Thuế VAT và đề xuất của Bộ Tài chính, những điều có thể bạn chưa biết

Bộ Tài chính đang đề xuất đưa phần lớn hàng hoá, dịch vụ của 14 nhóm hàng đang có thuế suất 5% vào nhóm 10%, rồi sau 1.1.2019 tăng từ mức 10% lên 12%.

thue vat va de xuat cua bo tai chinh nhung dieu co the ban chua biet
Thuế VAT đơn thuần là một khoản được cộng thêm vào giá bán của đối tượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Ảnh KH.

Trong khi đó, nước sạch, thực phẩm tươi sống đang chịu thuế VAT 5%; mua bán nhà, xe cộ, phí vận tải chịu thuế suất 10%.

Câu chuyện thuế VAT đang thu hút sự chú ý của dư luận khi Bộ Tài chính đề xuất chỉnh sửa luật theo hướng tăng thuế. Nhiều người lo ngại thuế tăng chi phí sẽ tăng. Tuy nhiên, có nhiều điều về thuế VAT mà không phải ai cũng biết.

Thuế VAT lần đầu tiên được áp dụng tại Pháp trong năm 1954. Loại thuế này có nguồn gốc từ thuế doanh thu và là khoản thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Tính đến nay, đã có khoảng 130 quốc gia áp dụng thuế giá trị gia tăng.

Tại Việt Nam, hầu hết các hàng hoá dịch vụ bắt đầu phải chịu VAT từ năm 1999 khi Luật Thuế Giá trị gia tăng có hiệu lực thi hành.

Theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng, VAT là một loại thuế gián thu đánh trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng và được nộp vào ngân sách Nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ với 4 mức thuế suất phổ thông trong đó thuế suất cho hầu hết các mặt hàng, dịch vụ là 10%. Còn lại, một số mặt hàng dịch vụ thuế suất 0% gồm: Dịch vụ cấp tín dụng, bưu chính, viễn thông, tái bảo hiểm ra nước ngoài... và nhóm thuế suất 5% gồm: Nước sinh hoạt, đường, dụng cụ học tập, đồ chơi, thiết bị y tế... Nhóm thuế suất 20% gồm: Vàng, bạc, đá quý, dịch vụ môi giới.

Thuế giá trị gia tăng đơn thuần là một khoản được cộng thêm vào giá bán của đối tượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Loại thuế này do người tiêu dùng chịu nhưng không phải do người tiêu dùng trực tiếp nộp mà là do người bán sản phẩm (hoặc dịch vụ) nộp thay vào kho bạc, do trong giá bán hàng hoá (hoặc trong dịch vụ) có cả thuế giá trị gia tăng. Do đó, khi thuế VAT tăng, hàng triệu người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là với các sản phẩm dịch vụ mang tính thiết yếu như nước sạch, điện, phí vận tải hay thực phẩm.

/ Lâm Anh/laodong.com.vn