung nhờ sự chuyển dịch đầu tư. Bốn tháng sau đó, những số liệu về xuất khẩu sang Mỹ một lần nữa chứng minh điều này khi nhiều mặt hàng chủ lực Việt Nam có mức tăng cao đột biến.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Mỹ, nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam tăng hơn 40% trong 3 tháng đầu năm nay, trong khi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 13,9%. Các chuyên gia cũng dự đoán, nếu giữ vững đà tăng trưởng này trong cả năm, Việt Nam có thể bỏ xa Italy, Pháp, Anh và Ấn Độ, vươn lên vị trí thứ 7 trong nhóm những quốc gia xuất khẩu hàng đầu tới Mỹ. 

Tuy nhiên, khi thương chiến đẩy lên mức độ mới, chủ nghĩa bảo hộ thương mại cao quá mức cần thiết, sự tăng trưởng "nóng" của xuất khẩu gần đây có thể đẩy Việt Nam vào vòng xoáy bất lợi. Bloomberg, trong bài viết cách đây hai ngày, nhận định Việt Nam có thể mắc kẹt giữa những xung lực đối lập từ cuộc chiến Còn lãnh đạo Bộ Công Thương và các chuyên gia kinh tế mới đây cũng dự báo, xuất khẩu có thể sẽ gặp nhiều rào cản trong thời gian tới.

'Cơn gió ngược' của xuất khẩu

Trong cuộc họp tổng kết nửa đầu năm 2019 của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) hôm qua (7/8), lãnh đạo Bộ nhận định, chiến tranh thương mại diễn biến quá nhanh, cùng với xu hướng bảo hộ lên cao quá mức cần thiết, có thể trở thành rào cản cho xuất khẩu.

Bốc dỡ container ở Tân Cảng  - Cái Mép.

Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung quá phức tạp, diễn biến nhanh và vượt quá khả năng đánh giá, dự báo cũng như phân tích. Cuộc chiến thương mại này đang đặt ra thách thức rất lớn cho các quốc gia có quan hệ thương mại với hai nước này, trong đó có Việt Nam.

"Từ chỗ là cuộc xung đột thương mại, chuyển sang xung đột công nghệ và giờ là xung đột tiền tệ. Xung đột thương mại có thể đánh thẳng vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, và sụt giảm doanh số sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng xuất khẩu", ông nhận xét.

Ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Xuất nhập khẩu cho biết, quy mô xuất khẩu 7 tháng đạt hơn 145 tỷ USD, trong đó có 24 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Những con số này, Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, đạt khá so với các nước trong khu vực khi một số nơi có dấu hiệu giảm. 

"Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ ở nhiều nước lên cao quá mức cần thiết, xung đột thương mại Mỹ - Trung đang là rào cản cho xuất khẩu của Việt Nam", ông Chinh nhận xét.

Không riêng Bộ Công Thương, những báo cáo gần đây của các công ty chứng khoán cũng bắt đầu đề cập đến khả năng suy giảm xuất khẩu, khi diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung quá nhanh so với những dự báo trước đó.

"Trong các thập niên vừa qua, làn sóng siêu toàn cầu hóa đã thúc đẩy sự dịch chuyển sản xuất tới các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển một cách sâu rộng. Tuy nhiên, các nước này đang đối mặt với 'làn gió ngược' khi hoạt động thương mại quốc tế hình thành xu hướng giảm trong 2 năm vừa qua" - nhận định được đưa ra trong báo cáo chuyên đề cuối tháng 7 của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Tăng trưởng xuất khẩu tính đến giữa tháng 6/2019 của Việt Nam đạt 7,1%, mức khá thấp trong các năm trở lại đây, theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan. Theo đánh giá của VDSC, trong năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu có thể chỉ đạt 8% và cũng là "lần đầu tiên trong thập kỷ qua", tỷ lệ này thấp hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa.

"Hiện nay chưa có đánh giá rõ ràng nào cho thấy quan hệ nhân quả, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc sẽ kéo tăng trưởng GDP giảm. Tuy nhiên, thật khó có thể phủ nhận những tác động tiêu cực do động lực xuất khẩu suy giảm", nhóm phân tích của VDSC nhận định. Lý do là việc xuất khẩu suy yếu có thể ngay lập tức tác động tới cán cân thương mại quốc gia, khi nhập khẩu Việt Nam có xu hướng tiếp tục tăng cao do nhu cầu đầu tư phát triển lớn.

