Thừa điện, thiếu đường dây: Độc quyền nhà nước thành độc quyền DN

Luật Điện lực quy định truyền tải là độc quyền nhà nước, nhưng đơn vị quản lý là EVN, độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

Việc cần làm ngay

Trước đề xuất cần thu hút tư nhân vào làm lưới điện, chuyên gia năng lượng - TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) thừa nhận, hiện nay đang có sự bùng nổ của đầu tư điện mặt trời, tuy nhiên ở một số khu vực, điện mặt trời công suất lớn lại không thể truyền tải được vì thiếu lưới truyền tải, gây lãng phí điện năng.

Trước nay, việc xây dựng lưới truyền tải vẫn sử dụng vốn Nhà nước và Luật Điện lực quy định truyền tải là độc quyền nhà nước, nếu cho tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải thì phải sửa luật. Chưa kể, nếu xây dựng đường dây 500kV thì phải được Quốc hội thông qua.

Trong khi chờ Quốc hội xem xét sửa luật thì trước mắt, theo vị chuyên gia, Nhà nước cần tập trung dồn vốn xây dựng lưới truyền tải. Nhưng xây dựng lưới truyền tải cũng phải mất nhiều năm mới xong, tùy thuộc vào tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng.

Lý giải thêm về việc tại sao Nhà nước phải độc quyền truyền tải, TS Ngô Đức Lâm chỉ ra rằng, an ninh truyền tải không chỉ là an ninh của ngành điện mà là an ninh quốc gia, việc giao cho tư nhân cầm cầu dao chứa đựng nhiều rủi ro khi lưới điện quốc gia có thể bị đánh sập bất cứ lúc nào.

Vì thế, việc bỏ độc quyền nhà nước đối với truyền tải là vấn đề lớn, cần phải được thảo luận kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia năng lượng chỉ ra việc cần làm ngay, đó là phải tách truyền tải và điều độ ra khỏi EVN.

Hiện Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang thực hiện vai trò của đơn vị truyền tải điện, quản lý vận hành hệ thống lưới điện truyền tải cấp điện.

Thống kê của EVN cho thấy, đến ngày 31/12/2016, EVNNPT quản lý và vận hành tổng cộng 23.517km đường dây (gồm 7.446 km đường dây 500kV và 16.071km đường dây 220kV); 126 trạm biến áp (gồm 26 trạm biến áp 500kV và 100 trạm biến áp 220kV) với tổng dung lượng máy biến áp là 67.638 MVA.

Điện mặt trời phát triển nóng nhưng lại thiếu lưới truyền tải. Ảnh minh họa

"EVNNPT là công ty con do EVN nắm 100% vốn điều lệ. Như vậy, có thể nói EVN vẫn đang độc quyền khâu truyền tải điện.

Nhưng như đã đề cập, Luật Điện lực quy định truyền tải là độc quyền nhà nước, EVN lại được giao quản lý thì độc quyền nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp", ông nói.

Tương tự, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia hiện nay cũng thuộc EVN. Phải tổ chức lại đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đó phải là đơn vị hoạt động phi lợi nhuận, tách biệt độc lập với EVN.

"Thị trường điện lực ra đời thì cơ cấu quản lý của ngành điện phải thay đổi phù hợp với cơ chế thị trường. Phải tách điều độ và truyền tải ra khỏi sự quản lý của EVN thì mới đảm bảo sự công bằng cho người sản xuất điện và người đấu lưới điện.

Vấn đề này đã được đề cập nhiều năm nay, nhưng cho tới nay EVN vẫn chưa thực hiện, liệu có yếu tố lợi ích ở trong này hay không?

Ngành điện Việt Nam hiện nay vẫn còn độc quyền nhiều, phải giải quyết vấn đề này trước tiên, sau đó mới bàn đến chuyện thị trường truyền tải. Tất cả phải có lộ trình từng bước", TS Ngô Đức Lâm đặt câu hỏi.

Phải quy hoạch và có luật năng lượng tái tạo

Điện mặt trời bùng nổ nhưng cơ quan quản lý chưa xử lý được, theo TS Ngô Đức Lâm, một phần vì địa phương được giao quyền rất nhiều trong phát triển năng lượng tái tạo.

Vì thế, ông cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo đến mức độ nào phải có nghiên cứu. Đặc biệt, sau này, giá làm điện mặt trời, điện gió sẽ ngày càng rẻ, có thể xuống thấp hơn giá làm nhiệt điện than, khi ấy dễ dẫn đến nguy cơ bổ sung năng lượng tái tạo quá nhiều. Vì thế, cần phải có quy hoạch và luật về năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường, tro xỉ thải không giải quyết được nhưng về lâu dài cũng cần phải xem xét vấn đề này. Những tấm panel mặt trời hết niên hạn sử dụng thì đó là rác thải và khi ấy giải quyết thế nào cũng là vấn đề lớn.

Một vấn đề khác được vị chuyên gia lưu ý, tính ổn định của điện gió, điện mặt trời trong hệ thống điện đến đâu cần phải có nghiên cứu, đặc biệt khi sau này tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện được nâng lên.

"Tóm lại, năng lượng mặt trời đang trong giai đoạn bùng nổ, Chính phủ phải đưa vào Quy hoạch Điện VIII tới đây để Nhà nước quản lý và sau này cần có luật về năng lượng tái tạo, phải nghiên cứu kỹ, kể cả đánh giá tác động môi trường của năng lượng tái tạo về lâu dài", TS Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.

Thành Luân

Thiếu điện, một ngày đứt nguồn dân chịu sao nổi
Bộ Công Thương: Năm 2020 có thể thiếu điện
Dân Venezuela đốt lửa gần dinh Tổng thống vì thiếu điện, nước
/ baodatviet.vn