Nhiều vụ án tham nhũng đã được phanh phui và đưa ra xét xử, nhiều đối tượng tham nhũng là cán bộ có chức, có quyền, hoặc là những người mà trước đây ai cũng nghĩ rằng, có thế lực đến mức có thể làm khuynh đảo cả luật pháp.
Tại cuộc họp gần đây của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, các cơ quan chức năng đã đưa ra một con số khiến bất cứ ai cũng đều cảm thấy có điều gì đó rất không bình thường, ấy là, tài sản thu được trong các vụ án tham nhũng đã được xét xử chỉ khoảng trên 10%.
Ðây là một con số rất thấp, nếu như không muốn nói là cực kỳ thấp.
Với con số này thì người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ về kết quả phòng chống tham nhũng của ta. Mặc dù, trong mấy năm gần đây, phòng chống tham nhũng là một quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Chúng ta đã vào cuộc một cách hết sức quyết liệt và khái niệm “vùng cấm” trong các đối tượng tham nhũng hầu như không còn nữa.
Nhiều vụ án tham nhũng đã được phanh phui và đưa ra xét xử, nhiều đối tượng tham nhũng là cán bộ có chức, có quyền, hoặc là những người mà trước đây ai cũng nghĩ rằng, có thế lực đến mức có thể làm khuynh đảo cả luật pháp.
Ảnh minh họa |
Kết quả phòng chống tham nhũng bước đầu đã khiến cho người dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Ðảng, của các cấp chính quyền và hệ thống tư pháp.
Tuy nhiên, với việc chỉ thu hồi được hơn 10% tài sản mà các đối tượng tham nhũng đã gây ra thì đó không phải là một kết quả tốt, nếu như không muốn nói là rất kém, rất buồn.
Từ kết quả này người dân có quyền nghi ngờ về những tiêu cực, yếu kém trong một bộ phận những người có trách nhiệm xử lý các vụ án tham nhũng. Nhưng sự thực không hoàn toàn đơn giản như vậy.
Trước hết phải nói rằng, điều tra một vụ án tham nhũng là cực kỳ phức tạp và thời gian kéo dài có khi hằng năm. Trong thời gian kéo dài như vậy, đối tượng bị điều tra về tội tham nhũng hoàn toàn đủ sức, đủ mưu để tẩu tán tài sản. Mà cách tẩu tán tài sản của người Việt cũng chẳng giống bất cứ một dân tộc nào trên thế giới, ấy là họ có thể nhờ người thân, người quen, nhờ bạn bè trong gia đình đứng tên hộ tài sản, còn tiền bạc thì họ có thể thoải mái gửi ở các ngân hàng nước ngoài, mà thường các ngân hàng này họ rất biết cách giữ bí mật về tài sản của người gửi.
Thứ nữa, một vụ án được điều tra, đưa ra xét xử xong thì khâu thi hành án cũng cực kỳ lằng nhằng và hầu như không còn khả năng thu hồi tài sản của đối tượng bị lĩnh án.
Bấy lâu nay chúng ta thường nghe các bản án của tòa khi tuyên với các đối tượng, kể cả án kinh tế, án hình sự là ngoài chịu hình phạt về tù, thậm chí cả tử hình thì bị cáo còn phải chịu trách nhiệm bồi hoàn khoản tiền đã làm thất thoát, thiệt hại.
Số tiền đó có thể là vài ba triệu nhưng cũng có khi là hàng trăm tỉ.
Nhưng than ôi! Cái khoản đền bù, bồi hoàn này ghi vào án văn cho có thôi chứ còn tính khả thi rất thấp. Ví dụ như vụ “bầu” Kiên chẳng hạn, theo bản án sơ thẩm đã được công bố thì “bầu” Kiên phải bồi hoàn số tiền hơn 500 tỉ. Vậy thử hỏi đã thu được mấy đồng?
Chính vì vậy nên pháp luật ngày càng bị coi nhờn, còn các đối tượng tham nhũng nếu như có bị phạt tù giam, thì khi ở trong tù, có tiền, bọn này cũng sẽ có một cuộc sống khác. Chí ít thì cũng được là phạm nhân tự giác hoặc làm những loại công việc mà có tác dụng như tập thể dục.
Ðã có quan điểm, đối với các vụ án kinh tế thì điều đầu tiên phải làm là thu hồi được càng nhiều tài sản cho chủ thể bị hại thì càng tốt. Tống giam một con người nếu như họ vi phạm pháp luật là việc làm cần thiết nhưng làm thế nào đó để lấy lại được tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân thì còn quan trọng hơn.
Nhưng chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh và còn nhiều điều rất không thực tế với đặc tính của người Việt. Ðó là đặc tính duy tình. Với đặc tính này họ sẵn sàng nhờ người này, người khác đứng hộ tên tài sản, thậm chí cả chủ tài khoản. Còn khi vụ án xảy ra thì việc kê biên phong tỏa ngay tức khắc tài sản và tài khoản thì thường lại không được làm nghiêm ngay từ đầu, chỉ đến khi có án rồi thì mới được thực hiện các bước tiếp theo, lúc ấy tiền và tài sản đã bay hơi sạch.
Một điều quan trọng nữa là chúng ta phải sớm bổ sung các điều luật đối với các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Ðó là, với các đối tượng tham ô tham nhũng hoặc vi phạm pháp luật, khi có yêu cầu của cơ quan tố tụng thì các ngân hàng này đều phải cung cấp đầy đủ danh tính chủ tài khoản và thực hiện các yêu cầu khác.
Nếu chúng ta không làm được điều này thì không bao giờ thu hồi được tài sản của các đối tượng tham ô, tham nhũng. Mà khi đã không thu hồi được tài sản thì việc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ kém hiệu quả, bởi các đối tượng tham nhũng này không sợ bị đi tù mà chỉ sợ bị mất tiền. Bọn này sẵn sàng “hy sinh đời bố, củng cố đời con” mà.
Cho nên, muốn chống được tham nhũng có hiệu quả thì phải làm thế nào đó để cho các đối tượng tham nhũng luôn luôn phải nghĩ trong đầu rằng, nếu như họ tham ô 1 đồng của nhà nước thì họ phải trả giá bằng 10 đồng. Nếu không làm được điều này thì xin đừng bàn đến việc chống tham nhũng nữa mà mất công và tăng thêm sự hoài nghi của người dân mà thôi./.
Nguyễn Như Phong
Theo Năng lượng Mới (năm 2013)
Lại lạm bàn về chống tham nhũng
Tình hình tham nhũng ở Việt Nam là rất nghiêm trọng. |
"Người đứng đầu để tham nhũng phải từ chức đi chứ"
ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng, người đứng đầu mà không quản lý được, để xảy ra tham nhũng thì phải chịu trách nhiệm, phải ... |
Vì sao khó xử lý vi phạm trong công tác cán bộ?
Dư luận đặt ra câu hỏi, không có chế tài nghĩa là dù vi phạm vẫn được tồn tại và người làm sai không phải ... |