Thua lỗ liên miên, đường sắt Việt Nam xin vay ưu đãi 800 tỷ: Trông vào đâu trả nợ?

Tổng vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có hơn 3.200 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản. Trong khi ước 2 năm 2020 và 2021, doanh nghiệp này lỗ 2.200 tỷ đồng.

Tổng công ty Đường sắt lo thua lỗ hết vốn chủ sở hữu

Năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 cùng với việc triển khai thi công gói đầu tư 7.000 tỷ đồng, đồng thời do ảnh hưởng nặng nề của đợt bão, lũ tại khu vực miền Trung tháng 11 - 12 năm 2020, sản lượng, doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng chỉ bằng 81% so với năm 2019 và lỗ 1.300 tỷ đồng.

VNR đã thực hiện hàng loạt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để quản trị dòng tiền nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, cụ thể như đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đã thực hiện phân khúc khách hàng để khai thác hiệu quả các tuyến cự ly trung bình, phát triển thêm sản phẩm dịch vụ mới từng bước cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của xã hội.

Hệ thống bán vé điện tử được đưa vào sử dụng và từng bước hoàn thiện để việc mua vé của khách hàng nhanh chóng và thuận tiện nhất.

Thua lỗ liên miên, đường sắt Việt Nam xin vay ưu đãi 800 tỷ: Trông vào đâu trả nợ? ảnh 1
Đường sắt Việt Nam lo ngại dịch bệnh kéo dài khiến việc kinh doanh thua lỗ liên miên, mất hết vốn chủ sở hữu

Tuy nhiên, VNR lo ngại, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp hết năm 2021 và kéo dài sang năm 2022, VNR sẽ mất hết vốn chủ sở hữu và đặc biệt khó khăn về dòng tiền hoạt động, mất cân đối nghiêm trọng dẫn đến có thể dừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, năng lực thông qua của các tuyến chính (Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Lào Cai) đã bị bão hòa, đặc biệt tuyến Hà Nội - TP.HCM bị hạn chế 18 đôi tàu thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch là 25 đôi tàu ngày đã ảnh hưởng lớn đến năng lực vận tải và sức cạnh tranh của ngành đường sắt.

Trong khi đó, sau 7 năm kêu gọi đầu tư vào ngành đường sắt, cho đến nay vẫn chưa dự án nào đủ điều kiện để thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Các dự án đã thực hiện chủ yếu là quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp (nâng cấp, cải tạo kho, bãi hàng phục vụ vận tải hàng hóa bằng đường sắt).

Cùng đó, vốn đầu tư, bảo trì cho đường sắt rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của định mức kinh tế kỹ thuật và mục tiêu chiến lược đề ra, chỉ mới thực hiện cải tạo, nâng cấp một vài điểm xung yếu của 2 tuyến Hà Nội – TP.HCM, Hà Nội - Lào Cai.

Nguy cơ 13.000 lao động thất nghiệp

Theo Tổng giám đốc VNR - ông Đặng Sỹ Mạnh, dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát trở lại từ ngày 27/4/2021, khiến một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề với số ca nhiễm dịch lớn, ổ dịch phức tạp đã tiến hành giãn cách xã hội.

Dịch bùng phát đợt 4 ngay vào dịp nghỉ lễ nên đã có 11.383 vé bị trả lại với doanh thu bị trả lại xấp xỷ 4 tỷ đồng. Trong tháng 5/2021, tổng số đoàn tàu khách bãi bỏ là 393 đoàn.

Đến hiện tại, trên toàn mạng lưới đường sắt tàu khách chỉ chạy duy nhất 1 đôi tàu Thống nhất là SE7/8; tàu địa phương không chạy. Dự kiến, năm 2021, đường sắt Việt Nam lỗ khoảng 940 tỷ đồng (vốn điều lệ của VNR là hơn 3.200 tỷ đồng).

Các đơn vị vận tải đường sắt phải cho lao động nghỉ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương, nghỉ luân phiên. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài qua năm 2022, nguy cơ mất hết vốn chủ sở hữu có thể xảy ra, do đó việc không có đủ dòng tiền trả lương người lao động.

Trước việc thua lỗ liên miên, khó khăn chồng chất, mới đây, VNR đã kiến nghị Chính phủ cung cấp một gói hỗ trợ khẩn cấp 800 tỷ đồng ưu đãi cho Tổng công ty để bổ sung cho nguồn vốn lưu động tránh khỏi nguy cơ dừng hoạt động và các chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động khối vận tải hiện đang bị mất và thiếu việc làm.

Tuy vậy, nhiều câu hỏi đặt ra, đã rơi vào cảnh thua lỗ nặng, thì tiền đâu để VNR trả nợ? Hơn nữa, tại sao VNR không vay thương mại mà xin vay ưu đãi? Trả lời cho những câu hỏi này, VNR cho rằng, với điều kiện hiện nay, Tổng công đủ điều kiện để vay ưu đãi.

Còn về khả năng trả nợ, VNR cho hay, dự kiến hết năm 2022, khi dịch được khống chế, hoạt động đường sắt mới trở lại bình thường.

Cùng với đó, gói 7.000 tỷ đồng sau khi hoàn thành sẽ làm tăng năng lực vận tải, giúp Tổng công ty tăng sản lượng vận chuyển, tăng doanh thu, đảm bảo có khả năng để trả nợ...

/ anninhthudo.vn