‘Thu phí’ thành ‘thu giá’: Ngụy biện thế có bớt được sự trí trá không?

Chữ "thu giá" khiến không ít người cảm thấy như xem trò hề hay sự cợt nhả của chủ đầu tư, Bộ GTVT và dư luận đang đặt câu hỏi rằng liệu sự ngụy biện trí trá đó có làm thay đổi được bản chất bất cập của các trạm BOT?

Mấy ngày qua, nhiều người ngỡ ngàng khi xuất hiện thông tin các trạm thu phí BOT được đổi tên thành "trạm thu giá".

Sự xuất hiện cụm từ nghịch mắt này đã xảy ra những tình huống nực cười, một số bác tài khi qua trạm đã mang theo cả túi “giá đỗ” để thanh toán cho nhân viên. Nhiều người e ngại không biết việc đổi tên này có thật sự mang lại lợi ích cho người dân, hay có khi lại tạo cơ hội để cho các chủ đầu tư có thêm điều kiện để làm ăn “trí trá”.

thu phi thanh thu gia nguy bien the co bot duoc su tri tra khong
Nhiều người đang đặt câu hỏi rằng sự ngụy biện, trí trá đó có làm thay đổi được bản chất bất cập của các trạm BOT?

Sự xuất hiện của thuật ngữ “thu giá” đúng vào lúc Quốc hội chuẩn bị họp. Và không có gì lạ, khi người được giới báo chí vây quanh đặt câu hỏi bên hành lang Quốc hội nhiều nhất là Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc thay đổi cụm từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ. BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí thì mang tính chất Nhà nước.

Vị bộ trưởng này còn lý giải, việc thu phí thuộc thẩm quyền của HĐND địa phương và bộ ngành liên quan. Vì vậy trước đây khi muốn điều chỉnh phí BOT rất khó khăn và chậm, do phải thông qua nhiều cơ quan chức năng kể trên. Từ nay, khi chuyển sang "thu giá", mặc dù về bản chất lợi ích nhà đầu tư thu được vẫn như trước, nhưng việc điều chỉnh “giá” sẽ nhanh chóng hơn để đáp ứng điều kiện từng trạm thu, thậm chí có thể giảm giá để cân đối phương án tài chính.

Bộ trưởng còn khẳng định, việc đổi tên này không có gì khác mà chỉ là linh động hơn. Sau khi chuyển đổi từ “phí” sang “giá”, mức thu sẽ căn cứ theo quy luật thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, trực tiếp là Bộ GTVT để đảm bảo hài hoà lợi ích người dân, doanh nghiệp. Lúc đó, dù BOT là của doanh nghiệp xây dựng, đầu tư, nhưng không có nghĩa là họ muốn quyết giá bao nhiêu cũng được mà phải ký hợp đồng với Bộ GTVT; Bộ có trách nhiệm giám sát quá trình thu giá.

Bộ trưởng còn thông báo những tin vui như: Có những trạm BOT đã giảm từ 35.000 đồng mỗi lượt xuống còn 15.000 đồng và hiện trạm thu giá BOT nào có điều kiện giảm giá, bộ đều cố gắng giảm tới mức thấp nhất để hỗ trợ chi phí cho người dân.

Nghe Bộ trưởng lý giải như vậy, tất nhiên không chỉ có phóng viên báo chí mà đông đảo nhân dân, những người trực tiếp bị ảnh hưởng kinh tế bởi các trạm BOT đều phấn khởi. Nói gì thì nói, sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, đảm bảo thủ tục thuận tiện, linh động hơn, giúp cho việc điều chỉnh có lợi cho người dân, được thực thi nhanh chóng hơn thì còn gì phấn khởi bằng?

Đó chẳng phải là một cách để hiện thực hóa nền công nghiệp 4.0 hay sao? Chưa kể, việc thay đổi, điều chỉnh tên gọi này là để “sửa sai” cho cách gọi tên cũ. Vì theo quy định, từ 1/1/2017 phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa do Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh quy định. Do đó, việc để tên là trạm “thu phí” là sai quy định và cũng làm sai bản chất của hoạt động này.

Như vậy, mọi việc có vẻ đều “hợp lý” và “đúng quy trình”, như nhiều vấn đề khác của ngành GTVT dù dư luận bức xúc cuối cùng vẫn được nghe những câu kết luận như vậy.

Cá nhân tôi cho rằng việc đổi tên này nó không phải là điều được chờ đợi nhất và được đông đảo người dân quan tâm. Điều mà mọi người chờ đợi đó là việc triển khai các quy định về thu tiền kia sẽ như thế nào? Người dân tham gia giao thông sẽ được hưởng lợi gì, chứ không phải chỉ từ cái tên nghe “nghịch nhĩ” và nhìn “nghịch mắt” kia. Còn đã thay đổi, phải chuẩn từ cái tên, đó là điều cơ bản nhất.