Thế khó của VND

Tuy nhiên, rủi ro cho câu chuyện thương mại còn tiếp tục được đẩy lên, khi Trung Quốc có xu hướng sử dụng đồng nhân dân tệ (CNY) như một biện pháp trả đũa lại Mỹ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sáng nay (8/8) công bố tỷ giá tham chiếu ngày là 7,0039 nhân dân tệ đổi một đôla Mỹ, mức yếu nhất kể từ tháng 4/2008.

Đồng đôla của Mỹ và nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo các chuyên gia, động thái hạ giá CNY gần đây giúp hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn, gia tăng sức cạnh tranh, nhưng Việt Nam, vốn là quốc gia có độ mở lớn, không thể hạ giá tiền đồng quá sâu bởi rủi ro sẽ bị Mỹ đưa vào danh sách các quốc gia phá giá tiền tệ. 

Cuối tháng 5, Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách đối tác thương mại cần giám sát. Tại báo cáo này, cơ quan giám sát tài chính Mỹ nêu tên Việt Nam cùng 8 quốc gia khác, do Việt Nam thỏa mãn hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai. Tuy nhiên, báo cáo này cũng kết luận Việt Nam không thao túng tiền tệ.

Trong ba tiêu chí, yếu tố cuối cùng Việt Nam chưa thỏa mãn là "can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ".

"Việt Nam cần hết sức bình tĩnh, không chạy theo vòng xoáy chiến tranh tiền tệ, nhất là khi chúng ta từng bị Mỹ liệt kê vào danh sách theo dõi theo túng tiền tệ", TS Cấn Văn Lực nói với VnExpress.

Nhận định về động thái hạ giá CNY của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), ông Lực cho rằng có ba yếu tố Việt Nam cần lưu tâm trong vấn đề tỷ giá hiện nay.

Thứ nhất, chính sách tỷ giá của Việt Nam có thể không có tác động nhiều đến xuất khẩu hay thương mại do cấu trúc nền kinh tế. "Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, với giá trị xuất khẩu cao nhưng nhập khẩu cũng rất lớn. Hạ giá tiền đồng sẽ không tạo động lực quá lớn bởi sẽ ảnh hưởng cả khía cạnh nhập khẩu", TS Cấn Văn Lực cho biết.

Thứ hai, mỗi khi thay đổi chính sách tỷ giá phải tính toán tổng hoà nhiều mặt của nền kinh tế, không riêng hoạt động thương mại. Và yếu tố cuối cùng, theo chuyên gia này, Việt Nam đã bị Mỹ liệt kê vào danh sách của những nước bị theo dõi, giám sát, do đó phải "bình tĩnh" để không lún sâu vào vòng xoáy hạ giá tiền tệ.

Trong báo cáo ngày hôm qua, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định dù có thể chịu sức ép giảm giá theo CNY nhưng tiền đồng sẽ không giảm giá quá sâu (trên 3%).

Trong ngắn hạn, theo BVSC, VND có thể sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ diễn biến giảm giá của nhân dân tệ nhưng tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên cơ quan điều hành vẫn đang còn khá nhiều "dư địa". Diễn biến thực tế những ngày gần đây cũng cho thấy, trong khi tỷ giá trung tâm liên tục lập đỉnh mới thì giao dịch trên thị trường chính thức tại các ngân hàng hầu như không có biến động. 

Minh Sơn - Anh Minh

Mỗi gia đình Mỹ mất 1.000 USD/năm vì thương chiến
Thương chiến leo thang, Trung Quốc “ra đòn hiểm”?
Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ, dọa tăng thuế để đáp trả
Thương chiến Mỹ-Trung: Người Trung Quốc không dám chi tiêu, tăng tiết kiệm
Thương chiến leo thang, Apple, Samsung tuột dốc tại Trung Quốc
Cái giá quá đắt Trung Quốc phải trả khi lao vào thương chiến với Mỹ
/ vnexpress.net