Thủ tướng: Gỡ vướng cho hơn 2.200 dự án có tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng

Chính phủ đã rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng và tổng quy mô sử dụng đất 347.000 ha.

Số liệu trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi trình báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 5/5.

Xử lý dự án tồn đọng kéo dài, gây lãng phí nguồn lực

Cụ thể, Thủ tướng nêu rõ: "Công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực, nhất là việc xử lý các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực. Trong đó, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha".

Thủ tướng cũng cho biết, những tháng đầu năm 2025, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)

"Đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ). Đồng thời triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp", Thủ tướng nói.

Báo cáo của Thủ tướng nêu, giảm 13/13 tổng cục và tương đương; giảm 519 cục và tương đương (giảm 77,6%); giảm 219 vụ và tương đương (giảm 54,1%); giảm 3.303 chi cục và tương đương (giảm 91,7%); giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 38%). Biên chế tại các bộ, ngành giảm khoảng 22.000 người (đạt khoảng 20%).

Cùng đó, Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, người nước ngoài, chuyên gia nước ngoài.

Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm Chương trình công tác, Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung hoàn thiện thể chế, giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường thanh tra, kiểm tra và thực hiện kết luận thanh tra; đẩy mạnh giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân.

Theo đó, Chính phủ triển khai 1.538 cuộc thanh tra hành chính và 4.135 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 2.058 tỷ đồng, 720 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 381 tập thể và 1.083 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 26 vụ, 15 đối tượng.

Hoàn thành 607 kết luận thanh tra, chiếm 25,4% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra; tiếp nhận 92.290 đơn và đã xử lý 90.024 đơn các loại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nêu những hạn chế, bất cập cần được xử lý quyết liệt, trong đó, việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để, còn tập trung nhiều ở Trung ương, gây ách tắc và phiền hà cho cấp dưới.

Tăng trưởng tốt có thể miễn viện phí cho Nhân dân

 

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng cho rằng các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực.

Trước tiên, Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước trên 15%; điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển.

Đồng thời đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch.

"Quyết liệt phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng thuốc chữa bệnh, sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng; ngăn chặn, xử lý nghiêm và chấm dứt hành vi quảng cáo sai sự thật", Thủ tướng nhấn mạnh.

Một nhiệm vụ quan trọng khác được Thủ tướng đề cập là tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm để luật hóa gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng, nhất là các cơ chế, chính sách Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế biên giới, khu thương mại tự do, khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các đặc khu kinh tế mới...

Trong năm 2025, theo Thủ tướng, cần bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính; hoàn thiện trung tâm phục vụ hành chính công tại các bộ, ngành, địa phương về giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm thực hiện thông suốt, liên tục các thủ tục hành chính trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp...

"Cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để", Thủ tướng lưu ý.

Nhấn mạnh việc tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với tinh thần quyết liệt "không ngừng, không nghỉ", Thủ tướng đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.

Thủ tướng cũng đề cập đến nhiệm vụ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính. Triển khai hiệu quả các phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã được phê duyệt.

Theo mục tiêu được lãnh đạo Chính phủ đưa ra, phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 và các dự án quan trọng, động lực khác.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng cần bố trí nguồn lực để thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả ngay từ năm học 2025-2026. Huy động các nguồn lực để xây nhà nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số.

Kèm theo đó là tiếp tục đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chuyển từ công tác khám, chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe Nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho tất cả người dân.

"Đây là việc làm khó nhưng nếu chúng ta làm tốt, tăng trưởng tốt thì có thể làm được với tốc độ thu ngân sách như hiện nay", Thủ tướng khẳng định và đưa ra yêu cầu khẩn trương hoàn thành xây dựng, đưa bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 đi vào hoạt động trong năm 2025.

https://vtcnews.vn/thu-tuong-go-vuong-cho-hon-2-200-du-an-co-tong-von-gan-5-9-trieu-ty-dong-ar941460.html

Anh Văn / VTC News