Giới chức Trung Quốc khẳng định việc gia tăng sản lượng thịt lợn là nhiệm vụ chính trị trọng đại của quốc gia này trong thời gian tới.
Vấn đề chính trị cấp bách nhất mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt trong tuần này có thể không phải là các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hong Kong, cũng không phải là thương chiến leo thang với Mỹ mà là thịt lợn.
Mặt hàng này đang thiếu hụt tới mức giới chức lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố ổn định nguồn cung và giá thịt lợn đang là nhiệm vụ chính trị trọng đại thời điểm hiện tại.
Người Trung Quốc thích ăn thịt lợn. Trung bình mỗi người tiêu thụ 54,4 kg/năm. Sản lượng tiêu thụ thịt lợn ở Trung Quốc chiếm tới một nửa của thế giới.
Nhưng với một loạt các dịp lễ đang đến gần mà sắp tới là Trung thu, các quan chức Trung Quốc lo lắng sự bất mãn về giá thịt lợn của công chúng có thể làm lu mờ ngày lễ lớn này.
Thịt lợn bày bán trong một siêu thị ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters) |
Họ cũng lo ngại tình trạng thiếu hụt thịt lợn hiện nay sẽ phá hỏng bầu không khí yên bình trước ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, sự kiện lớn nhất của Trung Quốc trong năm nay.
"Chúng tôi sẽ bảo đảm nguồn cung thịt lợn bằng mọi cách", Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa nói vào cuối tháng trước, nhưng thừa nhận tình trạng thiếu hụt thịt lợn có thể sẽ kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn vào cuối năm nay và đầu năm tới.
Ông cảnh báo việc không kiểm soát được giá thịt lợn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả công cuộc xây dựng xã hội sung túc toàn diện, tổn hại hình ảnh của đảng và chính phủ, cũng như ảnh hưởng xấu tới "ổn định kinh tế".
Hồi cuối tháng 7, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ bổ sung nguồn cung từ kho dự trữ thịt đông lạnh vào thời điểm thích hợp để bình ổn giá. Chế độ lưu trữ thịt lợn được Trung Quốc khởi động vào năm 2007, nhưng quy mô của nó là bí mật quốc gia.
"Sự sẵn có và khả năng chi trả cho thực phẩm là một trong những thước đo quan trọng mà mọi người sử dụng khi so sánh hiện tại và cách đây 70 năm", ông Andrew Polk – đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China nói, cho rằng đây là lý do khiến chính phủ Trung Quốc đặc biệt để tâm tới vấn đề này.
Thị trường thịt lợn ở Trung Quốc bắt đầu nổi sóng từ 1 năm trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Nền kinh tế thứ 2 thế giới phải tiêu hủy gần 1,2 triệu con lợn để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đàn lợn Trung Quốc do đó giảm 1/3 so với năm 2018.
Theo số liệu thống kê, Trung Quốc sản xuất 54 triệu tấn thịt lợn trong năm 2018, nhưng con số này trong năm nay dự kiến sẽ chỉ còn 40 triệu tấn và ước tính sẽ giảm xuống chỉ còn 34 triệu tấn trong năm 2020.
Từ tháng 7, giá thịt lợn Trung Quốc tăng hơn 50%, đạt mức cao kỷ lục 33NDT/kg, xô đổ kỷ lục năm 2016 là 31,56 NDT/kg.
Tại Xinfadi, thị trường thịt lớn nhất ở Bắc Kinh, các nhà cung cấp và người mua đang tỏ ra chán chường.
Yu, một người bán thịt lợn với thâm niên 20 năm nói bà chưa từng chứng kiến mức tăng giá thịt lợn nào nhanh như trong tháng 8 vừa qua kể từ khi hành nghề.
"Nó ảnh hưởng lớn tới kế sinh nhai của tôi. Khách hàng nói thịt quá đắt", Yu nói. Bà ước tính lượng khách tìm đến quầy thịt của mình giảm 1/3 so với thời điểm này năm 2018.
Người dân Trung Quốc giành giật mua thịt lợn giảm giá. (Ảnh: Getty) |
Shang Jinsheng, 68 tuổi, một khách hàng thân quen của các quầy thịt ở Xinfadi cho biết bà phải giảm mua thịt và thay thế bằng hải sản vì giá cả quá đắt đỏ.
Khi Trung thu đang đến ngày một gần, chính quyền trung ương và địa phương phải hành động để thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu.
Quảng Châu cuối tuần trước "xả" 1.800 tấn thịt lợn dữ trự đông lạnh ra thị trường và có thể sẽ tiếp tục cho tới Quốc khánh.
Tại Nam Ninh, người dân có thể mua thịt lợn với giá giảm 10% so với giá trị trường. Nhưng số lượng mua bị giới hạn 0,9 kg/ngày/người.
Chính quyền trung ương cũng kêu gọi các tỉnh tự cung cấp thịt lợn. Các ngân hàng được khuyến khích tung ra các gói vay ưu đãi với chủ các lò mổ.
Tuy nhiên, đây không phải là chuyện nay làm, mai có kết quả.
"Lợn không thể lớn chỉ sau một đêm. Chúng cần thời gian", Sun, chủ một quầy thịt lợn ở Xinfadi cho hay.
Để cố gắng bù đắp thiếu hụt, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng mạnh nhập khẩu thịt lợn. Nhưng khi Bắc Kinh đang vật vã trong thương chiến với Washington, họ phải hạn chế nhập khẩu thịt lợn Mỹ và tìm đến nguồn cung từ châu Âu.
Đầu tháng 9, Trung Quốc áp thêm 10% thuế với nông sản Mỹ, kéo mức thuế áp lên thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ lên tới 72%. Bắc Kinh cũng hủy một số giao dịch mua bán thịt lợn mới với Mỹ.
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc khẳng định nhập khẩu thịt lợn của Mỹ chiếm chưa tới 0,2% sản lượng thịt của Trung Quốc.
"Vì vậy, chiến tranh thương mại sẽ không ảnh hưởng tới nguồn cung và giá thịt lợn ở Trung Quốc”, ông Xin Guochang, quan chức Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho hay.
Cùng với nỗ lực bình ổn giá và kiếm tìm nguồn cung mới, chính quyền cũng đang âm thầm thuyết phục người tiêu dùng rời xa món thực phẩm mà họ yêu thích.
Life Times, tờ báo có liên hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bài viết mới đây có tiêu đề "Ăn ít thịt lợn: Tốt cho cả ví tiền và cơ thể bạn" nhấn mạnh ăn quá nhiều thịt lợn không tốt cho sức khỏe.
Song Hy (Nguồn: Washington Post)
Người Trung Quốc quay lưng với thịt heo Mỹ
Trung Quốc đã sẵn sàng mua thịt heo giá cao từ nước khác khiến Mỹ chịu thiệt lớn trên "mặt trận" nông sản. |
Cú 'phản đòn' thịt heo của Trung Quốc dành cho Mỹ
Trung Quốc đã sẵn sàng mua thịt heo giá cao từ nước khác khiến phía chịu thiệt lớn trên "mặt trận" nông sản chính là ... |
Trung Quốc tiếp tục hủy mua thịt heo Mỹ
Tương tự các lần ông Trump dọa tăng thuế trước, Trung Quốc cắt tiếp hợp đồng mua 14.700 tấn thịt heo Mỹ. |