Vào công cụ tìm kiếm, tra từ điển các loại, tôi vẫn chưa thấy được điều mình muốn, đó là ý nghĩa của từ “thu giá”. Từ “giá” đứng một mình thì khá thông dụng, nhưng khi ghép với từ “thu” để thành cụm từ “thu giá”, tôi thấy nó thật sự ngây ngô, tối nghĩa. Chắc hẳn, những người đề xuất và phê duyệt việc đổi tên này chỉ đơn thuần nghĩ rằng đang “phí” chuyển sang “giá” thì từ “thu phí” đương nhiên sẽ thành “thu giá”?

Họ không biết rằng, từ ngữ tiếng Việt cực kỳ phong phú, phức tạp, không phải khi nào nó cũng tuân thủ theo nguyên tắc chuyển đổi nặng tính cơ học kia. Thực tế khi đọc sự chuyển đổi ấy, người ta cho rằng đây là một chiêu trò “đánh tráo khái niệm” không hơn không kém. Bản chất vẫn là “thu phí” mà thôi.

thu phi thanh thu gia nguy bien the co bot duoc su tri tra khong
Trước khi chờ những tín hiệu vui, lạc quan về việc sẽ duyệt giá trần, đề xuất mức giá thấp nhất, hay cố gắng yêu cầu chủ đầu tư các BOT giảm giá thu như Bộ trưởng hứa hẹn.

Đáp lại sự ngây ngô ấy, những người dân tham gia giao thông vốn đang bức xúc về việc xuất hiện tràn lan của các trạm BOT, với mức tiền thu vô tội vạ đã cố tình mang “giá đỗ” đi nộp, tạo ra tình huống khóc dở mếu dở cho nhân viên các trạm. Không thể trách họ, vì thực tế họ không sai. Biển ghi “trạm thu giá” thì họ mang “giá” đến nộp là điều bình thường. Chưa kể, trước đó có ai tuyên truyền, phổ biến, giải thích đến họ đâu mà họ biết.

Tại sao không phải là “trạm thu tiền qua đường”, mà cứ phải là “thu giá”?

Tôi cho rằng, những người đưa ra đề xuất và quyết định thay tên này đang thiếu sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của những chuyên gia ngôn ngữ và đông đảo nhân dân. Họ cứ thích là làm, nghĩ đúng là làm, bất biết người dân nghĩ gì, có đồng thuận hay không. Bắt bẻ câu chữ thực ra là việc cực chẳng đã. Có điều, khi dư luận đang quá bức xúc về những gì mà nhiều trạm BOT gây ra trên khắp cả nước, thì bắt gặp những dòng chữ này, không ít người cảm thấy như một trò hề, một sự cợt nhả của chủ đầu tư, Bộ GTVT dành cho họ.

Trước khi chờ những tín hiệu vui, lạc quan về việc sẽ duyệt giá trần, đề xuất mức giá thấp nhất, hay cố gắng yêu cầu chủ đầu tư các BOT giảm giá thu như Bộ trưởng hứa hẹn. Thiết nghĩ, điều người dân cần hơn cả là sự tôn trọng.

Để thể hiện sự tôn trọng, chắc chắn không thể áp dụng những chiêu bài trí trá trong xây dựng tràn lan và thu tiền bừa bãi như trước đây. Và không nên bắt tay với nhau để nâng, hạ giá theo ý muốn của nhóm lợi ích, để đến mức có những người dân không dám ra đường vì sợ phải trả số tiền không nhỏ cho những đoạn, tuyến mà mình không hề đi qua.

Còn bây giờ, điều cụ thể, thiết thực người dân cần cơ quan chức năng làm ngay để thể hiện sự tôn trọng, ấy là bỏ cái chữ “trạm thu giá” tối nghĩa, ngớ ngẩn, nực cười kia đi và thay bằng từ khác!

thu phi thanh thu gia nguy bien the co bot duoc su tri tra khong Thu phí thành thu giá, tụ nước không phải ngập!

Các trạm thu phí đồng loạt đổi thành “trạm thu giá” và những đường bị ngập nặng chỉ là “tụ nước” cho thấy sự “chơi ...

thu phi thanh thu gia nguy bien the co bot duoc su tri tra khong Trạm BOT: "Thu giá" linh động hơn "thu phí"

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải thích BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên phải gọi là thu giá, ...

/ VTC News